Đúng như dự báo, VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.000 điểm trong tuần qua nhưng khả năng tăng mạnh của thị trường trong ngắn hạn không được nhiều CTCK đánh giá cao, đặc biêt sau phiên rung lắc cuối tuần. Diễn biến giao dịch của thị trường trong tuần tới sẽ theo hướng nào, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường MBS
Tuần qua, chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt khởi sắc. Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại với mức tăng 2,1%, nối gót phố Wall các chỉ số chính của chứng khoán châu Á cũng tăng điểm mạnh: chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1,9%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 3,36%, ấn tượng nhất là chỉ số Shanghai của thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 4,32% bất chấp căng thẳng thương mại leo thang.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua cũng đồng thuận với xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu với mức tăng 1,2%. Đây cũng là tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp và trong 10 tuần gần đây chỉ số VN-Index đã có tới 8 tuần tăng điểm.
Điểm tích cực trong tuần vừa qua là dòng tiền lớn đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường dù có loại bỏ đóng góp từ việc cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đó tạo động lực giúp chỉ số VN-Index đã lấy lại mốc tâm lý 1.000 điểm sau 3 tháng chờ đợi.
Việc thị trường vượt đỉnh đã tạo sự tự tin rất lớn cho nhà đầu tư qua đó tâm lý cũng đã được đẩy lên mức hưng phấn. Những phiên rung lắc như phiên cuối tuần qua chỉ là biến động tức thời do các giao dịch trong khoảng thời gian ngắn và mang nhiều yếu tố kỹ thuật. Dù sao đi nữa thì những diễn biến như vậy cũng đã kết thúc trong tuần vừa qua, thị trường sẽ trở lại với giao dịch với cung cầu bình thường.
Vì vậy, với những lợi thế trong tuần vừa qua, trong tuần tiếp theo cũng như trong thời gian tới thị trường có cơ hội bước vào sóng tăng mới khi các yếu tố tích cực đều hội tụ từ cơ bản đến kỹ thuật.
Khi những lực cản như việc cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs với việc bán nhiều hơn mua hay căng thẳng thương mại đã không làm khó được thị trường, thậm chí thị trường còn vượt đỉnh thì việc Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất vào tuần tới cũng không làm ảnh hưởng đến xu hướng tăng của thị trường. Bên cạnh đó, những thông tin về kết quả kinh doanh quý III sắp công bố sẽ là bệ đỡ cho thị trường.
Về kỹ thuật, việc chỉ số VN-Index vượt đỉnh sẽ kích hoạt dòng tiền mới trở lại thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật cũng chuyển từ tích cực lên triển vọng lạc quan, do vậy việc thị trường xác lập xu hướng tăng mới là rất sáng sủa.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE)
Hiện tại vùng HT quan trọng của thị trường là 980 và kháng cự gần nhất là 1.030, nhiều khả năng vùng 1.000 sẽ được kiểm tra trở lại trong tuần sau trong bối cảnh nhiều thông tin nhạy cảm tác động đến thị trường như căng thẳng chiến tranh thương mại đang leo thang.
Tuy nhiên, sức mạnh của đồng đô la đang yếu đi cũng đã hỗ trợ chứng khoán thế giới tăng điểm, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều phiên mua ròng hơn cộng với thanh khoản cải thiện đáng kể đã hỗ trợ TTCK trong nước.
Ông Phan Dũng Khánh
Các thông tin như chiến tranh thương mại ít nhiều được "miễn nhiễm" với thị trường khi VN-Index vẫn chinh phục được mốc 1.000 điểm. Vì thế nhiều khả năng thị trường diễn biến tích cực hơn và tiếp tục tiến lên vùng KC nhiều hơn. Tuy vậy do thị trường đang dao động quanh vùng tâm lý 1.000 điểm mà chưa vượt xa được một cách dứt khoát nên nếu vùng này lại bị mất thêm lần nữa thì xu hướng tiêu cực sớm quay lại và các mốc HT mới sẽ được thiết lập.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Phiên thứ Sáu vừa qua là phiên đặc biệt, ai cũng biết ETF sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục vào buổi chiều. Do đó, tôi nghĩ không thể xem xét phiên thứ Sáu ở góc độ chuỗi giao dịch, tức là có chịu ảnh hưởng từ các phiên trước đó hay không. Như vậy, nếu bỏ qua phiên thứ Sáu, thì các tín hiệu kỹ thuật của tôi lại cho thấy có vẻ thị trường sẽ vẫn tiếp tục chuỗi đà tăng.
Tuần qua, thị trường Việt Nam đón nhận tin từ Mỹ (đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc) mà tôi vốn phân loại nó là loại thông tin tiêu cực, tuy nhiên, chỉ số VNIndex lại hoàn toàn diễn biến tích cực, ngay cả trong phiên tin ra và sau đó. Thậm chí, chứng khoán thế giới cũng diễn biến tích cực ngay sau khi thông tin đó ra.
Như vậy, có thể suy đoán rằng tạo thời điểm này, việc Tổng thống Mỹ quyết định tăng thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc là tin đã cũ, xét ở góc độ tâm lý nhà đầu tư. Còn tác động thật sự, xét ở góc độ kinh tế tài chính và hoạt động của doanh nghiệp, thì vẫn phải chờ thêm ít nhất vài tháng nữa. Lúc này, thị trường “chờ” thông tin khác. Đó có thể là thông tin đối với nhóm ngân hàng, dầu khí hay kết quả sản xuất kinh doanh quý III sắp đến. Đó là những loại thông tin hỗ trợ thị trường.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBVS)
Thị trường có nhịp hồi phục tốt trong tuần qua và chỉ số VN-Index đã chớm vượt qua ngưỡng thử thách tâm lý 1.000 điểm trong các phiên cuối tuần. Tuy nhiên, quan sát diễn biến thị trường, tôi đánh giá diễn biến vượt đỉnh thị trường trong tuần qua không thực sự thuyết phục, khi mà áp lực bán có dấu hiệu gia tăng ở vùng giá cao, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn mang tính dẫn dắt.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của thị trường trong nhịp tăng từ giữa tháng 7 vừa qua, đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp trên 2 sàn trong 6 tháng đầu năm, hiện nay đã suy yếu. Động lực tăng trưởng của thị trường ở thời điểm hiện tại, đến từ sự khởi sắc ở TTCK toàn cầu nhờ yếu tố cuộc chiến thương mại không leo thang lên mức cao như dự kiến, không phải yếu tố bền vững và có thể nhanh chóng đảo chiều.
Qua đó, tôi nhận định chỉ số VN-Index sẽ khó tăng mạnh và bứt ra xa vùng giá 1.000 điểm. Kịch bản được đánh giá cao nhất là chỉ số sẽ điều chỉnh nhẹ, chờ đợi các thông tin hé lộ liên quan đến kết quả kinh doanh quý III sẽ sớm được công bố trong vài tuần tới.
Khi rủi ro điều chỉnh trong những phiên tới vẫn cần được lưu ý, nhà đầu tư nên hành động như thế nào, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường MBS
Như đã phân tích ở trên, triển vọng thị trường bước vào sóng tăng mới là rất khả quan. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý mức đỉnh cũ của VN-Index ở 1.045 điểm.
Có thể thị trường cần test lại mức kháng cự ngắn hạn này và những phiên điều chỉnh có thể xảy ra để tạo đà bứt phá cho xu hướng tăng mới. Do vậy nhà đầu tư có thể chốt dần danh mục khi thị trường đi vào vùng kháng cự và mua lại trong những phiên điều chỉnh.
Ông Ngô Quốc Hưng
Nhìn ngắn hơn trong những phiên tới, trong kịch bản kém lạc quan cũng chỉ là một nhịp võng trong phiên để thị trường có thể retest cung cầu đối với mốc 1.000 điểm lần nữa và đây là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE)
Các nhóm cổ phiếu bluechip có phục hồi giúp thị trường tăng điểm trở lại trong hơn 2 tháng qua. Tuy nhiên, mức độ phục hồi này khá yếu và nhóm dầu khí cầm trịch thị trường nhiều hơn. Vì thế sự mong manh của thị trường trong lúc này là điểm cần lưu ý, các nhà đầu tư chỉ nên mở các vị thế ngắn hạn, lưu ý các ngưỡng KC đặc biệt với các cổ phiếu bluechip để giảm bớt tỷ trọng khi giá đi vào vùng này.
Bên cạnh đó quan sát thêm nhóm penny có nhiều cổ phiếu thậm chí đã có cổ phiếu tăng bằng lần trong thời gian ngắn (vd SRA), và dòng tiền liên tục di chuyển trên những mã penny dạng này. Nếu nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro tốt, giao dịch nhanh chóng thì nhóm này hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận đáng kể.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Rủi ro có lẽ vẫn có, dù tôi nghiêng về khả năng chỉ số còn tăng. Thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là hồi phục lại từ khoảng giữa tháng 7 đến nay, nhưng mức độ phục hồi luôn có vẻ khó khăn, vì nhà đầu tư luôn bị ngưỡng cản tâm lý từ những thông tin từ thế giới bên ngoài.
Dù giới chuyên gia đang chia 2 phe tranh cãi về việc nước ta là bên thiệt hay bên lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng ai cũng thấy tỷ giá đã tăng lên trên 23.000 đ/USD và không có hy vọng xuống nữa. Lạm phát, lãi suất cũng vậy, đang hay sẽ tăng. Những yếu tố quan trọng này sẽ phản ánh sớm vào khá nhiều kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong quý III, tạo ra những rủi ro bất ngờ lên giá cổ phiếu những doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét trong phạm vi tuần tới thì quá sớm để nói về loại tác động này, do đó rủi ro nếu có, sẽ đến từ yếu tố nào đó bất ngờ, khó dự đoán được. Còn cá nhân tôi thì hy vọng rằng sẽ không có rủi ro nào lớn.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBVS)
Nhìn chung, với diễn biến thuận lợi của kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp trên 2 sàn, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, đã và sẽ tiếp tục cho thấy sự cải thiện mạnh trong hoạt động kinh doanh được công bố hàng quý. Đây được coi là động lực quan trọng hàng đầu hỗ trợ thị trường tăng điểm trong trung-dài hạn.
Ông Trần Đức Anh
Nhà đầu tư có thể ưu tiên nắm giữ nhóm cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn cho danh mục trung-dài hạn mà không cần lo lắng đến diễn biến ngắn hạn của thị trường chung. Tuy nhiên, việc lực chọn cổ phiếu cần hết sức thận trọng do rủi ro cũng sẽ xuất hiện ở những mã không duy trì được tốc độ tăng trưởng và không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
Đối với danh mục đầu tư ngắn hạn, với dự báo thị trường điều chỉnh nhẹ trong tuần tới, nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động trading ngắn hạn với lợi nhuận kỳ vọng tương đối thấp. Nhà đầu tư thực hiện bán ra ở nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh về giá tính từ vùng đáy và chờ mua lại ở vùng giá hấp dẫn hơn.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí vẫn là điểm đến của dòng tiền nhưng lại cho thấy mức độ phân hóa khá mạnh ngay trong từng ngành. Với cá nhân ông/bà, đâu là lựa chọn nhóm cổ phiếu nếu đầu tư trong ngắn hạn?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường MBS
Việc thị trường vượt đỉnh sẽ lôi kéo dòng tiền mới vào thị trường nhất là những người thận trọng còn đứng ngoài hoặc vừa chốt lời trong thời gian qua.
Với việc kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp dần dần lộ diện trong thời gian tới, dòng tiền sẽ có sự phân hóa ngay trong từng ngành. Do vậy phải có sự chọn lọc những cổ phiếu có triển vọng trong từng ngành.
Nhóm cố phiếu Midcap hoặc những bluechip trước kia bị lãng quên có thể sự lựa chọn trong ngắn hạn, ngoài ra hãy chú ý nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm cổ phiếu sản xuất và kinh doanh điện, nhóm cổ phiếu bán lẻ…
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE)
Các cổ phiếu nhóm dầu khí, penny và các bluechip thuộc các ngành ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.. đều có thể kinh doanh ngắn hạn trong giai đoạn này. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý thêm TTCK phái sinh nhiều khả năng sôi động trở lại vào giai đoạn cuối năm nay khi thị trường đón nhận thêm nhiều thông tin mới tác động mạnh hơn như cáo cáo cuối năm, kế hoạch năm mới, các dự án mới, các chính sách...
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Ngân hàng tuần qua nói chung diễn biến tích cực, đa số cổ phiếu nhóm này đều chạy 4 cây nến xanh, gợi mở 1 đợt tăng giá mới, trừ 1 số rất ít như BID. VCB nếu không có “sự cố ETF” chiều thứ Sáu vừa qua thì cũng đã tăng giá. Tôi không thấy có sự phân hóa nào rõ trong nhóm này.
Chứng khoán cũng vậy, đa số mã vốn hóa lớn đều tăng, trừ số ít vốn hóa nhỏ, thị giá thấp hay kém thanh khoản. Thị trường hồi phục từ tháng 7 đến nay, như vậy kỳ vọng vào kết quả quý III nhóm chứng khoán cũng tăng, điều này sẽ sớm phản ánh vào giá cổ phiếu (vì cũng sắp hết tháng 9).
Tuy nhiên dầu khí thì đúng là đang có sự phân hóa khá rõ. Giá dầu thế giới, cụ thể là dầu Brent, đang quay lại mức đỉnh của năm nay. Lưu ý là bây giờ đã là cuối tháng 9, và nhiều khả năng giá dầu bình quân năm nay sẽ trên 70 USD/thùng, thậm chí 72,5 USD/thùng.
Ông Hoàng Thạch Lân
Dự phóng của các công ty chứng khoán về doanh nghiệp dầu khí đều dựa trên căn bản dự báo giá dầu bình quân, nên vì thế cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, chúng tôi lại đang thấy dường như khi giá dầu tăng tới cỡ này, nhiều người lại e là sắp đạt đỉnh của năm, tức có thể giảm. Điều này tạo ra rào cản tâm lý cao.
Ngoài ra, ngành dầu khí Việt nam còn có 1 yếu tố lớn khác là tiến độ các dự án tọng điểm, nhìn chung là chậm, và lúc nào cũng có rủi ro giãn hoãn kéo dài. Khi đó những công ty dầu khí cũng có dự phóng khác nhau.
Nhóm tích cực là nhóm khí, tiêu biểu là GAS. Nhóm tiêu cực tiêu biểu vẫn là PVD, PVS… Ngay cả khi 2 doanh nghiệp này vừa có thông tin được PVEP thanh toán 1 phần nợ xấu, giúp họ hoàn nhập dự phòng và tăng lợi nhuận, nhưng điều đó không làm giảm mối lo về triển vọng của hoạt động cốt lõi.
Do đó, tôi nghiêng về nhóm ngân hàng và chứng khoán trong ngắn hạn hơn là dầu khí.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBVS)
Ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu tôi ưu tiên đầu tư cho danh mục ngắn hạn hơn so với 2 ngành dầu khí và chứng khoán.
Đối với ngành dầu khí, cổ phiếu ngành này biến động phụ thuộc vào diễn biến giá dầu, vốn được coi là yếu tố rất khó dự đoán ngay cả trong ngắn hạn do giá dầu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố mang tính địa chính trị thay vì cung/cầu thuần tuý.
Đối với ngành chứng khoán, với việc ngành này có độ nhạy cao và thường di chuyển cùng chiều với thị trường, tôi không lạc quan với triển vọng ngành này trong ngắn hạn khi mà thị trường được dự báo sẽ điều chỉnh nhẹ.
Trong khi đó, dư địa tăng trưởng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn, tuy nhiên diễn biến ngành này sẽ khá phân hoá và tăng trưởng chỉ xuất hiện ở những mã có chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh, dư địa tăng trưởng trong các tháng cuối năm vẫn còn và ít chịu ảnh hưởng bởi trần tín dụng, hay các mã có thông tin mới liên quan đến hoạt động tăng vốn, tìm đối tác chiến lược…