Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Làm gì khi "bắt đáy hớ"?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Làm gì khi "bắt đáy hớ"?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các cổ phiếu, nhóm ngành đều không năm ngoài vòng xoáy điều chỉnh mạnh của thị trường chung khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề vì đã "bát đáy hớ" bởi đáy ngày một sâu hơn.

Chỉ số VN-Index đã “bay hơi” gần 100 điểm, giảm gần 10% tuần trong tuần qua và đang tiệm cận về mốc 1.000 điểm. Chỉ số VN-Index đang có chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp và đã mất 30% kể từ đỉnh, nằm trong Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới. Áp lực bán mạnh mẽ vẫn diễn ra trên diện rộng khiến tâm lý nhà đầu tư có phần hoảng loạn. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Hiện thị trường đã về vùng hỗ trợ mạnh, có thể đầu tuần vẫn chịu dư âm từ tuần qua nhưng dự báo dần sẽ tích cực hơn và có sự phục hồi. Tuy nhiên cần lưu ý mọi sự phục hồi tạm thời chỉ là ngắn hạn khi mà xu hướng trung hạn vẫn còn xấu khi áp lực từ những yếu tố trung hạn như lãi suất, lạm phát, TTCK thế giới vẫn đang xấu, USDX đang trong xu hướng tăng.

Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect

Có thể nói diễn biến tiêu cực trên TTCK trong những phiên gần đây đa phần xuất phát từ tâm lý hoang mang của nhà đầu tư về lãi suất liên ngân hàng tăng vọt cũng như các thông tin đồn đoán. Vì vậy diễn biến thị trường tuần tới chủ yếu sẽ phụ thuộc vào việc tâm lý của nhà đầu tư có được giải tỏa hay không? Tôi cho rằng thị trường đang kỳ vọng vào sự trấn an của các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 cũng sắp bắt đầu, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả khả quan thường công bố sớm, qua đó có thể tạo ra xu hướng phân hóa giữa các cổ phiếu. Hy vọng những cổ phiếu này có thể giữ niềm tin cho những nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều bất ổn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh
Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm vào tuần tới và chỉ số VN-Index có thể giằng co quanh mức 1.000 điểm. Đồng thời, tôi cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm cho nên các nhịp hồi trong tuần tới chỉ mang tính hồi kỹ thuật sau các phiên giảm sâu.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

So sánh với thị trường tài chính toàn cầu đang trong vận động phục hồi kỹ thuật, chỉ riêng tại TTCK Việt Nam thể hiện bộ mặt hoàn toàn trái ngược trong 2 tuần gần đây. Chỉ số VN-Index đóng cửa với mẫu nến Bearish Marubozu tại 1.035,9 điểm (giảm 8,5% so với tuần trước) với thanh khoản gia tăng. Như vậy, tuần giao dịch (3-7/10) ghi nhận mức giảm điểm lớn nhất nhịp điều chỉnh hiện tại, kéo dài động lượng giảm sang tuần kế tiếp.

Tuy vậy, ở một góc nhìn lạc quan hơn: Khi vận động trên đồ thị tuần đã từng diễn ra trong nhịp giảm đầu tiên; sau nhịp giảm nhẹ “tiết cung”, VN-Index ghi nhận trên đồ thị ngày mức thanh khoản cao và nhịp kéo ngược trong những phút cuối. Thanh khoản gia tăng là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy hiện tượng “thay máu dòng tiền” khi dòng tiền bắt đáy ngắn hạn và đầu tư dài hạn được kích hoạt.

Có thể thấy, ngoài tâm lý bán thì bên mua cũng đã chờ đợi tín hiệu hoảng loạn từ lâu để mở vị thế trong bối cảnh VN-Index đang trong một vùng giao dịch “quá bán” về mặt kỹ thuật cũng như chiết khấu “hấp dẫn” về mặt định giá nhờ tiệm cận mốc 1.000 điểm.

Nhìn chung, các tín hiệu đầu tiên cho thấy thị trường dần đến vùng cân bằng đã xuất hiện, nhưng nhà đầu tư cần chờ đợi các dấu hiệu tạo đáy rõ ràng hơn để tham gia bắt đáy với mức tỷ trọng lớn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tuần qua, nhiều thông tin kém tích cực xuất hiện ở cả thị trường trong nước và quốc tế, như tin đồn về việc một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới – Credit Suisse đang gặp vấn đề về thanh khoản, hay sự kiện liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý giao dịch của nhà đầu tư, vốn không quá khả quan trong các tuần gần đây.

Tôi cho rằng, mặc dù nhiều động thái đã được thực hiện kịp thời nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư, song áp lực “call margin” có thể xuất hiện trong những ngày đầu tuần tới do có tới 624 mã giảm giá trên HSX và HNX, bao gồm 172 mã giảm sàn trong phiên cuối tuần qua.

Tuy nhiên, tôi cũng kỳ vọng thị trường sẽ sớm lấy lại điểm cân bằng và hồi phục trong các phiên cuối tuần do định giá VN-Index hiện tại đã tiến về sát mức mới xuất hiện dịch Covid-19 (cuối tháng 3/2020), với mức P/E và P/B lần lượt là 11,1 lần và 1,7 lần và ở quanh vùng định giá bình quân 3 năm trừ 2 lần độ lệch chuẩn.

Hàng loạt nhà băng trong nước đã nâng lãi suất tiết kiệm, với lãi suất cao nhất được ghi nhận là 9,1%/năm. Mặt bằng lãi suất tăng khiến cho kênh cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn. Xu hướng tăng lãi suất đang tác động như thế nào đến xu hướng dòng tiền chứng khoán trong thời gian tới, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Với mức lãi suất ngày càng cao trong bối cảnh TTCK lại ngày càng giảm với đáy sau thấp hơn đáy trước thì việc lãi suất tăng lại gây áp lực lên cho thị trường vì gửi ngân hàng là kênh đầu tư an toàn, không cần bằng cấp hay những phân tích tích phân phức tạp mà vẫn có lợi nhuận hàng đầu trong năm 2022. Đó là chưa kể đồng VND giảm giá nhẹ so với USD nhưng lại tăng giá mạnh so với EUR, GBP hay JPY...

Do vậy, nếu quy đổi sang những đồng tiền trên còn đạt được lãi kép. Vì thế kênh gửi ngân hàng trở thành điểm sáng trong năm nay thu hút các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến các kênh đầu tư thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect

Theo nguyên lý chung thì khi lãi suất tăng thường gây ra tâm lý cẩn trọng và phòng thủ trên TTCK. Khi mặt bằng lãi suất tăng lên một mức độ nào đó thì TTCK sẽ không còn là một kênh đầu tư hấp dẫn nữa. Và để đánh giá TTCK Việt Nam trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, chúng tôi sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường (E/P), là phép đảo ngược của chỉ số P/E vốn khá quen thuộc với các nhà đầu tư.

Nếu ước tính của chúng tôi, lợi suất thu nhập TTCK Việt Nam hiện đang ở mức khoảng gần 10%, cộng thêm cả lợi suất từ cổ tức. Nếu so với lãi suất huy động 12 tháng của các NHTM Việt Nam hiện nay thì có vẻ như TTCK trong ngắn hạn sẽ kém hấp dẫn hơn (do xét thêm yếu tố rủi ro của kênh đầu tư này).

Tuy nhiên, tương quan giữa lãi suất tăng và TTCK sẽ bị phá vỡ bởi sự tăng trưởng lợi nhuận, bởi vì xét cho cùng, luận điểm đầu tư chủ yếu sẽ dựa trên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.

Chẳng hạn như nhìn sang năm 2023, chúng tôi ước tính các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK đạt mức tăng trưởng khoảng 17 - 18%, bao gồm cả yếu tố chi phí lãi vay tăng. Chỉ số E/P TTCK Việt Nam năm 2023 sẽ tăng lên mức 12%; tạo ra dư địa hấp dẫn so với tiền gửi tiết kiệm.

Vì vậy có thể nói, khi lãi suất tăng, TTCK có thể điều chỉnh giảm song thời gian sẽ không quá lâu, nếu như lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh vận động đi lên của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Lãi suất có xu hướng tăng sẽ là kênh hút dòng tiền ra khỏi thị trường chứng khoán, trong bối cảnh rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao và các rủi ro bất định vẫn còn lớn cho nên dòng tiền sẽ tìm kiếm các kênh an toàn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến xu hướng trung và dài hạn, mặc dù định giá đang ở mức hấp dẫn.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Xét trên góc độ vận động dòng tiền, thị trường chứng khoán đang gặp áp lực cạnh tranh lớn của mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng dần. Dòng tiền còn lại trên thị trường sẽ có xu hướng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở các doanh nghiệp có trữ lượng tiền mặt lớn như Bảo hiểm.

Bóc tách kỹ hơn, BVH - Tập đoàn Bảo Việt sở hữu danh mục tiền gửi ngân hàng ghi nhận tại tháng 6/2022 đạt 98.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của doanh nghiệp này; MIG - Công ty Bảo hiểm Quân Đội nắm giữ mục tiền gửi có kỳ hạn gần 2.000 tỷ đồng; BMI cũng có khoản tiền hơn 3.000 tỷ gửi ngân hàng hưởng lãi suất, chiếm tầm 45% so với tổng tài sản tầm 7.177 tỷ đồng.

Về mặt định giá, mặt bằng lãi suất bao gồm lãi suất phi rủi ro cao hơn đẩy định giá cổ phiếu về mức thấp hơn. Cùng với đó là khó khăn của các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng. Dự kiến áp lực lãi suất còn kéo dài tối thiểu đến 2024 do những số liệu gần nhất cho thấy tình trạng lạm phát trên các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tôi cho rằng, sự gia tăng về mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng sẽ khiến dòng vốn trong nước có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư có tính an toàn hơn như kênh tiền gửi.

Bên cạnh đó, lãi suất điều hành của nhiều quốc gia lớn trên thế giới cũng đồng loạt tăng lên nhằm kiềm chế lạm phát, vì vậy xu hướng rút ròng của khối ngoại là khó tránh khỏi khi thị trường Việt Nam ngày càng liên thông với thế giới. Do vậy, thanh khoản toàn thị trường khó có thể quay trở lại mức cao khoảng 30.000 – 40.000 tỷ đồng như thời điểm cuối năm 2021.

Hầu hết cổ phiếu các ngành đều không nằm ngoài vòng xoáy điều chỉnh mạnh trong mấy tuần vừa qua. Tuy nhiên, nếu để tìm kiếm cơ hội, một số ngành/doanh nghiệp được cho là có cơ hội hơn như nhóm ngành ít chịu nhiều các yếu tố tác động như lãi suất, tỷ giá… Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư công ở giai đoạn từ nay đến cuối năm có giúp những nhóm ngành liên quan (xây dựng, tài chính, logicstic…) khởi sắc hơn không? Ông/bà đánh giá như thế nào về tiềm năng các nhóm ngành này?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Đây là câu hỏi tôi cố gắng tránh trả lời cụ thể ngành nào hay mã nào trong năm 2022. Rõ ràng việc đầu tư trong năm nay đã gây rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư. Chỉ trừ các nhà đầu tư lướt sóng kinh nghiệm, sử dụng một số tiền nhỏ có thể mất, không dùng đòn bẩy thì có thể tham gia trên thị trường hoặc TTCK phái sinh.

Do vậy, tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình là nhà đầu tư nên tiếp tục nghỉ Tết và gửi ngân hàng tiếp tục như từ đầu năm tới nay để chờ đợi những cơ hội tốt hơn trong tương lai trừ những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên TTCK phái sinh và lướt sóng với tỷ trọng vốn nhỏ, không đòn bẩy.

Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect

Từ đây đến cuối năm 2022, trong bối cảnh dòng tiền suy yếu, tôi cho rằng TTCK khó có sự tăng điểm bùng nổ do có ít động lực mạnh mẽ cũng như xu hướng “sóng ngành” là không rõ nét. Vì vậy, khó có thể kỳ vọng vào việc cả ngành cùng tăng giá như giai đoạn trước. Thay vào đó, thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn, cơ hội sẽ chỉ xuất hiện với từng cổ phiếu, doanh nghiệp cụ thể.

Theo quan điểm của tôi, một số doanh nghiệp có tỷ trọng tiền mặt lớn, ít sử dụng đòn bẩy, cũng có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu ngành, tỷ lệ vay nợ thấp nhưng có định giá sụt giảm dưới mức giá trị sổ sách trong điều chỉnh vừa qua cũng là những sự lựa chọn an toàn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng TTCK vẫn tiềm ẩn rủi ro cao từ đầu năm đến nay cho nên chiến lược phòng thủ vẫn nên được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này. Các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên lựa chọn các nhóm ngành có tính phòng thủ cao và tăng trưởng như Nước và khí đốt, Điện, Bia và đồ uống, Vận tải và Công nghệ.

Trong khi đó, nhóm đầu tư công cũng đang về mức hấp dẫn theo nhịp giảm của thị trường chung, nhưng rủi ro của nhóm này vẫn ở mức cao khi dòng tiền ở nhóm này vẫn đang thấp, đặc biệt mức Beta của nhóm này vẫn cao cho nên tôi cho rằng các nhà đầu tư tránh việc mạo hiểm vào nhóm này.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Ba nhóm ngành xây dựng, tài chính và logistic tuy được hưởng lợi một phần nhờ định hướng đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm, nhưng đều gặp các vấn đề trong mảng kinh doanh cốt lõi do ảnh hưởng bởi yếu tố chu kỳ.

Đối với ngành xây dựng, tình trạng thanh khoản ảm đạm của thị trường Bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ triển khai các dự án dân dụng.

Trên nhóm tài chính, mặt bằng lãi suất cao và hạn chế tăng trưởng tín dụng nhìn chung ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm ngành Ngân hàng.

Cuối cùng với logistic, hoạt động xuất khẩu có thể không tăng trưởng với tốc độ kỳ vọng của nhà đầu tư do chu kỳ suy thoái của các nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ và EU, tuy nhiên có một yếu tố đột biến có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc nới lỏng chính sách Covid Zero sau sự kiện Đại hội Đảng lần thứ 20 diễn ra vào giữa tháng 10.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Đầu tiên, tôi cho rằng trong môi trường lãi suất có xu hướng tăng như hiện tại, các doanh nghiệp có lượng tiền ròng lớn và có vị thế lớn trong lĩnh vực hoạt động có thể được hưởng lợi khi lãi suất tăng lên, nổi bật là các doanh nghiệp bảo hiểm với phần lớn tài sản là các khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Bên cạnh đó, với việc tỷ giá USD/VND tăng cao, những doanh nghiệp xuất khẩu qua thị trường Mỹ có thể được hưởng lợi khi giá trị đơn hàng sau khi quy đổi bằng đồng nội tệ (VND) cao hơn.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Còn đối với câu chuyện về đầu tư công, tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều động thái đẩy nhanh tốc độ thi công các dự án liên quan trong các tháng cuối năm nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, đặc biệt khi kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm mới đạt gần 50% kế hoạch cả năm. Bên cạnh đó, diễn biến giá vật liệu xây dựng đã giảm trên 15% so với vùng đỉnh và về mức trước khi tăng giá (đầu năm 2021).

Vì vậy, theo tôi, nhóm xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các doanh nghiệp đã trúng thầu gói cao tốc Bắc – Nam và cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có thể hưởng lợi trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhóm xây dựng dân dụng khả năng sẽ có triển vọng kém khả quan trong các tháng cuối năm, chủ yếu do tình hình bất động sản trong nước vẫn còn nhiều khó khăn về pháp lý và dòng vốn.

Đối với nhóm logistics, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển sẽ là câu chuyện trong nhiều năm, vì vậy khả năng hưởng lợi trong các tháng cuối năm là tương đối thấp.

Còn tại nhóm tài chính, tôi cho rằng nhóm ngân hàng sẽ được hưởng lợi gián tiếp, do hầu hết các dự án thi công đều cần sự hỗ trợ về nguồn vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, một dự án thường sẽ mất từ một vài tháng tới nhiều năm để thi công, do đó dòng tiền chảy về các ngân hàng thường sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ hoàn thành các hạng mục thi công của dự án đó cũng như năng lực tài chính của các doanh nghiệp tham gia dự án.

Với việc thị trường lao dốc mạnh trong 1 tháng qua, rất nhiều nhà đầu tư thiệt hại lớn. Nhiều nhà đầu tư đã “bắt đáy hớ” khi đáy ngày một sâu hơn. Ông/bà có lời khuyên gì với nhà đầu tư ở thời điểm này? Đâu là chiến lược phù hợp?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Như câu 3 và với các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền cao thì vẫn nên tiếp tục ngồi ngoài và nghỉ Tết tiếp tục. Với những nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao hoặc có đòn bẩy, margin thì nên canh những thời điểm thị trường phục hồi để thu bớt trở lại tiền mặt tạo thanh khoản và chờ đợi những cơ hội ở năm sau.

Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect

Tôi cho rằng, xác suất để “dò đúng đáy của thị trường” là rất khó, vì vậy chúng ta nên tập trung đánh giá những câu chuyện cổ phiếu riêng lẻ. Nhiều doanh nghiệp có vị thế đầu ngành có mô hình kinh doanh bền vững, sức khỏe tài chính lành mạnh, ít sử dụng đòn bẩy thấp hiện đang được định giá khá thấp so với lịch sử. Đây là cơ hội cho phép nhà đầu tư tích lũy những cổ phiếu này với biên an toàn lớn.

Bà Trần Khánh Hiền

Bà Trần Khánh Hiền

Ngoài ra, đợt điều chỉnh mạnh vừa qua cũng làm cho giá của nhiều cổ phiếu có kế hoạch trả cổ tức cao và ổn định sụt giảm, mang lại tỷ suất lợi nhuận (cổ tức/giá cổ phiếu) hấp dẫn, thậm chí là cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây cũng là những cổ phiếu “trú ẩn” tốt trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.

Ngoài ra, trong hoàn cảnh nào thì nhà đầu tư cũng nên duy trì kỷ luật đầu tư, hạn chế sử dụng để bảo vệ tài sản là điều kiện tiên quyết.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, khi đáy chưa hình thành rõ ràng, tức là xu hướng ngắn hạn chưa xác nhận tăng thì các nhà đầu tư tránh việc mua mới vào thời điểm này. Đồng thời, nếu nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ đến bây giờ thì tôi cho rằng điều quan trọng lúc này là nên giải tỏa áp lực margin và nắm giữ lại lượng cổ phiếu bằng vốn tự có của mình.

Tôi cho rằng, thị trường sẽ sớm xác lập vùng đáy tại đây khi thị trường đang phản ánh đà giảm rất sâu bởi các tin xấu trên thị trường và vùng này cũng đang là vùng có định giá hấp dẫn.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Để hoạt động quản trị rủi ro được thực hiện hiệu quả nhà đầu tư nên bắt đầu tư khâu chuẩn bị kế hoạch giao dịch. Với chiến lược giao dịch ngắn hạn với mức chịu đựng rủi ro thấp, hầu hết các vị thế đều đã vi phạm mức cắt lỗ và cần được xử lý từ sớm trước khi ảnh hưởng lớn đến tài khoản của nhà đầu tư.

Với chiến lược giao dịch dài hạn hơn và nắm giữ các doanh nghiệp cơ bản có mức vay nợ thấp, nhà đầu tư có thể vẫn phải nắm giữ qua chu kỳ tiền tệ khó khăn tới cuối năm 2023 trước khi có mức lợi nhuận khả quan.

Với nhà đầu tư chưa xác định sẵn kế hoạch giao dịch và trong tình trạng kẹp hàng hoặc sử dụng lượng ký quỹ lớn, đây là giai đoạn hạn chế bán đuổi giá nhưng nên canh các nhịp hồi phục kỹ thuật trong tuần tới khi VN-Index chạm mốc hỗ trợ mạnh 1.000 điểm để cơ cấu lại tài khoản bằng cách giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Mục tiêu là giảm thiểu biến động tài khoản nhằm tránh ảnh hưởng đến tâm lý dễ dẫn tới mua-bán hoảng loạn, đồng thời giữ tỷ trọng tiền mặt để linh hoạt tham gia các cơ hội hấp dẫn hơn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Theo tôi, diễn biến thị trường trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư. Tôi cho rằng, ảnh hưởng từ những thông tin kém khả quan gần đây sẽ chỉ có tác động trong thời gian ngắn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều động thái tích cực hơn đã được thực hiện. Tuy nhiên, áp lực bán giải chấp có thể sẽ xuất hiện trong các phiên đầu tuần sau khi thị trường đã giảm gần 4% trong phiên thứ 6 vừa qua.

Mặc dù vậy, với mức định giá của VN-Index dần tiến về vùng hấp dẫn trong lịch sử, tôi cho rằng các điểm cân bằng của chỉ số sẽ sớm xuất hiện sau khi nhà đầu tư ổn định tâm lý. Do vậy, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên quan sát diễn biến thị trường và chờ chỉ số xác nhận tạo đáy mới nên tham gia giao dịch.

Đối với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trung – dài hạn, hiện tại đã là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu của các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh khả quan trong dài hạn và đang được giao dịch tại mức định giá thấp so với trung bình lịch sử, đặc biệt tại nhóm VN30.

Tin bài liên quan