Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Kiếm cổ phiếu để chốt lời 20-30% là không quá khó

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Kiếm cổ phiếu để chốt lời 20-30% là không quá khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù đánh giá việc vượt qua mốc 1.100 điểm là kỳ tích nhưng với diễn biến thị trường hiện nay thì việc kiếm cổ phiếu để chốt lời 20-30% là không quá khó, thậm chí có thể mua lại chính những mã đã bán.

Những tưởng thông tin chính thức về việc giảm lãi suất điều hành có thể hỗ trợ thị trường bứt phá trong tuần qua nhưng thị trường lại phản ứng khá “thờ ơ” khi kết thúc tuần qua, chỉ số VN-Index giảm nhẹ hơn 2 điểm so với tuần trước. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Trạng thái phân hóa mạnh khiến việc dự báo chiều hướng của chỉ số trong tuần kế tiếp không có nhiều ảnh hưởng tới việc xây dựng chiến lược giao dịch. Đặc biệt, nếu xét trong bối cảnh sức ép hạ lãi suất cho vay có thể ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn tới thu nhập tới nhóm ngân hàng, động lực tăng giá của các cổ phiếu bluechips lúc này là không lớn. Nhìn chung, thị trường có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp trong tuần tới, và dòng tiền sẽ tiếp tục hướng đến một số nhóm mid-cap (dầu khí, BĐS Khu công nghiệp…).

Tiền yếu nên càng thờ ơ với các cổ phiếu trụ, có vốn hóa lớn, thanh khoản cao thì phải cần tiền khỏe kéo. Hiện tại, tỷ trọng giá trị giao dịch khớp lệnh vào nhóm VN30 so với phần còn lại của HOSE đang ở mức thấp nhất nhiều tháng qua. Đã lâu lắm rồi, thanh khoản VN30 mới tụt xuống ngưỡng chỉ còn khoảng 30% thanh khoản cả sàn. Tuy nhiên, khi tiền đã quay vòng và “cho ăn" đều ở các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi tâm lý tự tin hơn, chúng tôi kỳ vọng sẽ dần có sóng ở một vài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, có thể là các ngân hàng có mức vốn hóa nhỏ hơn.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Thị trường có thể nói đang khá vững và tâm lý nhà đầu tư cũng tương đối ổn định, thậm chí có chút lạc quan. Vì thế tôi nghĩ rằng thị trường trong ngắn hạn chưa có nhiều biến động và xu hướng chung dao động trong biên độ nhỏ. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu riêng lẻ với những câu chuyện riêng biệt sẽ thu hút được dòng tiền giống như những cổ phiếu NTC, PHR, BMP…

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Trong 3 lần hạ lãi suất gần đây thị trường cũng không hẳn giao dịch tích cực, tuy nhiên nếu nhìn về xu hướng thì các đáy và đỉnh đáy trong khoảng thời gian này đều là đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nghĩa là xu hướng ngày càng tích cực dần lên.

Bên cạnh đó, cần lưu ý các chính sách vĩ mô luôn có độ trễ khá lớn do cần thời gian để phát huy hiệu quả chứ không phải sáng mai có thể thấy kết quả liền. Do đó, trong ngắn hạn thì trước mắt thị trường đang tiến sát vùng kháng cự quan trọng 1.080-1.100 suốt 4 tháng qua chưa qua được nên sẽ gặp khó khăn tại vùng này.

Tuy nhiên về trung hạn, việc vượt được vùng này chỉ là vấn đề thời gian khi mà các chính sách hỗ trợ ngày một nhiều hơn và TTCK thường phản ánh trước nền kinh tế.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Thông tin lãi suất giảm dường như đã được hấp thụ bởi thị trường khá sớm, thị trường thậm chí coi như điều đó là hiển nhiên mà cứ tiếp tục câu chuyện riêng từng cổ phiếu riêng lẻ. Xu hướng giao dịch của tuần tới sẽ là biến động mạnh do thông tin đàm phán trần nợ công Mỹ, kỳ họp FOMC tháng 6 liệu FED có tăng lãi suất tiếp hay các dữ liệu vĩ mô khác, cá nhân tôi không kỳ vọng nhiều vào chỉ số chung nữa mà thay vào đó là tập trung từng cổ phiếu.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Việc thị trường không hưởng ứng tích cực với thông tin hạ lãi suất của NHNN chính là điểm nhấn của thị trường trong tuần qua. Chính vì vậy tôi không có sự thay đổi nhận định với thị trường trong tuần giao dịch tới: trạng thái giằng co trong biên độ hẹp nhiều khả năng tiếp diễn, sẽ khó có sự chuyển biến rõ ràng về mặt xu thế chung mà sự luân chuyển của dòng tiền giữa các nhóm ngành sẽ lại chiếm ưu thế.

Khối ngoại đang có xu hướng bán ròng mạnh hơn tại các mã trụ cột sẽ càng tạo áp lực lớn lên chỉ số. Dù vậy cũng sẽ xuất hiện một vài cổ phiếu riêng lẻ có sóng (nhưng không đủ để tạo hiệu ứng lan tỏa).

Bên cạnh chuyển động chính sách, dòng tiền vẫn được xem là yếu tố quan trọng nhất với TTCK. Có thể thấy chưa có nhiều dòng tiền mới đổ vào thị trường, nếu có chỉ là “nhỏ giọt” và thiếu sự đột phá, giảm mã cho sự trầm lắng của thị trường trong tuần qua. Một cách tổng quan, ông/bà nhìn nhận như thế nào về chuyển động dòng tiền, cũng như cần thêm những yếu tố nào có thể kích hoạt dòng tiền quay trở lại với chứng khoán mạnh mẽ hơn, theo các ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Dòng tiền tại nhóm bluechips (ngân hàng, chứng khoán) trong tuần chủ yếu bị chi phối bởi các thông tin về hạ lãi suất điều hành, từ mua tin đồn tới chốt lời theo dạng “tin ra là bán”, khiến thanh khoản gia tăng nhưng chưa thể đưa thị trường thoát khỏi trạng thái xu hướng side-way.

Khi thị trường đi ngang, nhóm mid-cap tiếp tục là điểm sáng trong tuần, đặc biệt tại ngành dầu khí, đầu tư công và bất động sản khu công nghiệp. Đây chủ yếu là những ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn sẽ được phê duyệt trong tháng 6 tới và các dự thảo đang được trình duyệt tại kỳ Họp Quốc hội khóa XV như Luật Đất đai sửa đổi, Nghị quyết gỡ rối cho bất động sản khu công nghiệp...

Sau tháng 5, thị trường sẽ rơi vào điểm trũng thông tin về doanh nghiệp và chính sách, do đó chưa đủ điều kiện để kéo dòng tiền trở lại thị trường mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Chưa có số liệu cụ thể nhưng theo thống kê của cá nhân tôi thì dòng tiền đang giao dịch hiện nay đóng góp vào thanh khoản chung là của nhà đầu tư cá nhân. Hiện nay có khá nhiều sản phẩm giúp cho nhà đầu tư có thể mua bán nhanh chóng, mua bán ngay trong ngày nên điều này phần nào đẩy thanh khoản gia tăng. Còn dòng tiền lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ, các tổ chức hiện tại chưa có nhiều.

Ở giai đoạn 2-3 tháng trước thì các Quỹ ETF, đặc biệt đến từ Đài Loan (Trung Quốc) và Thái tăng khá mạnh nhưng 1 tháng gần đây lại có xu hướng rút ròng. Dòng vốn này đang chịu tác động mạnh bởi những yếu tố thế giới nên việc bị rút ra cần có đánh giá. Còn với các tổ chức, có lẽ quan điểm của họ lúc này là thận trọng, bảo toàn vốn thay vì chạy đua trong môi trường kinh tế đang yếu kém.

Một điểm nữa tôi cho rằng ở giai đoạn quý IV/2022 có cuộc đua lãi suất, trùng với nhịp giảm mạnh nên dòng tiền lớn từ cá nhân, tổ chức có lẽ đã gửi tiết kiệm vào đó hưởng lãi suất cao và tạm tránh thị trường. Với tình hình vĩ mô hiện nay có lẽ họ chưa mạo hiểm đánh đổi để tìm kiếm biên lợi nhuận mỏng.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Dòng tiền tuy khó bằng được như giai đoạn 2021 nhưng thanh khoản tăng dần đều những ngày gần đây, dù không thật sự quá mạnh nhưng sự tích cực phần nào nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ liên tục được đưa ra cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường dù rằng sẽ có độ trễ nhưng lâu dài sẽ ổn định và bền vững hơn. Tuy vậy, thị trường cần vượt được vùng kháng cự 1.080-1.100 duy trì suốt 4 tháng qua cộng với thanh khoản tiếp tục được cải thiện có thể kỳ vọng cho nửa cuối năm tích cực dần hơn và đặc biệt mở ra nhiều cơ hội cho năm 2024.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Điểm tiêu cực dòng tiền hiện nay là khối ngoại bán ròng trên 2000 tỷ, trong bối cảnh thị trường thiếu dòng tiền thì đây chắc chắn là gánh nặng gấp đôi lên những cổ phiếu trụ. Để thu hút dòng tiền trở lại thì tôi nghĩ đơn giản nhất chính là nội tại doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nói riêng nền kinh tế nói chung phục hồi, tốt lên thì tự khắc dòng tiền đổ vào mạnh mẽ.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Bối cảnh kinh tế ảm đạm bên cạnh áp lực lạm phát không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, đây là rào cản chính đối với việc dòng tiền quay trở lại thị trường.

Bên cạnh yếu tố chính sách, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các tín hiệu vĩ mô để có thể kỳ vọng dòng tiền thực sự quay trở lại thị trường.

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, nửa cuối tháng 5/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó lớn nhất vẫn là nhóm doanh nghiệp bất động sản là 7.000 tỷ đồng… Tính trong cả năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 290.000 tỷ đồng, lớn nhất là trong đó quý 3 với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng. Con số này có tác động như thế nào đến TTCK, theo các ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Với các giải pháp mới được đưa ra từ chính phủ trong việc tháo gỡ thị trường trái phiếu (như Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu trong 2 năm, không hình sự hóa và các giải pháp kích thích thanh khoản), chúng tôi đánh giá rủi ro về đáo hạn trái phiếu trong năm 2023 không còn lớn. Trong tháng 6, giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm Bất động sản là chưa tới 20 nghìn tỷ và toàn thị trường là chưa tới 50.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Tôi cho rằng rất tác động, thậm chí là nhiều doanh nghiệp phát hành sẽ phải giãn thời gian trả nợ. Trong quý I số liệu từ Fiin Group con số xin gia hạn này rất lớn và quý II này chưa có số liệu nhưng chắc hẳn sẽ có không ít. Vấn đề hiện nay của nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu là không làm sao kiếm được dòng tiền từ các hoạt động đầu tư trước đó, đặc biệt nhóm bất động sản.

Theo số liệu tôi cập nhật thì quý II, quý III này số trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản đáo hạn chiếm tỷ trọng cao, và tháng 6 là tháng có số lớn nhất cả quý II. Ngay cả những doanh nghiệp sản xuất giờ tình hình khó khăn đầu ra nên họ cũng đang tìm cách giảm nợ.

Có thể kỳ vọng những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất, thương mại sẽ thu được dòng tiền trả lại để dòng tiền này lan tỏa sang những lĩnh vực khác.

Còn tác động của nó đến TTCK tôi cho rằng là không hề nhỏ. Nói một cách thẳng ra là, những doanh nghiệp nợ nhiều sẽ phải tìm mọi cách để có dòng tiền và bán cổ phiếu ra thị trường là một cách.

Thống kê đơn giản gần đây những doanh nghiệp công bố bán lượng lớn ra như NVL, DPR, DXG, DIG, GEX… Khi họ bán ra để thu tiền thì một lượng cổ phiếu cực lớn sẽ được nhà đầu tư chủ yếu cá nhân ôm lại. Liệu những nhà đầu tư này có đủ kiên nhẫn ôm lâu dài hay không hay họ sẽ sớm tạo ra áp lực với TTCK.

Một cách bi quan hơn là khi cần lượng tiền lớn hơn nữa, và nhiều doanh nghiệp bắt chước theo thì TTCK sẽ tràn ngập cổ phiếu. Bài học này không từ đâu xa nếu nhà đầu tư nhìn vào hệ sinh thái của FLC từng làm trước kia. Các doanh nghiệp có thể bán hết cổ phần họ có rồi sau đó họ lại tìm cách phát hành, và khi không ai mua nữa họ là người mua lại.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Thị trường trái phiếu sẽ bị ảnh hưởng phần nào nhưng với thị trường cổ phiếu nhiều khả năng tích cực hơn do các thông tin trên hầu như đã phản ánh vào giá và đặc biệt những tin được giới đầu tư cho rằng là xấu nhất đã qua. Do đó nếu không có gì đặc biệt hơn thì TTCK vẫn duy trì được sự ổn định khi mà mới đây liên tục các chính sách hỗ trợ thị trường, hỗ trợ ngành liên tục được đưa ra.

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Con số này theo tôi chúng ta có thể tạm dừng quan tâm, vì chính phủ đang ban hành rất nhiều chính sách giải cứu thị trường trái phiếu như cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp, gia hạn thời gian trả nợ, trả nợ bằng bất động sản, … Nhìn chung nếu con số này vẫn duy trì vào năm 2024 2025 trở đi tôi mới đánh giá là rủi ro.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Rõ ràng câu chuyện trái phiếu vẫn đang là trở ngại đáng kể đối với nền kinh tế mà không dễ để vượt qua. Đây là cục máu đông cản trở huyết mạch dòng tiền trong nền kinh tế. Sự ảnh hưởng tới TTCK là rất rõ ràng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu ngành Bất động sản.

Việc lãi suất hạ thời gian qua nhiều khi mang tính “mệnh lệnh hành chính”, và thực tế mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn duy trì ở mặt bằng cao và ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp. Tôi nghĩ còn cần thêm thời gian (phần nào ảnh hưởng từ yếu tố thế giới) để câu chuyện này được giải quyết triệt để.

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Nhóm cổ phiếu đầu tư công sau nhiều lần “nổi – chìm” lại tiếp tục “nổi” lên ở phiên cuối tuần qua, vẫn xung quanh câu chuyện kỳ vọng từ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn 2023 – 2025, cũng như các DN ngành xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị backlog (đơn hàng tồn đọng) tăng đáng kể. Ở thời điểm hiện tại, ông/bà nhìn nhận như thế nào về triển vọng nhóm đầu tư công? Và nếu chọn giải ngân vào nhóm này thì đâu là mã có triển vọng?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Có thể thấy trong 4 tháng đầu năm nay, chúng ta đã mới giải ngân được 14,66% vốn kế hoạch đề ra, thấp so với cùng kỳ năm ngoái là 18,48%. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực thì Bộ giao thông vận tải là điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn vừa qua. Mặc dù được phân bổ số vốn tôi cho là rất lớn, lên tới 94.000 tỷ, gấp 1,7 lần năm ngoái nhưng 4 tháng đầu năm Bộ đã giải ngân được hơn 21.800 tỷ đồng, đạt 23,2% so với kế hoạch.

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Bên cạnh tín hiệu tích cực về tốc độ giải ngân của Bộ GTVT thì việc hàng loạt tuyến cao tốc thành phần Bắc Nam được khánh thành và đưa vào sử dụng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua cùng với những kỳ vọng khởi công tuyến vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội vào 30/6 tới đây chính là động lực hỗ trợ cho đà tăng giá của hàng loạt cổ phiếu nhóm đầu tư công trong giai đoạn vừa rồi, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành xây dựng đầu tư công.

Trong thời gian tới, tôi cho rằng áp lực giải ngân vốn đầu tư công sẽ ngày càng gia tăng khi dần về cuối năm. Về mặt thách thức thì các nhà thầu sẽ phải thực hiện khối lượng công việc vô cùng lớn mà vẫn phải đảm bảo về tiến độ và chất lượng công trình, tuy nhiên trong nguy luôn có cơ, tôi cho rằng những nhà thầu xây dựng có năng lực thi công cao, uy tín và sở hữu nhiều gói thầu như HHV, C4G hay VCG sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Nói chung gần 1/2 thời gian năm 2023 qua đi nhưng câu chuyện đầu tư công vẫn trên nóng dưới lạnh. Trước đây lý do là do nguyên vật liệu tăng cao nên không triển khai thì bây giờ ổn định rồi vẫn thế.

Ở đây vấn đề không nằm ở chỗ thiếu tiền, giá cả, cơ chế mà là người có trách nhiệm triển khai có quyết tâm làm hay không? Câu chuyện này đang được chính đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp lần này và hy vọng điều đó sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Nhóm này được xem là bệ đỡ cho nhiều nhóm ngành khác, giống như một cơn gió mát giữa trưa hè. Tuy vậy nhóm này cũng mang tính trung dài hạn do các hoạt động kinh doanh cũng cần thời gian và có độ trễ. Một số mã lưu ý là C47, HHV, CTD, EVG, HUB, MST, SCI...

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Chúng ta đang chờ đợi chính phủ sửa đổi rất nhiều điều luật để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng… Tôi nghĩ nếu chúng ta hoàn thiện thể chế thì nhóm ngành đầu tư công sẽ là câu chuyện chính không chỉ 1 2 năm mà cả thập kỷ phát triển hạ tầng. Đối với doanh nghiệp đầu tư công trên sàn khá ít, nhà đầu tư có thể tham khảo LCG, VCG, HHV…

Ông Vũ Duy Khánh

Ông Vũ Duy Khánh

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Câu chuyện chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công chúng ta đã được nghe trong nhiều năm và năm nào thì cũng không đạt kế hoạch. Chính vì vậy tôi không đánh giá quá cao kỳ vọng này đối với các doanh nghiệp được cho là hưởng lợi.

Việc các doanh nghiệp này thi thoảng tạo sóng được cho là nặng về yếu tố tâm lý hơn chứ không thực sự thay đổi quá nhiều về bản chất hoạt động của doanh nghiệp trong ngành. Dù vậy, nhóm Xây dựng vẫn được tôi đánh giá khá cao so với nhiều ngành nghề khác gặp khó khăn khi duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Các cổ phiếu như VCG, HHV, HBC.. có thể là lựa chọn nếu nhà đầu tư lựa chọn giải ngân vào nhóm này.

Tổng quan lại thì thị trường đi qua tháng 5 không hề tệ, thậm chí khả quan hơn những năm trước. Đâu là chiến lược phù hợp cho giai đoạn này, theo các ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Sau nhịp điều chỉnh kéo dài xuyên suốt tháng 4, thị trường đã xuất hiện nhịp hồi phục trong những ngày đầu tháng 5. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn còn yếu ớt, khó tạo động lực để thị trường bứt phá. Với luồng tin xấu từ báo cáo kết quả kinh doanh đã qua, cùng với việc thị trường đã điều chỉnh trong thời gian dài và thanh khoản chưa cải thiện, DSC đánh giá VN-Index sẽ có nhịp phục hồi CHẬM trong tháng 5, hướng về mốc 1.080 điểm.

Tuy thị trường điều chỉnh, DSC nhận thấy có một điểm tích cực trong tháng 5 là cấu trúc thị trường đã được cải thiện. Trong hơn 1 tháng, tỷ lệ cổ phiếu vượt mốc cản MA50 tăng mạnh từ 38,9% lên tới 68%. Tỷ lệ cổ phiếu vượt mốc cản trung hạn MA200 cũng tăng đáng kể từ 27,6% lên tới 49,8%. Với tỷ lệ cổ phiếu vượt cản trung hạn tăng, có thể thấy động lượng (momentum) của thị trường đang vận động theo hướng tích cực. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy (1) áp lực bán đã giảm và (2) dòng tiền đang trở lại với thị trường (tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ).

Trong giai đoạn thị trường giao dịch đi ngang như hiện tại, DSC khuyến nghị 2 chiến thuật giao dịch dưới đây.

Giao dịch ngắn hạn cổ phiếu Midcap theo động lượng (momentum):

▪ Giải ngân tại các phiên thị trường điều chỉnh, tham khảo mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.050-1.060.

▪ Giải ngân tại các cổ phiếu small, mid-cap có động lượng tốt. Ưu tiên các cổ phiếu có đường EMA cao dần (EMA 9 > EMA 13 > EMA 50 > EMA 200). Với các cổ phiếu trên, nhà đầu tư ưu tiên giải ngân tại các phiên cổ phiếu giảm về đường hỗ trợ EMA 9.

▪ Tránh mua đuổi trong các phiên thị trường tăng nóng, tham khảo mốc kháng cự 1070 - 1.080.

Đầu tư cổ phiếu Bluechips, nắm giữ trung - dài hạn:

▪ Với những tài khoản lớn, giao dịch ngắn hạn có thể không phải lựa chọn tốt do không thể "đánh nhanh, thắng nhanh" theo các nhịp chạy của thị trường.

▪ Thị trường đi ngang hiện tại là cơ hội tốt để nhà đầu tư giải ngân vào các cổ phiếu tốt, có định giá rẻ để có thể đón nhịp phục hồi trong trung hạn (thời hạn nắm giữ ít nhất > 3 tháng).

▪ Một số mã cổ phiếu bluechips khuyến nghị: STB, ACB, VPB, SSI, VND, VRE.

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Trong kế hoạch năm 2023, tôi đặt niềm tin rằng TTCK sẽ ổn định vùng 1.000 điểm, và giả định rằng thế giới quá xấu cộng với biến số vĩ mô thì VN-Index có thể tụt về 900 điểm. Tuy nhiên quan điểm chung là không kỳ vọng và nhìn thấy rõ rằng kinh tế chung là kém khả quan nên VN-Index khó vượt qua 1.100 điểm.

Nếu thị trường vượt qua đó là kỳ tích, mà kỳ tích thì khó giữ vững lắm. Vì thế cứ cổ phiếu nào tăng 20-30% là chốt lời. Thị trường như kiểu này chúng ta không quá quan ngại rằng sẽ không tìm kiếm được cổ phiếu, thậm chí mua lại chính cổ phiếu cũ đã bán.

Cá nhân tôi nhìn nhận dòng tiền lớn chưa vào, cổ phiếu tràn ngập, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì kém khả quan và nhiều doanh nghiệp nợ không trả được. Như tôi nhắc ở trên, trong kịch bản như hiện nay kéo dài thêm 1-2 quý nữa thì việc giữ được mốc 1.000 điểm là câu hỏi?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Xu hướng thị trường vẫn đang đi ngang trong vùng 1.020-1.100 suốt 4 tháng qua, do đó khả năng xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian ngắn nữa trước khi có thể vượt lên trên kháng cự. Vì thế các nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy cổ phiếu như của để dành, tiết kiệm trong lúc này, đặc biệt với các nhà đầu tư trung hạn trở lên, hạn chế sử dụng margin với các nhà đầu tư lướt sóng.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest

Tôi nghĩ nên tập trung vào cổ phiếu riêng lẻ. Về vĩ mô thì đã ổn định, lãi suất đã hạ, thanh khoản dồi dào, lạm phát thấp, phần lớn nền kinh tế còn khá chậm chạp và yếu ớt.

Trong số đó có một số doanh nghiệp cỡ midcap hoặc small cap bứt lên khá mạnh như nhóm khu công nghiệp có NTC được phê duyệt dự án Nam Tân Uyên mở rộng khiến giá cổ phiếu tăng 27% trong tuần vừa rồi, dầu khí có PVS khi thông qua quy hoạch điện 8 và ký kết được hợp đồng với đối tác Đài Loan khiến giá cổ phiếu tăng 15% trong những phiên gần đây… giai đoạn trước thì có BMP, DHG, SKG… Tôi nghĩ không nên fomo theo hàng thị trường, beta cao mà thay vào đó nên tập trung vào alpha.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ở thời điểm này, khi thị trường ở trạng thái giằng co khó chịu, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở ngưỡng an toàn để đảm bảo quản trị rủi ro, ưu tiên chiến lược lướt sóng mua đỏ - bán xanh, hoặc cơ cấu sang các cổ phiếu cơ bản tốt cho tầm nhìn dài hạn.

Hiệu quả của hoạt động lướt sóng vì vậy vẫn được dựa trên cơ sở chọn đúng ngành, chọn đúng mã và chọn được giá tốt.

Tin bài liên quan