Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: "Săn" cổ phiếu thoái vốn?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: "Săn" cổ phiếu thoái vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh việc đánh giá thị trường tuần cuối tháng 5, các chuyên gia chứng khoán sẽ đưa ra quan điểm đối với việc "săn" nhóm cổ phiếu liên quan đến câu chuyện thoái vốn và dự báo dư địa tăng của nhóm cổ phiếu thép.

Thị trường đã có phiên đảo chiều đột ngột cuối tuần khi bảng điện phủ sắc đỏ khi độ rộng thị trường nghiêng về bên bán. Tuy nhiên, thanh khoản phiên cuối tuần lại ghi nhận đột biến với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng. Việc điều chỉnh của thị trường đã sớm được dự báo, thậm chí có ý kiến cho rằng việc đảo chiều giảm mạnh sẽ giúp thị trường sớm kết thúc nhịp điều chỉnh. Quan điểm của ông/bà? Đâu là góc nhìn của ông bà về xu hướng thị trường trong tuần tới, cũng là tuần cuối tháng 5?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Giai đoạn cuối tháng 5 có lẽ việc tích lũy tạo đáy điều chỉnh để chuẩn bị cho việc phục hồi trở về vùng điểm 1.280 – 1.290 điểm trước khi vượt qua mốc điểm này trong tháng 6.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng hiện nay rủi ro ngắn hạn đã có dấu hiệu gia tăng trong tuần giao dịch vừa qua và phiên 24/05/2024 giảm mạnh cũng đang cảnh báo rủi ro này gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đà giảm có thể tiếp tục diễn ra nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng mức 1.250 điểm trong tuần tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Việc chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong bối cảnh USDX tăng giá đã đẩy các tài sản tài chính giảm sâu, kể cả vàng được xem là an toàn cũng không ngoại lệ. Có thể thị trường sẽ có thể bật tăng trở lại nhưng xu hướng giảm điểm nhiều khả năng vẫn chưa kết thúc khi USDX liên tục mạnh lên. Do đó, tuần giao dịch tới thị trường có thể có sự giằng co từ mức 1.250 tới dưới 1.300.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Thị trường giảm điểm trong tuần qua là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc tâm lý nhà đầu tư trong nước bị tác động từ diễn biến giảm điểm của thị trường chứng khoán quốc tế. Ngoài ra, sau thời gian tạm thời ổn định từ các biện pháp can thiệp của NHNN, tỷ giá USD/VND bật tăng trở lại và duy trì quanh mốc 25.471 – mức cao nhất trong lịch sử.

Bước sang tuần tới, các biện pháp can thiệp của NHNN trước vấn đề tỷ giá tiếp tục sẽ là mối quan tâm lớn nhất của thị trường. Dòng tiền dự kiến cũng sẽ thận trọng hơn khi thị trường vừa có một đợt hồi phục khá tốt và phiên giảm điểm mạnh với thanh khoản lớn vừa qua cho thấy áp lực chốt lãi đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, chỉ số VN-Index dự kiến sẽ đi ngang trong vùng 1.240 – 1.265 điểm.

Thông tin SCIC đã công bố danh sách bán vốn đợt 2 năm 2024 với nhiều cái tên đáng chú ý như FPT, NTPđã góp phần tạo hưng phấn trên thị trường. Ông/bà có góc nhìn như thế nào đối với việc "săn" nhóm cổ phiếu liên quan đến việc câu chuyện thoái vốn để tìm cơ hội ở thời điểm hiện tại, cũng như những điểm cần lưu ý?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn của SCIC, các công ty con của tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) hay tập đoàn điện lực (EVN)... vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với giới đầu tư. Các nhà đầu tư bám sát thị trường có thể tìm ra các cơ hội hấp dẫn ở các dạng doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Câu chuyện thoái vốn luôn là câu chuyện thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cho các cơ hội. Theo thống kê lịch sử, chúng ta luôn nhận thấy các cổ phiếu luôn có diễn biến tăng mạnh mỗi khi có thông tin thoái vốn. TTCK Việt Nam được dự báo sẽ duy trì đà tăng trong 2024 là cơ hội cho việc thoái vốn cho nên tôi cho rằng đây cũng là những cổ phiếu có thể các nhà đầu tư quan tâm, nhưng các nhà đầu tư cũng nên cần cân nhắc thêm yếu tố câu chuyện tăng trưởng của các cổ phiếu này cùng với đó là mức định giá phù hợp để có điểm mua tốt thay vì Fomo theo đà tăng giá của cổ phiếu.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Nhóm cổ phiếu công nghệ được hưởng lợi từ trend AI trên toàn thế giới nên các nhà đầu tư có cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu nhóm này. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu trong đợt thoái vốn này đã được sự quan tâm của các nhà đầu tư từ lâu nên dịp này cũng là cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu.

Tuy vậy, một số mã như FPT, NTP liên tục tăng giá nên nếu các nhà đầu tư chỉ đơn giản đầu tư lướt sóng thì không nên FOMO theo mà dịp này phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn vì nhóm này chủ yếu là các cổ phiếu có nền tảng tốt.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Cần lưu ý trong danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 của SCIC dù có rất nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng đa số các cổ phiếu này (trừ FPT và NTP) là các cổ phiếu có thanh khoản rất thấp. Do vậy, khi tiến hành tìm cơ hội, nhà đầu tư cần tiến hành đánh giá kỹ về tiềm năng tăng trưởng của ngành và doanh nghiệp quan tâm, đồng thời so sánh tỷ suất thị giá/cổ tức với các kênh đầu tư khác trước khi tiến hành giải ngân.

Trong giai đoạn phục hồi vừa qua của nền kinh tế, các ngành vật liệu cơ bản có tốc độ phục hồi tương đối nhanh. Nhờ sự thúc đẩy của chính phủ trong giải ngân các dự án hạ tầng mà các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như sắt, thép… được hỗ trợ tốt trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Nhóm cổ phiếu thép cũng bắt đầu có những chuyển động tích cực và thu hút dòng tiền. Ông/bà đánh giá như thế nào về dư địa tăng của nhóm cổ phiếu thép ở thời điểm hiện tại?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhóm cổ phiếu ngành thép có nhiều dư địa tăng trưởng trong năm nay. Dưới góc độ phân tích cơ bản, mức tăng doanh thu và thu nhập của các doanh nghiệp này so với 2023 là rất hấp dẫn. Nhóm cổ phiếu thép cũng là 1 trong 5 nhóm cổ phiếu ưu tiên trong năm nay. Đà tăng của các cổ phiếu như HPG, HSG, NKG, VGS, SMC... dường như vẫn còn dư địa.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng dư địa tăng của nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn còn khi chúng ta thấy các nhóm thép đã bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại trong quý I/2024 khi cùng kỳ ghi nhận là thời điểm rất khó khăn, điểm thứ hai là kỳ vọng về thị trường bất động sản hồi phục và đặc biệt là nguồn cung nhà ở được dự báo là hồi phục khi Chính phủ đang dần đẩy mạnh pháp lý cho các dự án, điểm thứ ba là giá nguyên liệu vẫn ở mức thấp và lãi suất thấp cũng là yếu tố hỗ trợ cho nhóm ngành này.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Nhóm này trong năm 2023 cũng đã có mức tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiều mã chưa thể lấy lại được đỉnh lịch sử cũ nhưng mức tăng từ vùng đáy không hề thua kém các ngành khác. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay dòng tiền liên tục chạy giữa các nhóm cổ phiếu trong thời gian rất ngắn rồi lại nhảy qua nhóm khác nên khả năng nhóm này cũng đi theo xu hướng đó. Vì thế, nhóm này trước mắt chỉ nên đầu tư ngắn hạn lướt sóng bên cạnh phải quan sát thêm các nhóm khác để tận dụng tốt sóng ngắn hạn.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Với việc hàng loạt dự án đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh triển khai với định hướng hoàn thành tối thiểu 3.000 km đến năm 2025, nhu cầu sử dụng thép dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi đây là nguyên liệu chiếm khoảng 30% giá trị xây dựng các cao tốc.

Ngoài ra, với việc các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản dự kiến đưa vào vận hành từ 01/07/2024 (sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch) dự kiến cũng sẽ khiến nhu cầu mua thép xây dựng gia tăng trở lại, tạo động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu thép.

Ông Lâm Gia Khang

Ông Lâm Gia Khang

Xâu chuỗi liền mạch 5 tuần giao dịch vừa qua, có ý kiến cho rằng, tuần điều chỉnh hiện tại phù hợp và cần thiết giúp thị trường có quãng nghỉ… Trên thực tế, trước phiên đảo chiều cuối tuần qua, dù thị trường đã có nhịp hồi phục nhưng nhiều cổ phiếu vẫn “chưa về bờ”. Vậy đâu là chiến lược phù hợp ở thời điểm hiện tại, theo các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Giao dịch linh hoạt vẫn là chiến lược chủ đạo trong năm nay. Chiến lược mua gom tích lũy cổ phiếu định giá thấp với nhiều tiềm năng tăng trưởng được chú ý. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu mua và nắm giữ có diễn biến tăng giá nhanh thì việc chốt lãi ngắn hạn hoặc giảm bớt dần cổ phiếu cũng phù hợp với một số nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng các nhà đầu tư nên thận trọng và nên đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng hoặc thấp hơn là 40-45% danh mục trong giai đoạn này khi áp lực lạm phát và tỷ giá đang quay trở lại. Đồng thời, rủi ro từ TTCK thế giới cũng là yếu tố đáng ngại trong bối cảnh Fed có thể kéo dài việc duy trì lãi suất cao hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Hiện dòng tiền liên tục di chuyển giữa các nhóm ngành khá nhanh, nhà đầu tư không nên FOMO theo nhưng có thể canh khi nhóm này chạy rồi thì xem nhóm khác chưa chạy có thể mua trước để khi nhóm này chạy mình có thể hưởng lợi chứ FOMO theo sẽ không kịp mà rủi ro lại cao.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư lưu ý không nên sử dụng margin trong giai đoạn này do độ biến động lớn dẫn đến rủi ro cao. Việc lướt sóng cổ phiếu cũng chỉ nên dùng số tiền vừa phải chứ không nên tất tay.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Sau phiên giảm điểm vừa qua, chỉ số P/E của thị trường vẫn đang ở mức 14,16 lần - thấp hơn mức trung bình 5 năm tại 14,61 lần, trừ khi có các sự kiện thiên nga đen chỉ số P/E này mới có khả năng giảm sâu thủng mốc 13 (như đại dịch Covid-19 vào năm 2020 hay siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2022).

Do vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để tiến hành mua vào các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng dài hạn đến từ sự hồi phục của thị trường bất động sản như thép, xây dựng dân dụng, bất động sản nhà ở hay sự gia tăng mạnh của dòng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm 2024 như nhóm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển.

Tin bài liên quan