Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Khoanh vùng những nhóm cổ phiếu có khả năng phục hồi

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Khoanh vùng những nhóm cổ phiếu có khả năng phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia chứng khoán sẽ đánh giá những nhóm cổ phiếu có khả năng phục hồi phục nhất sau thời gian thị trường giảm mạnh và dự báo về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán trong giai đoạn này.

Thị trường lại tiếp tục đi qua một tuần giảm điểm mà áp lực chủ yếu đến từ phiên đầu tuần khi chỉ số VN-Index ghi nhận “bay hơi” gần 50 điểm. Với sự tăng tốc của nhóm cổ phiếu bluechip ở phiên cuối tuần đã giúp VN-Index nới rộng biên độ, lên sát mốc 1.225 điểm. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Xu hướng thị trường tuần tới có khả năng sẽ tích cực hơn khi giá chạm vào vùng hỗ trợ trung dài hạn quanh mốc 1180 và hồi lại cùng với thanh khoản cải thiện, tin tức kinh tế tốt và thị trường thế giới cũng phục hồi.

Tuy vậy, nhìn chung xu hướng này tạm thời là phục hồi chứ chưa thể đi lên bền vững được khi dòng tiền dù cải thiện nhưng vẫn yếu, tỷ lệ margin cũng đang ở mức rất cao, khối ngoại năm nay vẫn liên tục bán ròng ảnh hưởng tâm lý thị trường và các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu doanh nghiệp, vàng thu hút các nhà đầu tư, đồng thời kênh gửi tiết kiệm vẫn thu hút được dòng tiền khiến những kênh rủi ro như chứng khoán, bất động sản bị ảnh hưởng.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Những diễn biến tuần qua cho thấy sự mong manh rất dễ phản ứng tiêu cực của thị trường. Điều này tới từ việc tâm lý chung không tốt của nhà đầu tư cũng như dòng tiền ngắn hạn tiếp tục ở mức yếu.

Sự hồi phục cuối tuần trước có thể tạo đà tăng điểm phiên đầu tuần tới, tuy nhiên như tôi lo ngại suốt thời gian qua: các nhịp hồi phục vẫn thường diễn ra nhưng đều chưa tạo được niềm tin và sự thuyết phục. Và về cơ bản, xu thế giằng co theo chiều giảm điểm vẫn chiếm ưu thế đi kèm thanh khoản thấp, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ ở vùng 1.200-1.210 trong khi ngưỡng 1.250 vẫn sẽ là thử thách không dễ vượt qua trong ngắn hạn.

Lưu ý thêm, diễn biến từ TTCK toàn cầu vốn đã bước vào giai đoạn khá bất ổn, biến động mạnh và có thể có tác động nhiều tới diễn biến TTCK trong nước.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Quan điểm kỹ thuật: Với lực mua không quá cao trong phiên 09/08 và tín hiệu điều chỉnh vẫn duy trì nên khả năng VN-Index trở lại kiểm định và giằng co quanh vùng 1.210-1.220 điểm có thể xảy ra. Tuy vậy, được cộng hưởng bởi nhóm vốn hóa lớn, xác suất giai đoạn phục hồi tiếp tục đã cao hơn so với phiên trước. Nếu lực cầu giữ vững quanh 1.210 điểm, vùng 1.245-1.250 điểm là mục tiêu tiếp theo và giai đoạn điều chỉnh sẽ kết thúc.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại ngưỡng kháng cự 1.240 điểm, nếu chỉ số VN-Index vượt được ngưỡng kháng cự này thì xu hướng ngắn hạn có thể sẽ tích cực hơn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích CTCK Agribank (Agriseco)

Về kết quả giao dịch tuần qua, VN-Index tăng điểm 3 trên 5 phiên giao dịch nhưng tổng chung lại vẫn giảm gần 13 điểm so với tuần trước. Phiên đầu tuần giảm gần 50 điểm với thanh khoản đột biến phần nào đại diện cho xu hướng hiện tại của thị trường vẫn đang là giảm giá. Vì vậy chúng tôi cho rằng những nhịp hồi phục với thanh khoản thấp trong tuần chỉ mang tính chất kỹ thuật sau một nhịp giảm sâu.

Dự đoán về diễn biến tuần tới, chúng tôi cho rằng TTCK trong nước sẽ tiếp tục có diễn biến tương đồng với TTCK châu Á khi đang đứng trước vùng giảm Gap Down của phiên ngày 05/08. Với VN-Index, áp lực bán nhiều khả năng sẽ gia tăng trở lại tại vùng kháng cự 1.225 (+-5) để kiểm định lực cầu và tìm vùng cân bằng mới trong tuần tới.

Thị trường dường như đang chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Vậy nếu tham gia thị trường ở giai đoạn này, nhà đầu tư cần lưu ý đến những điểm gì, theo các ông bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Các yếu tố lưu ý:

Giai đoạn này chỉ phù hợp cho các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có tầm nhìn trung dài hạn thì đây là cơ hội tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn kinh tế phục hồi và tăng trưởng;

Nhà đầu tư ngắn hạn gặp nhiều rủi ro do xu hướng thị trường biến động trong ngắn hạn không tích cực;

Không sử dụng margin và nên giảm bớt cổ phiếu nếu tỷ trọng quá cao trong danh mục;

Quan sát dòng tiền trên thị trường, hành động của Fed, ECB; tỷ trọng margin thị trường, mua bán ròng của khối ngoại...

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, yếu tố sức mạnh của dòng tiền trên thị trường sẽ là điều quan trọng nhất. Với dòng tiền yếu hiện tại, rủi ro lướt sóng là rất cao mà hiệu quả thấp.

Tuy nhiên, tôi đánh giá giai đoạn này là cơ hội tốt dành cho nhà đầu tư dài hạn, có thể lựa chọn cổ phiếu tốt để tích lũy cho tầm nhìn dài hạn.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Nếu tham gia thị trường giai đoạn này nhà đầu tư cần chú ý nhiều yếu tố: yếu tố kinh tế chính trị thế giới ảnh hưởng chung (như Fed sẽ hạ lãi suất và sẽ hạ mấy lần, bất ổn ở Trung Đông ảnh hưởng đến giá dầu, năng lượng thế giới, vận chuyển …, bầu cử tổng thống Mỹ…), yếu tố vĩ mô trong nước (như lãi suất, lạm phát, tỷ giá…), yếu tố về triển vọng các ngành , yếu tố dòng tiền…

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Điểm lưu ý hiện nay vẫn là diễn biến của TTCK thế giới, tâm điểm vẫn là diễn biến của TTCK Nhật. Điểm tích cực là đà giảm của chỉ số chứng khoán TOPIX của Nhật đã chững lại đà giảm trong vài phiên gần đây sau phiên giảm mạnh 05/08/2024.

Đồng thời, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt cũng phản ánh rủi ro ngắn hạn đã giảm dần và kỳ vọng làn sóng rút vốn mạnh sẽ sớm chững lại trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, các căng thẳng địa chính trị gần đây cũng gia tăng trở lại, nhưng đây là yếu tố khó dự báo và các nhà đầu tư cần chú ý đến các diễn biến giá vàng và giá dầu để đánh giá về mức độ căng thẳng địa chính trị.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích CTCK Agribank (Agriseco)

Trong bối cảnh mùa công bố BCTC quý II/2024 đã qua đi để lại thị trường trong vùng trống thông tin hỗ trợ, việc có nhiều thông tin về bất ổn địa chính trị, biến động kinh tế thế giới khiến TTCK trong nước bị ảnh hưởng mạnh và diễn biến tương đồng TTCK thế giới.

Chúng tôi cho rằng, có thể sẽ cần thêm thời gian để chứng khoán trong nước dần ổn định trở lại. Ít nhất là khi những dữ liệu kinh tế quốc tế được công bố trong tuần tới chứng minh dự đoán về suy thoái trước đó của thị trường là chưa đủ cơ sở, từ đó ổn định thị trường chứng khoán thế giới và gián tiếp tác động tới tâm lý ngắn hạn của nhà đầu tư trong nước.

Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn có những diễn biến lình xình trước khi có phiên hồi phục khá ấn tượng cuối tuần qua. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán ở giai đoạn này?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Trong khi thị trường diễn biến không tích cực thì hiếm có nhóm cổ phiếu nào đi ngược được, việc cố gắng tìm nhóm đi ngược là rất khó và nhiều rủi ro. Do đó, nhóm chứng khoán hay các nhóm khác cũng như thế, đặc biệt việc hồi phục vài phiên không đồng nghĩa với xu hướng tăng giá trong dài hạn. Với các nhà đầu tư vẫn muốn lướt sóng chỉ nên ưu tiên hàng có sẵn, đầu tư với tỷ trọng nhỏ và không margin.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Diễn biến nhóm Chứng khoán có phần tích cực hơn mặt bằng chung trong một vài phiên gần đây, nhưng chủ yếu mang yếu tố tâm lý nhờ thông tin hỗ trợ (liên quan việc nâng hạng TTCK).

Còn nhìn xa hơn một chút, nhóm này được dự kết quả kinh doanh quý tới sẽ không mấy tích cực do diễn biến thị trường thời gian qua, vì vậy tôi không kỳ vọng có thể tạo sự đột biến, bứt phá.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, mức định giá P/B của nhóm chứng khoán đang ở mức 1.5x cho thấy mức định giá đang hấp dẫn trở lại và mức P/B đã giảm về mức đáy tháng 10/2023.

Đồng thời, việc sớm áp dụng “prefunding” trong tháng 08/2023 cũng là câu chuyện hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này.

Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này tiếp tục giảm dần cho nên chúng tôi đánh giá đây là giai đoạn thích hợp để xem xét tích lũy nhóm cổ phiếu này.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích CTCK Agribank (Agriseco)

Trước khi phục hồi ấn tượng cùng với thị trường trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến kém tích cực khi hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều sụt giảm từ 20-30% từ đỉnh và đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm chung của toàn thị trường. Điều này được lý giải bởi TTCK chung kém tích cực và thanh khoản bình quân kể từ đầu quý 3 đã sụt giảm gần 23% so với quý trước đó.

Với mức giảm điểm tương đối mạnh đó, giá của nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán đã về vùng khá hấp dẫn. Với kỳ vọng thị trường phục hồi sau nhịp điều chỉnh vừa rồi và thanh khoản sẽ dần có sự cải thiện, cổ phiếu ngành chứng khoán có thể được kỳ vọng là nhóm dẫn dắt cho nhịp phục hồi chung của thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có thể thông qua thông tư về “Pre-funding” trong cuối tháng này giúp tạo điều kiện cho TTCK được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) trong kỳ review của FTSE vào tháng 9 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu nhóm chứng khoán giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Có thể thấy, sau cú lún sâu của thị trường, cơ hội có đang mở ra ra với nhà đầu tư? Nếu coi là cơ hội, thì đâu là nhóm cổ phiếu có khả năng phục hồi, theo ông/bà ?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank

Như câu 2-3, hiện nay cơ hội phù hợp với các nhà đầu tư trung dài hạn, không phải các nhà đầu tư ngắn hạn lướt sóng. Những nhóm ngành nghề cần lưu ý là công nghệ, năng lượng (xanh, sạch, năng lượng tái tạo), hàng tiêu dùng, bất động sản, vận tải (đường biển, hàng không, dịch vụ)...

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Như đã nói ở trên, tôi nhìn nhận cơ hội dành cho nhà đầu tư dài hạn, chứ chưa phải cơ hội cho nhà đầu tư ngắn hạn. Trên quan điểm trung và dài hạn, tôi đánh giá khá cao các nhóm ngành Bảo hiểm, Bán lẻ, Dệt may, Thủy sản.. được dự báo sẽ tăng tốc trong 2 quý cuối năm.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, CTCK VietCap

Nhóm cổ phiếu có cơ hội phục hồi : xuất khẩu (một vài ngành xuất khẩu), đầu tư công, chứng khoán, tiêu dùng, bán lẻ, cổ phiếu ngân hàng với kết quả kinh doanh lợi nhuận đạt đỉnh nhưng nợ xấu cũng đạt đỉnh nên cần quan sát thêm (lợi nhuận tổng các ngân hàng niêm yết đạt hơn 60,9 nghìn tỷ đồng, vượt đỉnh quý II/2022 nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,21% gần bằng đỉnh lịch sử trong khi nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng).

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi kỳ vọng và đánh giá tăng trưởng tiếp diễn trong cuối năm, cùng với đó là mức định giá hấp dẫn cụ thể là nhóm Ngân hàng, Công nghệ, Vận tải, Sản xuất thực phẩm, Hóa chất, Bán lẻ, Chứng khoán.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích CTCK Agribank (Agriseco)

Sau nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường, mặt bằng định giá của nhiều nhóm cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn hơn để nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân. Với bức tranh kết quả kinh doanh quý II đang dần hoàn thiện, có thể thấy lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng là tín hiệu tích cực, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và sự phân hóa này có thể tiếp tục trong quý III và nửa cuối năm 2024 khi yếu tố nền thấp của cùng kỳ đã không còn nữa. Do đó, việc lựa chọn và tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ cần phải thực hiện một cách kỹ lưỡng.

Trong các tháng cuối năm 2024, nhà đầu tư có thể quan tâm tới nhóm cổ phiếu có sự phục hồi về kết quả kinh doanh trên mức nền thấp cùng kỳ có thể kể đến như nhóm xuất khẩu (thủy sản, dệt may), nhóm bán lẻ.

Đối với nhóm xuất khẩu, các thị trường có những tín hiệu khả quan như sức cầu và đơn hàng cải thiện sẽ hỗ trợ sự phục hồi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Về nhóm bán lẻ, lợi nhuận đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ từ quý I/2024 và vẫn sẽ duy trì trong nửa cuối năm 2024 với các chính sách kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT hay tăng tiền lương cơ bản.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu có định giá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận như nhóm ngân hàng cũng là lựa chọn phù hợp trong giai đoạn nửa cuối năm 2024. Động lực tăng giá cho cổ phiếu ngân hàng sẽ đến từ nhu cầu tín dụng gia tăng khi nền kinh tế phục hồi.

Tin bài liên quan