Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Những cổ phiếu, nhóm ngành nên nằm trong Watchlist

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Những cổ phiếu, nhóm ngành nên nằm trong Watchlist

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong năm cùng đà tăng mạnh của nhiều cổ phiếu, điển hình tuần vừa qua là nhóm bất động sản. Dòng tiền sôi động sẽ tiếp sức cho cuộc chạy đua của cổ phiếu, nhóm ngành nào trong tuần tới?

Thị trường đã có tuần khởi đầu tháng 8 khá suôn sẻ khi chỉ số VN-Index ghi nhận tăng hơn 18 điểm, đạt mốc 1225.98 điểm với thanh khoản sôi động và đạt cao nhất kể từ khi chỉ số tạo đáy trung hạn vào cuối tháng 11/2022. Liệu đà hưng phấn này có tiếp tục được duy trì trong tuần tới?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Trong tuần qua thị trường đã chứng kiến áp lực chốt lãi gia tăng trong giai đoạn đầu tuần, tuy vậy dòng tiền từ bên ngoài vẫn tiếp tục đổ vào kênh chứng khoán giúp tần suất xuất hiện những phiên giao dịch tỷ USD trở nên thường xuyên hơn.

Với việc mặt bằng lãi suất thấp được dự báo tiếp tục duy trì ít nhất đến cuối năm theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế hồi phục của NHNN, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và áp sát mốc 1.250 điểm trong tuần tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong tuần vừa qua đã bắt đầu có sự rung lắc và mức độ phân hoá giữa các dòng cổ phiếu cũng nhiều hơn sau khi kết quả kinh doanh quý II công bố.

Việc thị trường có sự hưng phấn trở lại nhờ phần lớn vào những thông tin kỳ vọng vào nhóm ngành bất động sản vì vậy sau khi mọi thứ lắng dịu thị trường sẽ giảm bớt sự hào hứng. Có thể trong vài phiên đầu tuần động lực thị trường vẫn còn khá nhưng sau đó thị trường sẽ di chuyển chậm lại trong tuần.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính sẽ tiếp tục dẫn dắt đà tăng của thị trường trong tuần giao dịch tới. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh có thể gia tăng ở tuần tới khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Sau khi đến vùng điểm cao nhất tuần ở 1.234,3 VN-Index gặp lực bán mạnh khiến chỉ số quay đầu giảm hơn 5 điểm với thanh khoản lớn ở chiều phiên thứ 3. Bên mua và bên bán tiếp tục giằng co cho đến chiều thứ 6, các cổ phiếu trụ đạt đồng thuận cao và kéo mạnh chỉ số đóng cửa ở mức 1.226,0 điểm để chốt tuần với mức tăng 1,5% so với tuần trước. Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index tăng 2,1% lên mức 242,4 điểm và chỉ số UPCoM-Index tăng mạnh 3,1% lên mức 91,7 điểm.

Ông Đinh Quang Hinh

Ông Đinh Quang Hinh

Tuần vừa qua, nhóm ngành bất động sản là tâm điểm thị trường nhờ những thông tin hỗ trợ trong Hội nghị của Chính phủ về “Đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” diễn ra vào giữa tuần. Hai cổ phiếu thuộc tập đoàn Vingroup và VIC (+20,8%) và VHM (+7,0%) làm động lực chính dẫn dắt chỉ số VN-INDEX khi đóng góp tới tổng cộng 15,1 điểm vào đà tăng của thị trường.

Đà tích cực có thể lan tỏa sang đầu tuần tới và chỉ số VN-Index có thể tiến sâu vào vùng kháng cự 1.235 (+/-10 điểm). Tại vùng này, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.

Dòng tiền chảy mạnh giúp thị trường tăng trên diện rộng, nhóm ngành lớn như Bất động sản, Ngân hàng và Dịch vụ Tài chính đang là điểm “hút” của dòng tiền. Không ít dự báo thời kỳ tiền rẻ sắp quay trở lại, nhưng thực tế cho thấy, việc tìm kiếm các khoản vay lớn với lãi suất rẻ cho trung hạn là không dễ dàng. Đâu là góc nhìn của ông/bà về cơ cấu và chuyển động dòng tiền ở thời điểm hiện tại?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Cần nhìn nhận rằng, việc dòng tiền đầu tư trong nền kinh tế tìm đến kênh chứng khoán là xu hướng tất yếu khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể về quanh mức 8%, thấp hơn khá nhiều so với cuối năm 2022. Trong khi đó, bất chấp các chủ đầu tư đã hạ nhiệt đáng kể giá bán các sản phẩm với mức chiết khấu trung bình khoảng 20%, bất động sản vẫn là kênh đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn và khó đáp ứng được nhu cầu đầu tư của số đông nhà đầu tư.

Đối với việc huy động được nguồn vay với lãi suất rẻ, cuộc đua tăng lãi suất huy động vào quý IV/2022 đã khiến các ngân hàng huy động vốn với chi phí cao hơn diễn biến thông thường khoảng 150 điểm lãi suất cơ bản. Do vậy, chỉ khi các ngân hàng thương mại hoàn thành việc phân bổ xong nguồn vốn này, mặt bằng lãi suất cho vay mới có nhiều dư địa tiếp tục giảm để hỗ trợ quá trình hồi phục của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền hiện tại đang hướng mạnh vào nhóm cổ phiếu đang còn ở vùng giá rẻ và những doanh nghiệp kỳ vọng có sự tăng trưởng lợi nhuận qua mùa báo cáo quý II vừa qua. Dòng tiền vẫn tiếp tục ở lại thị trường do lãi suất huy động đã giảm khá sâu vì vậy dù thị trường có vài nhịp rung lắc ngắn nhưng sẽ không đáng kể.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Thời điểm này, tôi cho rằng chưa phải là thời kỳ tiền rẻ vì lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao và tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Hiện nay, sức ép tìm kiếm về cơ hội đầu tư được xem là yếu tố chính cho đà tăng của thị trường cổ phiếu. Đồng thời, nhóm cổ phiếu tài chính vẫn được xem là nhóm thu hút dòng tiền trong tuần giao dịch tới khi có nhiều yếu tố hỗ trợ nhóm này trong ngắn và trung hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao và thận trọng quan sát diễn biến thị trường quanh vùng cản này để đưa ra quyết định “trading” phù hợp.

Nếu chỉ số VN-Index không bứt phá được qua vùng kháng cự trên và quay đầu giảm điểm thì nhà đầu tư nên xem xét hạ tỷ trọng margin và xem xét chốt lời một phần danh mục để bảo vệ thành quả, đặc biệt là các cổ phiếu có nhịp tăng mạnh trên 20% trong khoảng thời gian ngắn vừa qua và chờ đợi nhịp điều chỉnh để quay trở lại. Còn nếu thị trường tiếp tục bứt phá qua được vùng kháng cự trên một cách thuyết phục thì nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu để hướng tới các mốc cao hơn.

Về nhóm ngành, bất động sản tiếp tục là động lực chính của thị trường khi có biên độ tăng vượt trội trên 4% trong tuần nhờ các thông tin hỗ trợ tích cực. Trong đó nhiều mã cổ phiếu tăng hết biên độ như VIC, PDR, NVL…Ông/bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội với nhóm bất động sản ở thời này, cũng như dư địa tăng của nhóm này trong ngắn hạn?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Với hàng loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ từ đầu năm như thành lập các tổ công tác tháo gỡ pháp lý các dự án, ban hành Thông tư 08 cho phép các doanh nghiệp và trái chủ đàm phán các vướng mắc về các khoản trái phiếu đã phát hành, định hướng xu hướng giảm lãi suất sau các thông báo giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu tháng 3, thành lập sàn giao dịch trái phiếu trên sàn HNX, các doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng dần bước qua giai đoạn khó khăn trong nửa cuối năm nay và từng bước lấy lại đà tăng trưởng sau đó.

Các kỳ vọng trên là động lực chính khiến dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong tuần qua và dự báo tiếp tục duy trì xu hướng trên trong ngắn hạn. Tuy vậy, về dài hạn nhà đầu tư khi tham gia nhóm cổ phiếu này cũng cần đánh giá kỹ bức tranh tài chính và khả năng triển khai, bàn giao dự án của các doanh nghiệp bởi tốc độ hồi phục và tăng trưởng trở lại sẽ có sự phân hóa mạnh.

Ông Lâm Gia Khang

Ông Lâm Gia Khang

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Có thể thấy nhóm bất động sản dù có nhiều cổ phiếu đã phục hồi trên 50% trong giai đoạn vừa qua nhưng rõ ràng vẫn đang trong vùng giá thấp trong 2 năm gần đây. So với nhiều nhóm ngành khác thì nhóm bất động sản còn nhiều dư địa tăng trưởng tốt hơn.

Về trung hạn, sau giai đoạn khó khăn về thanh khoản và dòng tiền thì nhiều công ty bất động sản cũng bắt đầu chu kỳ cơ cấu tài sản trở lại và điều này cũng tạo sự kỳ vọng cho giai đoạn mới của các công ty phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Nhóm cổ phiếu bất động sản tăng mạnh và vượt mức đỉnh tháng 12/2022 với thanh khoản tăng đột biến cho thấy đà tăng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này có thể sẽ tiếp tục được mở rộng với các yếu tố hỗ trợ ngắn và trung hạn.

Nghị quyết 33 của Chính phủ là động lực thúc đẩy chính cho thanh khoản của thị trường bất động sản, cùng với tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này cải thiện tích cực hơn so với quý I/2023, hay nói cách khác tình hình thanh khoản của nhóm bất động sản đã sáng hơn và điều này sẽ là động lực thúc đẩy đà tăng giá của nhóm bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2023.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Chỉ số VN-Index đã có nhịp điều chỉnh ngắn trong 3 phiên giữa tuần qua sau khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự mạnh quanh 1.235 điểm (+/- 10 điểm). Tuy nhiên, thị trường đã đón nhận thông tin hỗ trợ trong chiều ngày thứ Năm khi Chính phủ tổ chức Hội nghị “Đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản”.

Trong Hội nghị này, một số thông điệp, giải pháp đã được đưa ra, đặc biệt là về vấn đề tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản. Sau Hội nghị, với kỳ vọng sẽ có thêm các động thái hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản từ Chính phủ và các địa phương, dòng tiền đã đổ vào nhóm cổ phiếu bất động sản (nhóm vốn hóa lớn thứ 2 thị trường), qua đó thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi.

Với trạng thái vận động hiện tại của thị trường, một số cổ phiếu đã có đà tăng giá tương đối cao nên áp lực điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện nhưng đây là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục sang những nhóm cổ phiếu duy trì dòng tiền thị trường khỏe và tối ưu hóa lợi nhuận. Những cổ phiếu, nhóm ngành nào nên nằm trong Watchlist, theo ông/bà?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Bên cạnh bất động sản, câu chuyện về đầu tư công tiếp tục là tâm điểm trong năm nay khi hàng loạt dự án lớn đang bước vào giai đoạn cuối của quá trình chấm thầu như các dự án thành phần tại dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án đường vành đai 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh và vành đai 4 tại Hà Nội…

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm nhóm các phiếu thuộc nhóm hàng không, du lịch khi số lượng khách quốc tế trở lại Việt Nam tại một số thị trường đã bắt đầu ghi nhận số lượng cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sau mùa báo cáo quý II, thị trường thường sẽ phân hoá mạnh và sự rung lắc sẽ thường xuyên xuất hiện. Nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận đợt downtrend ngắn có thể lùi thị trường về dưới ngưỡng 1.200. Tuy vậy, các nhịp rung lắc như vậy sẽ tạo nhiều cơ hội để cơ cấu danh mục và lựa chọn cổ phiếu mục tiêu tốt hơn.

Trong giai đoạn hiện tại các nhóm ngành bất động sản, chứng khoán vẫn là nhóm ưu tiên lưu ý bên cạnh một số nhóm cổ phiếu blue chip cũng sẽ thu hút dòng tiền trở lại như trường hợp cổ phiếu VIC, ACB đợt vừa qua.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi vẫn ưa thích nhóm cổ phiếu điện, hóa chất, vận tải, sản xuất dầu khí, bất động sản với kết quả kinh doanh quý II/2023 đang có những dấu hiệu cải thiện hơn so với quý I/2023 và so với cùng kỳ, cùng với đó là động lực chính từ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế từ lĩnh vực sản xuất đến bất động sản. Đồng thời, các NHTW thế giới dự báo có thể sẽ giảm việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời điểm cuối năm cũng là động lực chính cho TTCK.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích, CTCK VNDIRECT

Theo tôi động lực chính thúc đẩy cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nói chung và kết quả kinh doanh nói riêng của các doanh nghiệp niêm yết trong nửa cuối năm 2023 đến từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ. Do đó, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách này sẽ có cơ hội cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh trong những quý cuối năm, bao gồm:

• Theme lãi suất giảm: ngành ngân hàng, chứng khoán, nhóm doanh nghiệp vay nợ ròng lớn

• Theme đầu tư công: nhóm doanh nghiệp xây lắp hạ tầng, vật liệu xây dựng.

Theo tôi đây là những ngành còn dư địa tăng trưởng trong những quý cuối năm nhờ động lực từ cải thiện kết quả kinh doanh.

Với tầm nhìn dài hạn hơn cho một năm tới, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những nhóm ngành đang “tạm thời ảm đạm” nhưng có triển vọng phục hồi mạnh trong năm 2024 khi nền kinh tế, ngành công nghiệp và hoạt động xuất khẩu quay trở lại, bao gồm những ngành sau: xuất nhập khẩu (thủy sản, đồ gỗ, may mặc), sản xuất công nghiệp (dầu khí, điện, hóa chất) và ngành bán lẻ (tiêu dùng phục hồi)

Tin bài liên quan