Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Sóng đầu cơ sẽ hạ nhiệt?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Sóng đầu cơ sẽ hạ nhiệt?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù rủi ro trong ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng, nhưng nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn chiếm ưu thế và nhà đầu tư vẫn có thể cưỡi sóng này với tỷ trọng vừa phải và không margin.

Thị trường tiếp tục có một tuần giao dịch tích cực và chỉ số VN-Index thiết lập mức cao kỷ lục, thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, bình quân đạt hơn 29.000 tỷ đồng về giá trị khớp lệnh trên sàn HSX. Thị trường thường có những biến động mạnh sau một lần xác lập đỉnh mới, tuy vậy, giới chuyên gia phân tích vẫn nhìn nhận thị trường vẫn có dư địa tăng trưởng trong tháng 11. Quan điểm của ông/bà về chuyển động của thị trường trong những phiên giao dịch tuần tới?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn và các chỉ số liên tục xác lập các đỉnh kỷ lục mới.

Tuy nhiên, xét về độ rộng thị trường và mức độ tham gia dòng tiền, tôi nhận thấy rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu tăng dần, điều này cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong tuần giao dịch tới, đặc biệt mức kháng cự gần nhất của chỉ số VN-Index là mức 1.480 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Với dòng tiền như vũ bão hiện nay từ các nhà đầu tư cá nhân, F0 mạnh đến mức cân hết lực bán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức bán ròng liên tục và miệt mài nhiều tháng qua thì xu hướng tăng ít nhất trong ngắn hạn là điều khó có thể bàn cãi, việc giảm giá chỉ mang tính điều chỉnh chứ chưa thể làm thay đổi xu hướng vì mỗi khi có điều chỉnh lực mua đều gia tăng.

Số lượng mở TKCK được công bố từ VSD, trong đó chủ đạo là các nhà đầu tư cá nhân trong khi tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng rất nhỏ đã cho thấy điều này. Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở 10 tháng đầu năm nay bằng hơn 4 năm trước cộng lại dù năm 2020 số lượng mở tài khoản cũng đã nhiều hàng đầu lịch sử.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục lập các đỉnh cao mới trong tuần tới khi thanh khoản vẫn được duy trì ở mức cao sau tuần lập kỷ lục, dòng tiền chủ yếu tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu mang tính đầu cơ như trên UPCoM.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Hiện tượng trần hàng loạt ở nhiều cổ phiếu trên UPCoM đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Với lợi thế, biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày được phép lên đến 15%, gấp đôi so với HOSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%), không ít cổ phiếu trên UPCoM đã và đang mang lại cơ hội kiếm lời lớn cho nhà đầu tư.

Thanh khoản khớp lệnh bình quân kể từ đầu năm trên UPCoM khoảng 1.380 tỷ đồng, tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 11 và có phiên đạt trên 3.000 tỷ đồng. Với dòng tiền đang vào mạnh mẽ, kết hợp với biên độ dao động lớn, đây có thể là đỉnh cao của dòng tiền đầu cơ ở giai đoạn này

Thực tế, dòng tiền liên tục xoay vòng, từ nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng đến các nhóm ngân hàng, chứng khoán… và đặc biệt nhóm đầu cơ vẫn đang tạo sức hút. Điều này cho thấy dòng tiền chốt lời không rời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới. Thậm chí, những ý kiến lạc quan còn cho rằng, thị trường đang ở chân một con sóng mới. Điều này có đủ cơ sở không? Đâu là dự báo của ông/bà về xu hướng dòng tiền trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Xét về mô hình biến động của các chỉ số, chỉ số VN-Index đã xác lập cơn sóng kể từ giai đoạn đáy giữa tháng 07/2021, tôi gọi đây là sóng kỳ vọng phục hồi sau khi các tác động từ dịch bệnh đã phản ánh đợt giảm mạnh từ đầu tháng 07/2021.

Và hiện tại, chỉ số VN-Index đang ở giai đoạn sóng tăng trưởng mạnh nhất, nhưng rủi ro ngắn hạn của nhịp sóng tăng mạnh nhất này đang bắt đầu dần hình thành và rất có khả năng sẽ sớm có pha điều chỉnh ngắn hạn. Mục tiêu kỳ vọng của cơn sóng trung hạn này là 1.534 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Chân sóng mới thì chắc chắn ko phải vì thị trường tăng từ năm ngoái đến bây giờ đã nhân lên nhiều lần rồi, nhiều mã liên tục phá đỉnh lịch sử nên ko thể gọi là chân sóng được. Vấn đề tiếp theo là những đỉnh này có tiếp tục được phá vỡ hay không để có thêm cơ hội khác.

Với nhóm penny thì luôn có sóng vì nhóm này thị giá thấp hơn mặt bằng chung nên nhà đầu tư cá nhân rất thích do đó chỉ cần quan sát tốt là kiếm ăn được. Tuy nhiên, nhóm này biến động cao nên nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy và chỉ tham gia với tỷ trọng tiền có thể mất vì một khi lời sẽ rất nhiều mà mất cũng sẽ không ảnh hưởng mình.

Bên cạnh đó, với các nhà đầu tư dài hơi hơn những ngành nghề được hưởng lợi khi kinh tế mở cửa là những ngành tiềm năng, đáng lưu tâm và với xu hướng tiến lên 4.0 hiện này thì đây là nhóm có thể tham khảo như: vận tải, năng lượng, công nghệ, hàng tiêu dùng, du lịch, nhà hàng khách sạn, tài chính công nghệ hoặc các ngành truyền thống nhưng có thể ứng dụng nền tảng công nghệ tốt...

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Dòng tiền đang ở giai đoạn đầu cơ cao, đâu là đỉnh điểm của hiện tượng này là câu hỏi không dễ trả lời. Như đã phân tích ở trên, dòng tiền nhiều khả năng vẫn chọn cơ hội ở nhóm cổ phiếu đầu cơ trong thời gian tới. Chừng nào lợi nhuận ở nhóm đầu cơ còn đủ hấp dẫn trên diện rộng thì dòng tiền vẫn ở đây và con sóng đầu cơ vẫn còn tiếp tục.

Do vậy, đối với sóng đầu cơ, vốn tính theo vòng quay, vào nhanh và ra nhanh, tâm lý cũng dễ thay đổi nên khó có thể khẳng định thị trường đang ở chân một con sóng mới.

Khá nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản sau khi có vài phiên điều chỉnh, thậm chí đồng loạt giảm sàn từ tuần trước đó đã bắt đầu quay trở lại và đang phá đỉnh mọi thời đại trong tuần qua. Ở các diễn đàn vẫn đang hô hào nhà đầu tư tập trung vào nhóm cổ phiếu này. Như đã đề cập nhiều lần, nhiều cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản đang chạy quá xa so với kỳ vọng doanh nghiệp. Vậy còn dư địa tăng đối với nhóm này còn nhiều không, đặc biệt ở những nhóm cổ phiếu chưa tăng giá nhiều so với mặt bằng chung?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tình hình thanh khoản bất động sản sụt giảm trong hai năm liên tiếp gần đây cũng đã khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, giá cổ phiếu bất động sản lại có mức tăng trưởng rất nóng kể từ tháng 10/2021, điều này cho thấy tính chất đầu cơ đang phản ánh trên thị trường và cơn sóng này có thể cũng sẽ nhanh chóng kết thúc trong bối cảnh lượng margin đang căng trên thị trường.

Quan sát diễn biến chỉ số nhóm bất động sản, tôi cho rằng, chỉ số này đã qua đi giai đoạn tăng trưởng nóng và bước nhịp tăng cuối, điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của nhóm này sẽ không còn nhiều và không còn hưởng lợi từ dòng tiền đầu cơ như giai đoạn trước.

Xét về định giá, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có mức P/E TTM là 21.6x và P/B là 3.1x, cao hơn mặt bằng chung của thị trường trong bối cảnh hiệu quả hoạt động thấp và rủi ro về ngành vẫn còn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Nhóm bất động sản luôn có truyền thống chiếm tỷ trọng rất lớn số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn và việc kinh tế mở cửa trở lại cũng được kỳ vọng sôi động hơn rất nhiều.

Tuy vậy, về dài hạn có khá nhiều biến số rủi ro, nhưng nếu trong ngắn hạn và trung hạn vài tháng nhà đầu tư có thể không cần lo lắng, chỉ không nên xài margin với những mã đã tăng bằng lần trong thời gian 1 năm trước đó.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thị trường đang trong giai đoạn đầu cơ, cổ phiếu tăng giá được coi là cổ phiếu tốt bất kể “thượng vàng hạn cám”. Do dòng tiền đầu cơ nên nhà đầu tư cũng có xu hướng “đu” theo sóng hơn là dựa trên các điều kiện cơ bản. Vì vậy, với những cổ phiếu đã tăng hoặc đang tăng vẫn có thể tăng tiếp, trong khi các cổ phiếu chưa tăng nhiều so với mặt bằng chung vẫn có thể không được dòng tiền lựa chọn.

Với việc dòng tiền có xu hướng luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành, hành động mua đuổi các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao và chưa có nhiều dự phóng lợi nhuận khả thi có dẫn đến tình trạng mua đuổi phải đỉnh ngắn hạn và ảnh hưởng đến trạng thái tài khoản của nhà đầu tư không, theo các ông/bà? Vậy đâu là chiến lược phù hợp ở giai đoạn này?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho nên làn sóng đầu cơ cũng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể bán một phần tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ, đặc biệt ưu tiên hạ margin về tỷ lệ an toàn.

Đồng thời, các nhà đầu tư không nên mua vào thêm ở giai đoạn này và ưu tiên cho vị thế nắm giữ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam

Với những cổ phiếu có yếu tố đầu cơ, việc mua đuổi nếu có cần phải sử dụng tỷ trọng tiền nhỏ (có thể chia ra 2-3 lần), không margin, có mục tiêu chốt lời, với những nhà đầu tư có kỹ năng phân tích có thể xem thêm dấu hiệu bán trong phân tích kỹ thuật là được vì những cổ phiếu dạng này sẽ tăng giảm bất chấp thông tin cơ bản nên xem thông tin cơ bản sẽ không phù hợp.

Tuy nhiên, nhóm này biến động cao nên nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy và chỉ tham gia với tỷ trọng tiền có thể mất vì một khi lời sẽ rất nhiều mà mất cũng sẽ không ảnh hưởng mình.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Theo tôi, cơ hội đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu đầu cơ vẫn chiếm ưu thế, nhà đầu tư vẫn có thể cưỡi sóng này với tỷ trọng vừa phải, trong khi chờ đợi tín hiệu nhóm cổ phiếu bluechips retest vùng hỗ trợ.

Tin bài liên quan