Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu "tránh bão" áp lực lãi suất, tỷ giá và câu chuyện nâng hạng thị trường

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu "tránh bão" áp lực lãi suất, tỷ giá và câu chuyện nâng hạng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường đang trong xu hướng điều chỉnh, nhưng dòng tiền vẫn tập trung vào các nhóm ngành ít ảnh hưởng bởi tỷ giá, lãi suất hoặc được hưởng lợi như bảo hiểm, tiêu dùng bán lẻ, điện, nước, xuất khẩu...

Thị trường trải qua những chuỗi ngày u ám khi các chỉ số chung liên tục có những phiên lao dốc mạnh dưới sức ép từ các cổ phiếu trụ với nhiều mã có lệnh bán lớn. Diễn biến này thường xuyên lặp lại trong tuần qua đã gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư. Đã có thời điểm VN-Index thủng mốc 1.100 điểm và đây đang là mốc đe dọa thị trường. Trong tuần tới, liệu thị trường có những chuyển biến “dễ thở” hơn không, theo các ông/bà?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Sau giai đoạn “thủng” mốc 1.100 điểm trong tuần qua, hiện nhiều cổ phiếu đã về sát giá thời điểm tháng 7 trong khi kết quả kinh doanh quý III với nhiều triển vọng tích cực cũng sẽ được công bố trong tháng 10. Điều này dự kiến giúp chỉ số VN-Inddex áp sát mốc 1.170 điểm trong tuần tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có nhịp giảm sâu lần thứ hai kể từ tháng 4 vừa qua. Có thể thấy khi chỉ số VN-Index càng lùi về gần 1.100 thì dòng tiền bắt đáy càng nhấp nhỏm tham gia trở lại. Kể cả nhóm tự doanh và khối ngoại cũng tham gia mua vào khá tốt trong những phiên vừa qua. Phiên đảo chiều cuối tuần (30/9) là một làn gió mát giúp giảm áp lực với thị trường ngắn hạn.

Nhìn về diễn biến thị trường quốc tế vẫn chưa có gì khả quan, vì vậy thị trường Việt Nam về ngắn hạn khó có thể đi ngược. Tuy nhiên, vùng đáy về trung hạn có thể không cách quá xa với mốc hiện tại và khả năng VN-Index sẽ dao động quanh vùng 1.100 hiện tại trong thời gian tới.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Về sự vận động của chỉ số VN-Index thể hiện lực bán chủ động chiếm ưu thế bất chấp thị trường tích lũy “cạn cung” trong tuần trước; dòng tiền “trading” bị tổn thương và lực bán kích hoạt chủ động khi VN-Index vi phạm ngưỡng đáy trung hạn 1.150 điểm.

Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến ngưỡng hỗ trợ xu hướng cuối cùng tại vùng quanh 1.110-1.120 (ngưỡng fibonacci chặn xu hướng giảm); kỳ vọng lực cầu từ phía tổ chức và dòng tiền đầu tư trung hạn tham gia khi thị trường đang ở mức chiết khấu “hấp dẫn”. Trong tuần tới, các nhịp hồi kỹ thuật kỳ vọng sẽ diễn ra, thị trường nhiều khả năng sẽ dễ thở hơn.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Trái ngược với giai đoạn trước là trụ đỡ của chỉ số, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn (VIC, VHM, MSN..) liên tục giảm mạnh những ngày gần đây lại tạo áp lực rất lớn đến xu hướng chung, phần nào do áp lực bán ròng của khối ngoại.

Trong tuần tới, nhiều khả năng chỉ số sẽ kiểm định lại mốc tâm lý 1.100 điểm thêm một lần nữa, cửa xuất hiện nhịp hồi phục là khá cao nếu chỉ số tìm được sự cân bằng tại vùng này, bởi nhiều cổ phiếu đã rơi vào tình trạng quá bán. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một nhịp hồi phục tự nhiên (nếu có), còn trong ngắn hạn tôi vẫn cho rằng rủi ro hiện nay là rất lớn.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Dòng tiền trên thị trường sắp tới có xu hướng suy giảm khi áp lực cạnh tranh đến từ kênh tiền gửi tiết kiệm và một phần chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh đặc biệt là sự cạnh tranh đến từ kênh trái phiếu doanh nghiệp khi có gần 1 triệu tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong vòng 2 năm tới. Thời kỳ "tiền đắt" có thể bắt đầu, và ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng của dòng tiền trong thời gian tới?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Tôi cho rằng giai đoạn dòng tiền vào thị trường suy yếu sẽ còn tiếp tục kéo dài. Thực tế cho thấy động thái tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng bắt đầu “ngấm” vào thị trường chứng khoán, khiến nhiều công ty chứng khoán như Rồng Việt, HSC, Bảo Việt bắt đầu tiến hành nâng nhẹ lãi suất cho vay margin. Ngoài ra, sau giai đoạn giảm mạnh của thị trường, nhà đầu tư sẽ có xu hướng ưu tiên quản trị rủi ro danh mục đầu tư và hạn chế sử dụng margin.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khi dòng tiền khó kiếm lợi nhuận được từ chứng khoán sẽ chuyển hướng một phần vào tiết kiệm và các kênh khác. Tuy nhiên, kênh tiết kiệm sẽ chưa đủ hấp dẫn để hút đủ lượng tiền đủ lớn từ hoạt động chứng khoán chuyển qua.

Tính đến quý III năm nay, gần 65 ngàn tỷ trái phiếu đáo hạn vẫn sẽ được thanh toán gốc và lãi đầy đủ. Áp lực trong 2 năm tới với thị trường trái phiếu là hiện hữu khi có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn. Dòng tiền giai đoạn sắp tới sẽ thận trọng nhiều hơn và sẽ hướng trọng tâm vào các kênh đầu tư có tính an toàn cao.

Với thị trường chứng khoán tôi cho rằng, giai đoạn sắp tới dù vẫn còn khó khăn nhưng đánh giá chung thị trường đã đủ hấp dẫn để đầu tư về mặt dài hạn.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Xét trên góc độ vận động dòng tiền, thị trường chứng khoán đang gặp áp lực cạnh tranh lớn của mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng dần. Về mặt định giá, mặt bằng lãi suất bao gồm lãi suất phi rủi ro cao hơn đẩy định giá cổ phiếu về mức thấp hơn.

Cùng với đó là khó khăn của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng. Dự kiến áp lực lãi suất còn kéo dài tối thiểu đến 2024 do những số liệu gần nhất cho thấy tình trạng lạm phát trên các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Về cơ bản, dịch covid 19 đã được khống chế thì việc dòng tiền nhàn rỗi quay lại sản xuất kinh doanh và thoát dần khỏi các kênh mang yếu tố đầu cơ cao là điều tất yếu. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trên toàn cầu đã khiến NHTW các nước bước vào cuộc chạy đua tăng lãi suất (Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung này), điều này đã càng làm cho dòng tiền ngắn hạn thêm suy yếu và có xu hướng rút khỏi thị trường.

Trong ngắn hạn rất khó có thể kỳ vọng việc dòng tiền trên thị trường sớm được cải thiện, chúng ta phải quen với việc thanh khoản duy trì ở mặt bằng thấp kéo dài trong thời gian sắp tới.

Ở góc độ doanh nghiệp, việc tăng lãi suất cũng như áp lực tỷ giá đang ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp đến nhóm ngành/doanh nghiệp cụ thể như thế nào, theo các ông/bà?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Đối với các ngân hàng, việc tăng mạnh lãi suất huy động trong khi phải đảm bảo duy trì lãi suất cho vay ở mức độ hợp lý theo chỉ đạo của NHNN sẽ khiến NIM có xu hướng thu hẹp. Ngoài ra, việc hàng loạt doanh nghiệp bị “đói” vốn sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng làm gia tăng rủi ro xuất hiện nợ xấu, làm tăng chi phí trích lập dự phòng.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản thương mại cũng bị tác động nặng nề khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn (quy định phát hành trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ hơn, các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất cho vay, thị trường chứng khoán giảm điểm khiến việc huy động vốn từ việc phát hành thêm cổ phiếu gặp khó). Trong khi đó, nhu cầu mua nhà và đầu tư của người dân cũng có xu hướng sụt giảm trước sự cạnh tranh gay gắt từ kênh gửi tiết kiệm.

Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm xuất khẩu như dệt may, thủy sản, việc tỷ giá tăng mạnh cũng khiến giá của hàng hóa Việt Nam tại thị trường xuất khẩu trở nên đắt hơn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu tiếp tục suy yếu trước ảnh hưởng của lạm phát cao kỷ lục.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Việc tăng lãi suất và tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều ngành sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vì vậy khi tỷ giá tăng giá nguyên liệu sẽ tăng thêm dẫn đến hàng hóa thành phẩm đến tay người tiêu dùng cũng tăng lên. Chỉ với những doanh nghiệp lớn có nguồn dự trữ tiền mặt dồi dào mới có thể dữ trữ trước nguyên vật liệu giá rẻ. Chưa kể lãi suất tăng khiến mặt bằng lãi vay cũng tăng theo và sẽ càng làm nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Theo chúng tôi, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ mặt bằng tỷ giá tăng cao, nhóm hàng dệt may, giày dép, xuất khẩu gỗ và thủy sản là các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 36%. Một số doanh nghiệp có thể kể đến như GIL, VHC, MSH, PTB…

Bên cạnh đó, tỷ giá tăng cao cũng giúp cho các doanh nghiệp liên quan đến khu công nghiệp có lợi thế trong thu hút FDI, giá thuê dựa trên cơ sở đồng USD cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể. Một số doanh nghiệp có thể kể đến như KBC, VGC, BCM….

Trái lại, một số doanh nghiệp có thể gặp rủi ro ở diễn biến tỷ giá hiện tại bao gồm các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên nhiên liệu chủ yếu tại thị trường Mỹ, một số ngành hàng như bông, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, thức ăn chăn nuôi…

Cuối cùng, ảnh hưởng của tỷ giá cũng đặt áp lực đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngoại tệ trên tổng tài sản cao. Huy động vốn vay USD với tỷ trọng lớn sẽ khiến các doanh nghiệp bị chịu lỗ tỷ giá qua đó chi phí tài chính tăng cao khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút.

Các doanh nghiệp trong nhóm ngành điện than, năng lượng tái tạo, sản xuất thép, vận tải hàng không… sẽ là những nhóm ngành bị chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Nhóm chịu ảnh hưởng bất lợi đầu tiên là Ngân hàng khi chi phí huy động vốn tăng trong khi Chính phủ yêu cầu không tăng lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao (như Bất động sản) chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận. Việc đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp thuộc ngành phải thường xuyên nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (thức ăn chăn nuôi..).

Ngược lại, các doanh nghiệp Bảo hiểm hay doanh nghiệp có quy mô tiền ròng lớn, và các Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ yếu tố lãi suất và tỷ giá.

Trong một diễn biến khác, FTSE Russell vừa giữ nguyên Việt Nam ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier) và và nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2. FTSE sẽ đánh giá lại cơ hội chính thức nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 của Việt Nam vào tháng 3/2023. Kể từ khi được thêm vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2018, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market). Ông/bà có kỳ vọng gì về lần đánh giá tới đây của FTSE không?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Ông Lâm Gia Khang

Ông Lâm Gia Khang

Tôi không quá kỳ vọng về triển vọng nâng hạng thị trường trong lần đánh giá tiếp theo của FTSE vào tháng 3/2023.

Tiêu chí về “chu kỳ thanh toán” tiếp tục là vấn đề lớn cần giải quyết, nhất là khi việc chuyển sang thanh toán T+1,5 đang mang tới nhiều “tác dụng phụ” ngoài dự kiến gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Ngoài ra, các vướng mắc về giới hạn sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tồn tại, khiến tỷ lệ tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường ở mức rất thấp, chỉ đạt gần 0,65% tính đến tháng 8/2022 – tương ứng với gần 42.100 tài khoản.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Việt Nam đã lỡ hẹn khá nhiều lần với việc nâng hạng thị trường mới nổi với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan bởi dịch Covid 19. Sau nhiều sự kiện thời gian qua thị trường đang hướng dần đến việc minh bạch và hiệu quả hơn trước.

Một số vấn đề liên quan đến việc nới room ngoại có thể là rào cản gần nhất với việc nâng hạng nhưng có thể sẽ sớm có giải pháp. Khi thị trường Việt Nam được nâng hạng sẽ là tiền đề tạo động lực phát triển thị trường mạnh mẽ hơn về dài hạn và cũng tạo động lực thu hút đầu tư chung với nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Trước hết, hệ thống phân loại thị trường của FTSE Russell đối với trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging) bao gồm 09 tiêu chí được chia làm 3 nhóm: môi trường pháp lý; hạ tầng giao dịch và lưu ký, thanh toán bù trừ. Trong đó, yếu tố liên quan đến áp dụng thanh toán đối tác bù trừ trung tâm (CCP) là vấn đề mà nhiều năm nay FTSE Russell đánh giá Việt Nam vẫn chưa đạt được và đây được coi là tiền đề quan trọng về việc chúng ta có được nâng hạng thị trường hay không.

Cụ thể, quy định pháp lý hiện hành trong hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán yêu cầu thành viên lưu ký phải kiểm soát việc đặt lệnh của nhà đầu tư theo hướng nhà đầu tư phải có đủ chứng khoán trên tài khoản giao dịch trước khi bán, phải có đủ 100% tiền trước khi đặt lệnh mua (cơ chế prefunding). Điều này gây nên những hạn chế và rủi ro liên quan đến sức mua và thanh khoản của thị trường.

Chính vì vậy, các vấn đề về thanh toán sẽ chỉ có thể được tháo bỏ sau khi triển khai mô hình CCP khi mô hình này sẽ góp phần cải thiện thanh khoản và sức mua nhà đầu tư đồng thời quản lý chặt chẽ hơn rủi ro mất khả năng thanh toán trên thị trường.

Cơ hội liệu Việt Nam có được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào đợt đánh giá lại sắp tới của FTSE sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quá trình chuyển đổi, triển khai mô hình đối tác CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở trong giai đoạn từ nay đến đầu năm sau.

Ngoài ra, các vấn đề về hạn chế sở hữu nước ngoài luôn là giới hạn quan trọng ảnh hưởng đến quá trình nâng hạng của thị trường Việt Nam, và hiện chưa có tiến trình xử lý triệt để.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Tôi đã bỏ qua câu chuyện nâng hạng này từ khá lâu và không bất ngờ trước thông tin này, bởi Việt Nam còn nhiều yếu tố chưa thể sớm khắc phục được theo bộ tiêu chí của FTSE Russell. Lần đánh giá tới đây cũng vẫn như vậy thôi, có lẽ tôi kỳ vọng tới 2024 hoặc 2025, chúng ta mới nên quay trở lại câu chuyện này.

Quay lại câu chuyện dòng tiền, dù thị trường đang trong xu hướng điều chỉnh, nhưng dòng tiền vẫn tập trung vào các nhóm ngành ít ảnh hưởng bởi tỷ giá, lãi suất hoặc được hưởng lợi như bảo hiểm, tiêu dùng bán lẻ, điện, nước, xuất khẩu... Ông/bà đánh giá như thế nào về các nhóm cổ phiếu “tránh bão” áp lực lãi suất, tỷ giá?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Nhóm bảo hiểm trong thời gian vừa qua nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền từ kỳ vọng hưởng lợi từ việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng. Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý hoạt động tài chính này chỉ chiếm khoảng 20% cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm và mức độ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh là không quá lớn.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ có sự phân hóa tùy theo đặc điểm của sản phẩm. Ví dụ, cùng trong ngành thủy sản, hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ có khả năng chống chịu lạm phát tốt hơn so với xuất khẩu tôm – sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp tại các thị trường nước ngoài.

Đối với các ngành thuộc nhóm thiết yếu như điện, nước đây là nhóm có mức chống chịu tốt nhất trước ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá đồng thời duy trì tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền ổn định.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Một số nhóm ngành có thể xem là ít ảnh hưởng bởi tỷ giá, lãi suất nhưng chỉ là bề nổi còn nếu nhìn kỹ thì hầu như khó có ngành nào không ảnh hưởng một khi lãi suất, tỷ giá tăng dẫn đến lạm phát tăng cao. Một vài ngành ít ảnh hưởng nhưng trên sàn cổ phiếu không có nhiều hấp dẫn về thanh khoản vì vậy đó chỉ là giai đoạn trú chân ngắn hạn chứ khó tạo một xu hướng lâu dài.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Nền kinh tế đang dần bước vào giai đoạn “tiền đắt” không còn môi trường lý tưởng cho TTCK khi những sản phẩm tài chính cạnh tranh khác đưa ra những mức lãi suất hấp dẫn đối với Nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt và các tài sản đầu tư lãi suất cố định như ngành bảo hiểm, đặc biệt là nhóm bảo hiểm nhân thọ “lội ngược dòng”, nổi lên như một cơ hội đầu tư trên thị trường trong điều kiện lãi suất tăng cao.

Yếu tố hưởng lợi đến từ việc cơ cấu khoản mục đầu tư tài chính phần lớn là danh mục tiền gửi ngân hàng, đây là động lực chính giúp cải thiện biên lợi nhuận của nhóm ngành bảo hiểm trong môi trường lãi suất tăng dần.

Cần chú ý thêm, các sản phẩm bảo hiểm cũng sẽ gặp áp lực cạnh tranh dòng tiền từ tiền gửi vốn đang có mức lãi suất hấp dẫn, các doanh nghiệp đầu ngành bảo hiểm nhân thọ như BVH cũng đang gặp áp lực cạnh tranh lớn đến từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, nhóm “phòng thủ” truyền thống như điện nước dù có mức beta thấp so với chỉ số VN-Index, nhưng giá thị trường ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng do đà tăng nóng trong hai năm gần nhất.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Nếu thị trường đang ở trong giai đoạn phân hoá và bình ổn thì dòng tiền sẽ tìm đến nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi và kết quả sẽ hiển thị tích cực ngay lập tức trên bảng điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung không ngừng lao dốc thì không có nhóm nào đứng ngoài rủi ro. Chính vì thế, nhà đầu tư cần chú trọng đến việc quản trị rủi ro thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận.

Cuối cùng, ông/bà đang chọn chiến lược nào để tránh “bão” TTCK?

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền nên duy trì ở mức thấp đồng thời tận dụng các nhịp vận động của thị trường để tiến hành cơ cấu danh mục, tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh và hoạt động trong các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đang đi vào giai đoạn khó khăn và bối cảnh chung kinh tế và chính trị thế vẫn còn nhiều bất ổn. Khi thị trường đang trong giai đoạn downtrend thì với nhà đầu tư ngắn hạn chiến lược an toàn nhất vẫn là thu hẹp tài khoản về vùng an toàn và chờ tín hiệu thị trường hồi phục rõ rệt mới giải ngân. Sau một giai đoạn thị trường giảm mạnh sẽ tích lũy dần trở lại.

Trong mỗi nhịp phục hồi vẫn sẽ có những cổ phiếu tăng trưởng giúp cho nhà đầu tư thu lợi nhuận ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể hướng mục tiêu vào các nhóm cổ phiếu cơ bản hoạt động tăng trưởng ổn định và giá cổ phiếu đã về vùng định giá thấp trung hạn.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

VN-Index vận động “kéo ngược” bất ngờ xuất hiện trong phiên cuối tuần đi kèm khối lượng giao dịch gia tăng đạt 17.100 tỷ đồng, được cho là tín hiệu tương đối tích cực trong ngắn hạn. Tín hiệu này vừa đủ để tâm lý giao dịch cân bằng trở lại, DSC nhận định tích lũy ổn định hơn có thể dần xuất hiện, khi thị trường vận động “cạn cung” trước đó (giảm nhanh - tăng nhanh).

Phiên cuối tuần cũng được xem như nỗ lực hồi phục đầu tiên, kỳ vọng phiên bùng nổ theo đà (FTD) sớm xuất hiện cho một vị thế mua an toàn hơn; Trong thời gian chờ đợi, các phiên tăng điểm có thanh khoản thấp được khuyến nghị là thời điểm để cơ cấu danh mục hiệu quả.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Rõ ràng, rủi ro lướt sóng hiện tại đang ở mức rất cao, trong khi hiệu quả lướt sóng lại rất thấp, do vậy tôi lựa chọn giải pháp đứng ngoài thị trường để đảm bảo quản trị rủi ro. Với nhà đầu tư ngắn hạn, tôi khuyến nghị để tỷ trọng tiền mặt ở mức cao, thời điểm này chưa thuận lợi và là cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận lướt sóng.

Với nhà đầu tư dài hạn, có thể cân nhắc giải ngân từng phần ở từng tầng giá với các doanh nghiệp cơ bản, giữ được đà tăng trưởng ổn định khi giá cổ phiếu về mục tiêu hấp dẫn.

Tin bài liên quan