Lãnh đạo UBCK vừa công bố chính thức về con số margin thực tế trên thị trường là 17.000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 10), tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 9. Các ông có suy nghĩ gì về con số này?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng
Con số này theo quan sát của tôi là cao hơn nhiều so với các năm trước. Nếu tính của 20 CTCK lớn, thì margin của họ khoảng hơn 70% là khoảng 12.000 - 13.000 tỷ đồng. Lượng margin quá nhiều luôn là áp lực lớn đến TTCK, bởi vì người dùng margin chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, chứ tổ chức, quỹ thì họ đã có các quy định và thường không có vay mượn.
Trong khi đó, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân thì thường yếu hơn tổ chức, vì tiền ít hơn, nên sức chịu đựng kém hơn. Bởi thế, ở những pha rung lắc sẽ khiến họ dễ bị tổn thương hơn và margin càng dễ bị giải chấp.
Tuy nhiên, hiện nay với thanh khoản cao hơn năm trước, lượng tiền của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài và thanh khoản năm nay cũng cao nhất trong 14 năm của TTCK, thì mức margin dù có tăng lên, nhưng theo quan sát của tôi hiện vẫn tương đồng với thanh khoản thị trường cũng như với các nhà đầu tư khác.
Ông Phan Dũng Khánh
Ngoài ra, margin hiện được các UBCK, các CTCK kiểm soát rất chặt để tránh rủi ro như giai đoạn 2007 - 2010, nên nhiều khả năng thị trường sẽ được hỗ trợ từ các lượng tiền khác nhau của tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, lượng tiền từ margin nên với mức độ margin hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát và đặc biệt với nền kinh tế đang ngày càng khả quan hơn, lãi suất giảm thì margin tăng cũng là điều bình thường.
Rủi ro thị trường chỉ xảy ra khi kinh tế đi xuống, có nhiều thông tin tiêu cực lớn với margin không được kiểm soát chặt mới tác động xấu đến TTCK. Ví dụ như kinh tế đi xuống mà margin tăng thì sẽ rất rủi ro khi các doanh nghiệp khi đó cũng đi xuống còn ngược lại chỉ cần mức độ tăng không vượt quá tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thì tác động của margin đến TTCK sẽ tích cực hơn.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Những lo ngại về tình hình margin hiện tại tại các công ty chứng khoán lại dấy lên sau khi đại diện UBCK công bố lượng margin tính đến tháng 10/2014 là 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán hiện tại ở mức khoảng 36.000 tỷ đồng, tỷ lệ margin như vậy vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ margin này cũng vẫn thấp hơn 20% so với vùng đỉnh tháng 4 vừa qua.
Việc dùng margin hay không phụ thuộc khá lớn vào diễn biến chung toàn thị trường. Chúng tôi đánh giá, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục ổn định đi lên trong các tháng còn lại của năm do vậy lượng sử dụng margin của nhà đầu tư sẽ có thể tiếp tục tăng.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Theo tôi, nỗi lo margin chỉ xảy ra ở 2 tình huống: Thứ nhất là mức margin chạm trần, tức đạt đến hạn mức tối đa mà các công ty chứng khoán có thể cung cấp; thứ hai là tin xấu có khả năng ảnh hưởng trên diện rộng.
Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ con số 17.000 tỷ không thực sự đáng ngại. Tổng hạn mức mà các công ty chứng khoán được phép cung cấp vẫn còn cao hơn nhiều con số này (chưa tính đến trường hợp 1 số công ty chứng khoán phát hành tăng vốn).
NĐT chỉ cần lưu tâm nếu TTCK lại gặp phải tin xấu như vụ biển Đông trước đây, bởi một khi thị trường giảm mạnh như vậy, NĐT sẽ không chỉ cắt giảm margin (chưa nói đến cắt giảm nợ cầm cố), mà họ còn có thể bán toàn bộ chứng khoán trên tài khoản để trở về vị thế tiền mặt, khi đó giá trị đặt bán sẽ cao hơn nhiều so với con số 17.000 tỷ nói trên. Mà những thông tin chứa đựng rủi ro hệ thống kiểu như vụ biển Đông, chả mấy ai đoán trước được, bạn chỉ có thể phản ứng khi tin đã ra.
Ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích CTCK BVSC
Ông Phạm Xuân Bình
Tôi cho rằng, việc quy mô margin liên tục tăng từ tháng 7 trở lại đây phản ánh kỳ vọng khá tích cực của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của thị trường trong trung hạn.
Mặt khác, từ góc độ của các CTCK, khi xu hướng tăng trung - dài hạn của thị trường vẫn đang được duy trì, tính thanh khoản được thể hiện qua giá trị giao dịch tăng vượt trội so với năm trước, thì hầu hết cũng đang muốn tăng quy mô và đẩy mạnh hoạt động cho vay margin nhằm gia tăng lợi nhuận.
Về phía các ngân hàng, khi tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực khác đang gặp khó thì một phần dòng vốn tín dụng cũng có xu hướng chuyển sang lĩnh vực cho vay đầu tư chứng khoán thông qua kênh hợp tác với các CTCK.
Việc gia tăng hoạt động cho vay và sử dụng margin nếu quá đà sẽ gia tăng rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư. Tuy nhiên, với con số 17.000 tỷ đồng ở thời điểm này, tương đương với khoảng 0,5% trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, thì tôi cho rằng, chưa đến lúc quá lo ngại về những rủi ro mang tính hệ thống.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC
Trong bối cảnh lãi suất giảm liên tục, nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận sử dụng một phần margin để đầu tư dài hơi trên thị trường.
Khía cạnh tích cực của margin tăng thêm, nên thanh khoản thị trường tăng mạnh. Nhà đầu tư dễ dàng mua, bán và đồng thời giúp cổ phiếu tăng giá, chỉ số VnIndex đã tăng 19% so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản tăng cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến thị trường.
Khía cạnh tiêu cực của margin tăng là dòng vốn này khá ngắn hạn và thay đổi nhanh với những biến động bất lợi.
Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư CTCK Agriseco
Tôi cho rằng, dòng tiền margin tăng cao trong thời gian qua một phần do lãi suất ở mức thấp và một phần do nhà đầu tư tự tin về xu thế tăng điểm dài hạn của thị trường chứng khoán.
Việc dòng tiền cho margin tiếp tục được dự báo sẽ tăng trong 2 tháng cuối năm về cơ bản là điểm tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, mức độ margin cao cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh.
Trong ngắn hạn, thanh khoản trên thị trường vẫn chưa có nhiều chuyển biến khả quan và nếu không thông tin đủ mạnh hỗ trợ, dòng tiền khó chảy mạnh vào thị trường. Điều này sẽ gây khó khăn cho đà tăng của thị trường, quan điểm và của các ông như thế nào?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng
Theo tôi, điều này đúng trong ngắn hạn, nhưng với các NĐT nhìn xa hơn thấy triển vọng tốt hơn của các doanh nghiệp lẫn nền kinh tế thì họ sẽ có những hành động đầu tư tích lũy ngay từ bây giờ.
Có thể thấy, các năm qua những thương vụ M&A, tái cấu trúc trên thị trường bùng nổ và khi kinh tế phục hồi họ có thể mở rộng hoạt động kinh doanh của mình dễ dàng và các khoản đầu tư lúc đó đã sinh lời đáng kể, chưa kể còn có khả năng sinh lợi tiếp theo trong tương lai.
Và trong ngắn hạn thì các NĐT mạnh tay giải ngân nhưng cũng không có dấu hiệu dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường một khi kênh chứng khoán vẫn là kênh sinh lời tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi thế, các NĐT vẫn “túc tắc” tham gia thị trường và chỉ cần thông tin hỗ trợ họ sẽ “mạnh tay” hơn chứ không cần phải quay trở lại từ một kênh khác nữa.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Sau giai đoạn điều chỉnh khá mạnh, VN-Index đã tăng trở lại từ vùng 580 và đi ngang tích lũy quanh vùng 600 điểm trong 5 phiên liên tiếp gần đây với khối lượng sụt giảm khá mạnh.
Tôi đánh giá diễn biến đi ngang sẽ là xu hướng chủ đạo trong tháng 11 này, trong bối cảnh khối ngoại hoạt động cầm chừng và những tin tức liên quan tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sớm được đưa ra từ cuối tháng 10 hầu như đã phản ánh vào giá của các phiếu đó trong những phiên vừa qua. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tập trung vào nhóm các cổ phiếu có thông tin hỗ trợ tích cực cuối năm và các mã có kỳ vọng tăng trưởng tốt trong quý IV.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Đó là bạn nói đến dạng NĐT lướt sóng rồi. Hiện nay, cũng dễ thấy rằng, số lượng NĐT lướt sóng trên TTCK rất nhiều, và số lượng các websites, forums, Facebook groups tư vấn theo phân tích kỹ thuật cũng mọc như nấm.
Ông Hoàng Thạch Lân
Tuy nhiên, trừ phi thị trường suy giảm, còn trong thời điểm hiện nay, vẫn có sóng cục bộ ở những nhóm ngành và những mã cổ phiếu nhất định, do đó NĐT có thể tìm kiếm sự trợ giúp của môi giới hay các websites kể trên để giao dịch. Tùy mã chứng khoán cụ thể, NĐT sẽ được tư vấn giải ngân nhiều hay ít.
heo quan điểm cá nhân tôi, lúc này NĐT có thể cân nhắc giải ngân phần lớn tiền trong tài khoản rồi, tất nhiên nên ưu tiên cho các cổ phiếu lớn.
Ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích CTCK BVSC
Đúng là thanh khoản thị trường trong tuần qua vẫn đứng ở mức thấp, thể hiện sự dè dặt của nhà đầu tư. Tuy nhiên, diễn biến này là hoàn toàn bình thường trong các nhịp điều chỉnh khi mà xu hướng ngắn hạn kế tiếp chưa thực sự rõ ràng.
Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng, thị trường đã có diễn biến điều chỉnh tích lũy tương đối thành công trong tuần qua và đã đủ tín hiệu xác nhận cho khả năng tiếp tục mở rộng đà hồi phục trong tuần tới.
Trong bối cảnh các thông tin vĩ mô tích cực liên tục được công bố, còn các nhà đầu tư bắt đầu hướng sự chú ý về triển vọng kết quả kinh doanh quý IV và cả năm của các doanh nghiệp, thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến khả quan và giúp gia tăng thanh khoản cho thị trường trong tuần tới.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC
Tôi cũng đồng quan điểm nêu trên. Trong bối cảnh các thiếu vắng thông tin vĩ mô và kết quả kinh doanh đã ra dần, thì biến động thị trường có xu hướng hẹp lại và sideway.
Xu hướng này có thể thay đổi vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 khi những kỳ vọng mới về kết quả doanh nghiệp và vĩ mô.
Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư CTCK Agriseco
Về ngắn hạn thì tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tếp tục đi ngang và phân hóa đặc biệt ở các cổ phiếu penny. Tuy nhiên, về dài hạn, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm trong 2015 khi kinh tế vĩ mô tiếp tục trên đà hồi phục, lãi suất duy trì ở mức thấp, dòng tiền ngoại tiếp tục gia tăng vào thị trường Việt Nam...
Nhiều cổ phiếu đã có mức tăng giá bất thường chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí có mã tăng hơn 50% chỉ trong vòng 1 tháng, dù kết quả kinh doanh quý III khá khiêm tốn như HNM, HTP…. Điều này cho thấy xu hướng đầu tư hiện nay không đơn thuần chỉ dựa vào kết quả kinh doanh. Theo các ông, ngoài chỉ tiêu kinh doanh, nhà đầu tư cần lưu ý thêm những yếu tố nào?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK MayBank Kim Eng
Chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có giá trị cho các khoản đầu tư trung và dài hạn nhiều hơn. Với các NĐT lướt sóng ngắn hạn, đầu cơ thì yếu tố đó không quá quan trọng, thậm chí còn không có ý nghĩa gì. Điều này đã chứng tỏ nhiều lần trong quá khứ như PVA, VE9, SHN… hay gần đây là RIC, NT2, NHN, L14, PDR, GDT, TVC…
Các mã này có chung các yếu tố như thanh khoản vừa phải, thị giá không quá cao (trừ NHN), vốn trung bình, ít NĐT quan tâm, xu hướng đi ngang trước đó trong thời gian dài, hoặc mới lên sàn, chuyển sàn… thì dễ thu hút được dòng tiền đầu cơ vì khi giá tăng mạnh rồi sẽ có người tham gia chung.
Với các NĐT tham gia nhóm cổ phiếu dạng này cần phải chấp nhận chịu đựng được rủi ro cao và lưu ý những điều sau mới có thể tham gia tìm kiếm lợi nhuận. Đó là khi đầu tư là phải “tốc chiến, tốc thắng”, hay NĐT cũng hay nói vui với tôi “phải uống thuốc trợ tim khi mua mấy mã này”, bởi vì giá lao lên lao xuống với biên độ lớn, tăng rất nhanh nhưng giảm cũng nhanh không kém (ví dụ RIC).
Cuối cùng trường hợp giá đã tăng quá nhiều không nên tham gia nữa đồng thời đặt mức dừng lỗ phù hợp để tối thiểu rủi ro cho bản thân trong khi tối ưu lợi nhuận.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích CTCK SHS
Quyết định mua vào cổ phiếu của nhà đầu tư thường gắn với yếu tố kỳ vọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó trong tương lai. Kết quả kinh doanh theo quý chỉ là một trong các yếu tố kích thích lượng cầu mua vào.
Ông Ngô Thế Hiển
Ngoài ra, những yếu tố kỳ vọng liên quan tới vấn đề tái cấu trúc công ty, các hợp đồng mới ký kết, mở rộng sản xuất kinh doanh… cũng là các yếu tố có tác động lên diễn biến của các cổ phiếu đó.
Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán
Theo tôi biết thì 1 số mã tăng giá mạnh trong thời gian qua đều có liên quan đến những tin đồn thâu tóm, sáp nhập... Dù mức độ tin cậy của những loại tin này rất thấp, nhưng nó vẫn hút nhiều người đặt mua.
Những dạng sóng này tôi không gọi là đầu tư, mà là đánh cược. Nếu sau này tin đồn bị bác bỏ, giá cổ phiếu đó sẽ lại giảm. Tôi chỉ gọi là đầu tư nếu sóng cổ phiếu có liên quan đến những thay đổi quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bởi điều này mới giúp giá cổ phiếu tăng bền vững.
Xin nói thêm 1 chút về xu hướng đầu tư theo kết quả kinh doanh. Quan điểm của tôi là giá cổ phiếu luôn phản ánh kết quả kinh doanh của công ty niêm yết, nhưng trừ phi có mức tăng trưởng đột biến kiểu như HHS, HVG..., còn không thì chỉ sau 1 khoảng thời gian khá dài, tính bằng tháng trở lên thì NĐT mới thấy được sự phản ánh đó. Điều đó giải thích vì sao nhiều mã trong họ dầu khí, hay nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu... cứ lầm lũi đi lên kể từ đầu năm 2014 đến nay và đó cũng là cơ sở cho trường phái đầu tư giá trị, là mục tiêu tìm kiếm của các quỹ đầu tư.
Còn đối với nhiều NĐT cá nhân, kết quả kinh doanh có lẽ mới chỉ là 1 nửa của mối quan tâm. Tín hiệu kỹ thuật, tin đồn, thanh khoản... mới là mối quan tâm chính. Nếu NĐT thực sự muốn "ăn dày" trong thời gian ngắn, nhất thiết phải lưu ý những yếu tố này.
Ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích CTCK BVSC
Triển vọng kết quả kinh doanh và những chuyển biến về mặt cơ bản vẫn là những yếu tố quan trọng nhất đối với khả năng tăng trưởng của một cổ phiếu. Tuy nhiên, trong các nhịp sóng ngắn, các thông tin liên quan đến việc chia tách, phát hành thêm và hoạt động tái cơ cấu của doanh nghiệp cũng có thể tác động mạnh đến diễn biến giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó, về mặt thị trường, sự luân chuyển của dòng tiền và các yếu tố mang tính kỹ thuật cũng có thể được tham khảo để dự báo nhóm cổ phiếu tiềm năng trong từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng đầu tư, CTCK VietinBankSC
Dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu này giúp cổ phiếu này tăng giá trong thời gian ngắn mặc dù kết quả kinh doanh không cải thiện nhiều. Thông thường, các cổ phiếu này sẽ có những thông tin "ngoài lề" hỗ trợ như thâu tóm, sát nhập, dự án mới... nhà đầu tư cần bình tĩnh phân tích kỹ để kiếm chứng độ tin cậy của các thông tin này tránh bị cuốn và chịu rủi ro.
Ông Lê Sơn Tùng, Phó phòng Đầu tư CTCK Agriseco
Thị trường trong thời gian qua hầu hết là đi ngang, cá biệt có một số cổ phiếu penny tăng mạnh với những tin đồn và khả năng thâu tóm... Hầu hết các cổ phiếu này có tính đầu cơ rất cao, tăng điểm chủ yếu dựa trên tin đồn bất chấp xu hướng chung của thị trường, do vậy, phần nào cũng thể hiện mức độ rủi ro giảm điểm ở các cổ phiếu này.
Như vậy, ngoài yếu tố cơ bản, để phát hiện các cổ phiếu này, nhà đầu tư có thể dựa vào phân tích kỹ thuật.