Phiên giao dịch cuối tuần có phần chịu áp lực từ hoạt đồng chốt danh mục của các quỹ ETF. Nhìn tổng thể, TTCK từ đầu tháng 12 đến nay giao dịch khá dè dặt cả về điểm số và thanh khoản. Liệu có nhiều chuyển biến mới trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2018 không, theo các ông/bà?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS
Hành động của ETF vào các kỳ review đã quá quen thuộc với nhiều nhà đầu tư Việt Nam nên theo tôi hành động này chỉ có tác động làm tăng thanh khoản của thị trường trong kỳ review chứ không làm thay đổi xu thế thị trường.
Việc xuống của thị trường từ đầu tháng 12 đến nay hoàn toàn là do bản chất thị trường trong nước và thế giới vẫn đang trong downtrend do chúng ta đang ở sườn bên phải của đỉnh chu kỳ chứ không phải do ETF hay bất cứ lý do nào khác
Về nhận định tuần cuối cùng của năm, tôi dự báo VN-Index sẽ hồi phục trong khoảng 3 - 4 phiên cuối cùng của năm mới. VN-Index giảm về sát vùng 898 +/- 4 thì sẽ có hiện tượng hồi phục kỹ thuật T+ 3 - T+ 4 rồi sau đó sẽ xuống tiếp rất mạnh vào đầu tháng 1/2019.
Như vậy, bản chất diễn biến tuần tới sẽ chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật đơn thuần trong 1 downtrend. Sau khi giảm sâu thì sẽ bật lại kỹ thuật rồi sau đó xuống tiếp. Hơn nữa những phiên cuối năm thông thường sẽ có hiện tượng đỡ NAV của các quỹ đang bị kẹp hàng để báo cáo cuối năm được đẹp hơn, sang năm mới, lực đỡ NAV không còn thì thị trường sẽ xuống tiếp.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Theo tôi là rất khó có chuyển biến tích cực, mà tích cực ở đây phải hiểu là đỡ xấu hơn đặc biệt trong 2 tuần tới khi mà rất nhiều ngày Lễ diễn ra là Noel và năm mới 2019, khối ngoại vẫn duy trì vị thế bán ròng trên TTCK nhưng hoạt động này khả năng giảm bớt khi chuẩn bị những ngày Lễ lớn của họ.
Tuy vậy xu hướng tích cực vẫn khó mà quay lại trong ngắn hạn nhưng sẽ đỡ xấu hơn khi hoạt động bán ròng giảm đi. Tuy nhiên dòng tiền trên thị trường hiện rất yếu, nhiều mã cổ phiếu vẫn đang ở trong trạng thái âm tiền (tiền vào ít hơn tiền ra) và điều này vẫn chưa được cải thiện thì xu hướng tích cực nếu có trong 2 tuần tới chỉ là mức độ giảm giá sẽ chậm lại xen kẽ các phiên tăng nhẹ.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Theo thống kê về các chu kỳ của thị trường chứng khoán Việt Nam thì có thể thấy trong giai đoạn 2010-2018, có 4/8 năm thị trường chúng ta giảm điểm. Tức là về mặt thống kê thông thường giai đoạn cuối năm thường là thời điểm mà thị trường giao dịch khá giằng co và không rõ xu hướng.
Lý giải về mặt tâm lý có thể là do nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức về cuối năm đều không mạnh dạn giải ngân thêm mà sẽ tập trung vào việc bảo vệ thành quả đầu tư trong năm nhiều hơn nên chúng ta có thể thấy là thanh khoản trên thị trường vẫn là khá thấp.
Ông Ngô Thế Hiển
Như chúng tôi cũng đã nhận định trước đó, VN-Index nhiều khả năng trong tháng 12 sẽ chỉ vận động trong khoảng từ 890 – 960 điểm và hiện chỉ số đang ở mức 912 điểm. Ngoài ra, cũng phải nhận thấy là thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là chứng khoán Mỹ cũng đang có những diễn biến khá tiêu cực trong những phiên giao dịch gần đây và điều này cũng gây tác động không tốt tới chứng khoán Việt Nam.
Do đó, tôi cho rằng, trong tuần cuối năm 2018 (24/12-28/12), thị trường vẫn sẽ giao dịch với sự giằng co và tích lũy là chủ yếu với biên độ trong khoảng 900-930 điểm (MA5-10-100 tuần).
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Việc thị trường giao dịch với thanh khoản không cao xuất phát từ hai yếu tố, trước hết là áp lực bán đã suy yếu sau chuỗi giảm điểm dài của VN-Index từ mốc 1.200 điểm cho đến nay và khiến nhiều cố phiếu đã trở nên hấp dẫn về mặt giá trị. Tuy nhiên, lực mua vẫn tỏ ra dè dặt và thăm dò, xuất phát từ những hiệu ứng tiêu cực từ chứng khoán thế giới trước những yếu tố tác động như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay Fed tăng lãi suất.
Những phiên gần đây dù TTCK trong nước giảm điểm, nhưng mức giảm thấp hơn khá nhiều so với các TTCK khu vực và trên thế giới một phần cũng xuất phát từ sự lưỡng lự của cả bên mua và bên bán. Do đó, nhiều khả năng trạng thái biến động theo hướng sideways cùng thanh khoản thấp này sẽ tiếp diễn trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2018.
Với quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 của FED trong năm 2018 cũng như lộ trình tăng lãi suất dự tính trong năm 2019, các thị trường chứng khoán nói chung có chịu nhiều áp lực trong thời gian tới không?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS
Lý thuyết cơ bản nhất của thị trường chứng khoán luôn chỉ ra đó là: lãi suất là kẻ thù của chứng khoán, khi lãi suất giảm thì chứng khoán tăng và ngược lại.
Ông Dương Văn Chung
Khi chúng ta đang ở đỉnh chu kỳ kinh tế toàn cầu, thì lãi suất toàn cầu cũng có xu thế tăng theo chung để bảo vệ giá trị đồng tiền mỗi nước. Xu thế thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam cũng sẽ trong xu thế đó. Tuy nhiên tôi cho rằng, thị trường Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nên xu thế xuống sẽ ít hơn và sẽ tạo đáy trước thị trường thế giới.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Mặc dù dự báo số lần tăng lãi suất của FED sẽ giảm đi trong năm mới, tuy nhiên cần lưu ý rằng chính sách của FED vẫn là thắt chặt tiền tệ là chủ đạo.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương được quan tâm nhiều thứ 2 trên thế giới là ECB cũng sẽ chính thức dừng các gói kích cầu của họ vào thời điểm hết tháng 12/2018.
Nghĩa là xu thế chung toàn cầu là hạn chế tiền được bơm ra khi mà "núi" nợ toàn cầu đang ở mức cao nhất lịch sử là khoảng hơn 250 ngàn tỷ USD, nợ của các Ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB, BoJ tăng gần như gấp đôi so với trước cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm, tỷ lệ nợ trên GDP cũng từ 280% lên 320% nhưng tăng trưởng kinh tế không tăng như mong muốn. Thậm chí như Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm, nhiều quốc gia như Hy Lạp tỷ lệ thất nghiệp thậm chí không được cải thiện dù tốc độ bơm tiền là mạnh nhất lịch sử sau khủng hoảng 2008, cái tăng đáng ngưỡng mộ nhất chỉ là giá đất, chứng khoán và Bitcoin chứ không phải tăng trưởng kinh tế.
Ông Phan Dũng Khánh
Tóm lại, với cục nợ lớn như thế trong khi cái cần tăng lại không đạt được (tăng trưởng kinh tế) cái không phải (Bitcoin, giá đất...) lại liên tiếp lập đỉnh thì việc thả lỏng tiền tệ để hỗ trợ thị trường tài chính cũng như TTCK là rất khó. Vì thế năm 2019 sẽ tiếp tục là 1 năm khó khăn nếu dòng tiền chưa được nới lỏng trở lại. Và khả năng này sẽ là rất khó khi nợ công cùng cái loại nợ khác giúp thế giới đang đi trên 1 con đường trải đầy nợ nần và đường này chỉ có 1 chiều.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Nhìn chung, việc tăng lãi suất lần 4 của FED trong năm 2018 mặc dù đã nằm trong lộ trình được cơ quan này thông báo từ khá lâu nhưng vẫn là một quyết định gây thất vọng cho các nhà đầu tư.
Nguyên nhân là do họ hy vọng rằng với việc CPI 11 tháng giảm xuống 2,2% từ mức 2,5% trong 10 tháng và ý kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới nguy cơ đồng USD mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế Mỹ, Fed có thể sẽ không tăng lãi suất.
Với quyết định nói trên, thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều thị trường chủ chốt khác đã chịu tác động mạnh khi nhà đầu tư bán ra cổ phiếu khiến cho chỉ số DJIA lập đáy mới trong năm 2018 và đánh mất các mốc hỗ trợ kỹ thuật quan trọng. Với tính liên thông của dòng vốn trên toàn cầu thì thị trường chứng khoán toàn cầu nhiều khả năng sẽ còn những biến động mạnh trong thời gian tới.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Nhìn chung, với việc mạnh lên của đồng USD theo lộ trình tăng giá của Fed và những bất ổn vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc trong mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, dòng tiền đầu cơ sẽ có xu hướng tìm nơi trú ẩn an toàn. Điều đó có thể dẫn đến sự tiếp tục dịch chuyển dòng tiền từ các TTCK mới nổi, cận biên có nhiều rủi ro về các TTCK có độ an toàn cao hơn như Mỹ; và ngay cả tại TTCK Mỹ thì dòng tiền có thể dịch chuyển từ kênh cổ phiếu sang kênh trái phiếu an toàn hơn và có lợi suất đang trở nên hấp dẫn hơn.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có những yếu tố để phần nào đó nằm ngoài xu hướng dịch chuyển của dòng tiền này, đó là một nên kinh tê vĩ mô đang tăng trưởng khá ổn định, một thị trường chứng khoán đang có sự phát triển tốt cả về chất và lượng với nhiều hàng hóa mới hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài với một mức định giá đã hợp lý hơn.
Nếu nói dòng tiền đang có dấu hiệu tích lũy cho một chu kỳ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2019 thì có kỳ vọng sớm quá không, theo các ông/bà?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS
Tôi thấy thị trường vẫn đang trong xu thế xuống và dự báo sẽ còn xuống nữa trong đầu tháng 1/2019 do bất ổn từ thế giới chứ không phải trạng thái tích lũy.
Tuy nhiên, sau khi thị trường giảm mạnh thì sẽ là 1 sóng tăng, nên tôi cũng kỳ vọng sau tết Âm lịch thị trường sẽ khởi sắc hơn, nhưng với một điều kiện là trước đó thị trường cần giảm mạnh VN-Index về vùng 830 - 780 thì may ra mới có thể thu hút được dòng tiền thông minh quay trở lại thị trường.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Như câu 2, khả năng này khá nhỏ theo tôi tích lũy về mặt dài hạn là chưa có chủ yếu chỉ là những giai đoạn nhỏ phục hồi ngắn hạn.
Dù dòng tiền lớn chưa có dấu hiệu quay lại nhưng những dòng tiền vừa phải hơn vẫn phải chảy vào một nơi nào đó như các nhóm ngành trên TTCK hoặc các kênh đầu tư khác nên dù khó có những con sóng lớn nhưng những con sóng nhỏ, sóng nhóm ngành thì vẫn sẽ có và dành cho các nhà đầu tư nhanh nhạy, có nhiều kinh nghiệm trên thị trườn,g đặc biệt là việc quan sát được sự dịch chuyển của dòng tiền.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Trong bức tranh trung và dài hạn, VN-Index hiện vẫn đang quá trình tích lũy trong kênh giá từ 880 điểm tới 1.040 điểm và xa hơn là 1.200 điểm.
Chúng tôi cho rằng nếu không có những diễn biến bất ngờ liên quan tới vĩ mô và thị trường tài chính toàn cầu thì mốc 880 điểm nhiều khả năng vẫn được giữ vững, tuy nhiên sẽ rất khó khăn để VN-Index bứt phá để quay trở lại vùng đỉnh cũ quanh mốc 1.200 điểm trong năm 2019.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Ông Vũ Minh Đức
Nền tảng thanh khoản thấp là một trong những dấu hiệu của quá trình tích lũy, tuy nhiên ở giai đoạn hiện tại, VN-Index vẫn đang nằm trong xu hướng giảm điểm, tức là cầu vẫn đang yếu hơn cung, dù áp lực bán không còn quá mạnh. Do đó, theo tôi chưa có thể kết luận rằng thị trường đã hình thành vùng đáy ở thời điểm hiện tại.
Ở thời điểm hiện tại, ông/bà chọn chiến lược nào? Nếu lựa chọn giải ngân thì nhóm cổ phiếu nào có nhiều tiềm năng?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, CTCK MBS
Do nhận định thị trường Việt Nam sẽ vẫn còn trong xu thế xuống cùng với thị trường toàn cầu nên chiến lược của tôi đưa ra là: Đứng ngoài thị trường cho tới khi thông tin xấu toàn cầu chấm dứt. Khi thị trường trong downtrend thì chỉ có khoảng 3 - 5% số mã niêm yết là có thể đi ngược được thị trường nên chiến lược tốt nhất là đứng ngoài thị trường.
Nhà đầu tư nào còn cố loay hoay tìm những cơ hội nhỏ nhoi trong downtrend thì khả năng bị thua lỗ rất cao. Còn đối với những nhà đầu tư nhanh nhẹn có khả năng dự báo xu thế tốt và tâm lý vững thì có thể tham gia thị trường phái sinh.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Nhóm cổ phiếu Mid Cap, penny và thị trường chứng khoán phái sinh là nhóm mà theo quan sát của tôi mỗi khi thị trường xấu thì dòng tiền chảy vào mạnh, thanh khoản tăng vọt và giao dịch sôi động hơn. Vì thế các nhà đầu tư cũng nên lưu ý những nhóm này ở các thời điểm thị trường xấu và nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được lợi nhuận thậm chí có thể lớn hơn cả khi thị trường tốt. Lý do là những nhóm cổ phiếu này vốn có thị giá thấp nên mức độ biến động sẽ lớn hơn.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó tưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Đây là thời điểm khó khăn của thị trường chung khi mà bối cảnh vĩ mô trên thế giới là không thuận lợi cho đà tăng và có thể sẽ còn xuất hiện thêm các thông tin tiêu cực.
Vì vậy, với nhà đầu tư ngắn hạn chúng tôi cho rằng nên hạn chế giao dịch và nếu có thì cũng chỉ với tỷ trọng thấp trong thời gian từ 3 – 5 ngày. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn thì có thể xem xét các cổ phiếu tốt hiện đã giảm về vùng giá hấp dẫn, các cổ phiếu thuộc các ngành có triển vọng trong tương lai như hàng tiêu dùng, dược phẩm, các ngành hưởng lợi từ hiệp định thương mại và sự dịch chuyển đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại như cảng biển, hàng xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp…
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Với các nhà đầu tư ngắn hạn, chúng tôi cho rằng vẫn nên ưu tiên chiến lược quan sát vì các dấu hiệu cho thấy khả năng tăng điểm trở lại của thị trường chưa được hội tụ đầy đủ. Với các nhà đầu tư trung và dài hạn thì vùng định giá của thị trường nói chung và nhiều cổ phiếu bluechip nói riêng đã trở nên hấp dẫn, nên những dịp sụt giảm mạnh (nếu có) của thị trường sẽ là cơ hội để gia tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.