VN-Index vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, nhưng sụt giảm ngay sau đó cho thấy đây vẫn là ngưỡng kháng cự rất mạnh của thị trường. TTCK sẽ chuyển biến theo xu hướng nào trong tuần tới?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong xu hướng giằng co, phân hóa và chịu chi phối mạnh bởi biến động nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt bộ ba cổ phiếu VIC-VHM-VRE.
Mặc dù xu hướng tăng điểm của chỉ số VN-Index trong trung hạn vẫn đang được duy trì, tuy nhiên nếu không xuất hiện động lực tăng trưởng đủ mạnh, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang trong tuần tới để hoàn thiện quá trình tích lũy trước khi vượt ngưỡng cản 1.000 điểm 1 cách thuyết phục.
Mặc dù vậy, xét về mặt thông tin, TTCK Việt Nam đang chịu tác động xấu bởi diễn biến điều chỉnh ở các TTCK toàn cầu trong vài phiên gần đây trước lo ngại kinh tế thế giới suy giảm đà tăng trưởng.
Với tính liên thông cao của TTCK Việt Nam và TTCK toàn cầu ở thời điểm hiện tại, tôi nghiêng về kịch bản 2 chỉ số sẽ điều chỉnh nhẹ trong tuần tới. Khả năng điều chỉnh sâu của 2 chỉ số không được đánh giá cao khi mà lực cầu ở vùng giá thấp vẫn đang duy trì tốt.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank
Ngưỡng 1.000 điểm là ngưỡng cản tâm lý và đằng sau nó là một lịch sử những lần chỉ số VN-Index thất bại trong việc duy trì ngưỡng điểm này hoặc đột phá thành công. Với một lịch sử như vậy, tôi nghĩ rất có thể một dạng “phản xạ có điều kiện” đã được hình thành; vô hình chung lại khiến cho mức điểm này trở thành một rào cản mạnh khó có thể vượt qua.
Về mặt kỹ thuật, đồ thị giá của VN-Index vẫn đang ở bên trên của đường MA 20 nên xu hướng tăng ngắn hạn vẫn có thể được duy trì. Chỉ báo RSI đã giảm bớt và hiện đã không còn ở trong vùng quá bán nên chúng ta có thể kỳ vọng áp lực bán sẽ không còn quá lớn trong tuần giao dịch tới. Nếu khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì vị thế mua ròng thì có thể áp lực giảm điểm sẽ không còn quá lớn với điều kiện là thị trường không đón nhận thêm thông tin tiêu cực nào khác.
Chỉ báo MACD cho tín hiệu đi ngang nên tôi nghĩ thị trường sẽ giao động tích lũy trong vùng điểm 970 – 985; chờ đợi thông tin hỗ trợ tích cực như mùa đại hội cổ đông, báo cáo kết quả kinh doanh tháng/quý trước khi thử thách lại ngưỡng 1.000 điểm.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index, VNMidcap chuyển xuống trạng thái Trung tính, đồng pha với tín hiệu của VN30. Trong khi đó, HNX-Index và VNSmallcap dù vẫn giữ tín hiệu ngắn hạn Tích cực, nhưng đã bộc lộ các dấu hiệu suy yếu.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh
Điểm tích cực ở thời điểm hiện tại là khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng. Tuy nhiên, dòng tiền cho thấy dấu hiệu thận trọng hơn sau một đợt tăng điểm nóng, trong khi đó, tâm lý chốt lời càng lúc càng có xu hướng gia tăng. Ông bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng dịch chuyển của dòng tiền?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng ở vùng điểm nhạy cảm hiện tại là tín hiệu tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư trong nước. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý là giá trị mua ròng của khối ngoại đã không mạnh như trước và có đan xen các phiên khối này bán ròng mạnh trong 2 tuần trở lại đây.
Điều này đồng nghĩa với việc tâm lý chốt lời đã dần xuất hiện, trong bối cảnh các thông tin vĩ mô toàn cầu đang tác động có phần tiêu cực đến các TTCK lớn trên thế giới như việc OECD, ECB mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xuất khẩu Trung Quốc giảm mạnh, khả năng Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận đàm phán thương mại còn bỏ ngỏ và một số nguồn thông tin cho thấy Chính phủ Trung Quốc muốn kìm hãm đà tăng trưởng nóng của TTCK nước này…
Tôi không loại trừ khả năng khối ngoại sẽ quay trở lại bán ròng trong vài tuần tới nếu các thông tin tiêu cực hơn từ thế giới xuất hiện, đặc biệt liên quan đến tiến trình đàm phán Mỹ-Trung.
Trong khi đó, đối với dòng tiền trong nước, tâm lý thận trọng, lưỡng lự của nhà đầu tư đang thể hiện rõ trong 2 tuần trở lại đây với áp lực chốt lời thường trực ở vùng giá cao, đặc biệt những phiên VN-Index giao động quanh ngưỡng 1.000 điểm. Trạng thái tâm lý này chỉ có thể được giải tỏa nếu xuất hiện phiên giao dịch chỉ số VN-Index vượt ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm 1 cách thuyết phục cả về thanh khoản, biên độ lẫn độ rộng thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank
Dựa trên quan sát diễn biến thị trường, tôi cho rằng trong tuần giao dịch tới sẽ có sự dịch chuyển dòng tiền sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu có câu chuyện ngành nghề hấp dẫn, khả quan hoặc nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trụ có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh sau khi nhiệm vụ thử thách ngưỡng 1.000 thất bại và quỹ ETF nội chuẩn bị tiến hành tái cơ cấu danh mục. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu này đối với nhà đầu tư nào quan tâm.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Triển vọng thị trường vẫn lạc quan do khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tăng nhẹ trong danh mục review của VNM ETF, nhà đầu tư trong nước tham gia giao dịch đáng kể trở lại sau tết, các yếu tố vĩ mô tương đối ổn định...., nhưng bên cạnh đó những phiên giảm điểm do hoạt động chốt lời sau thời gian tăng điểm nóng cũng như về tín hiệu kỹ thuật bộc lộ 1 số dấu hiệu suy yếu cũng ảnh hưởng phần nào đến thị trường nhưng nhìn chung chúng tôi vẫn lạc quan cho thị trường tháng 3.
Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét hơn theo từng dòng cổ phiếu. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường trong thời gian tới có tạo cơ hội cho các hoạt động mua trading nâng tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn? Nếu có cơ hội, đâu là nhóm cổ phiếu được ưu tiên hơn ở thời điểm này, theo các ông/bà?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Song song với việc nắm giữ các vị thế trung hạn, các nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao có thể mở lại một phần vị thế ngắn hạn với các cổ phiếu mục tiêu, ưu tiên nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ như điện, dược, tiêu dùng thiết yếu… khi các cổ phiếu này sụt giảm về vũng hỗ trợ kỹ thuật trong các phiên thị trường điều chỉnh, rung lắc trong tuần tới.
Ông Trần Đức Anh
Tỷ trọng danh mục chưa nên đẩy lên mức cao cho đến khi các rủi ro ngoại biên xuất hiện gần đây được đánh giá và phản ánh đầy đủ.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank
Do thị trường nhìn chung đang chịu áp lực tâm lý khá lớn nên tôi không khuyến nghị nhà đầu tư tham gia vào thị trường trong giai đoạn này do mức độ rủi ro là rất lớn. Điều này lại càng đặc biệt đúng với các hoạt động giao dịch T+ ngắn hạn. Nhà đầu tư nếu muốn tham gia nên cân nhắc kỹ mức độ rủi ro cũng như khả năng chịu đựng rủi ro của mình.
Tuy vậy, tôi cũng đánh giá cao cơ hội xuất hiện tại những nhóm cổ phiếu có câu chuyện ngành nghề hấp dẫn, được hưởng lợi hoặc có kết quả kinh doanh khả quan và vượt trội. Nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, gỗ, bất động sản khu công nghiệp, năng lượng và dầu khí là những nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên lưu ý.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Thị trường tăng điểm thời gian qua do các mã vốn hóa lớn và ngân hàng và sau đó thị trường giảm điểm gần đây cũng do ảnh hưởng từ các mã này.
Chỉ số VN-Index đã có phiên giảm điểm thứ 3 trong 4 phiên gần nhất, chốt phiên giảm 0,9% vào hôm thứ Sáu. Tuy giảm điểm hôm nay những tính chung cả tuần chỉ số vẫn tăng 0,6% sau khi giảm 0,9% vào tuần trước. VNM (-1,9%) là mã khiến chỉ số mất nhiều điểm nhất, sau đó là GAS (-1,9%) và VIC (-0,9%).Phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều giảm, dẫn đầu là BID (-2,6%), TCB (-1,9%) và CTG (-1,4%).
Trong ngắn hạn theo phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư ngắn hạn tạm ngưng hoạt động nâng tỷ trọng mà chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn, còn đối với nhà đầu tư dài hạn hơn, các nhịp rung lắc là cơ hội để nâng tỷ trọng cho các mã trong danh mục có sẵn.
Những mã cần quan tâm là những mã chưa tăng nóng thời gian qua, có tình hình hoạt động tốt có thể là bluechip hoặc kể cả cổ phiếu mid caps và small caps, tuy nhiên lưu ý nhà đầu tư thận trọng kg nên chơi những mã ngành dầu khí, năng lượng bởi lẽ bị ảnh hưởng quá nhiều vào giá dầu và tình hình biến động thế giới liên tục hàng ngày làm quyết định của nhà đâu tư bị ảnh hưởng liên tục, thiếu nhất quán.