Diễn biến thiếu đồng thuận của các Bluechips đã kéo chỉ số VN-Index không bảo toàn được ngưỡng 1.290 điểm ở phiên cuối tuần. Tuy vậy, trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã góp phần giúp thị trường ổn định và không bị giảm quá sâu bất chấp sự ảnh hưởng tiêu cực tới từ nhóm ngành bất động sản. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về chuyển động của thị trường trong tuần giao dịch tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)
Điểm qua kết quả giao dịch tuần 14-18/10, thị trường tuần qua có đến 4 trên 5 phiên chỉ số rung lắc theo 2 chiều. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại mức 1.285 điểm, giảm 3 điểm nhưng thanh khoản tăng nhẹ 4% so với tuần trước.
Về diễn biến, nhóm bất động sản gặp áp lực điều chỉnh đầu tuần do thông tin kém tích cực từ một vài cổ phiếu lan tỏa ảnh hưởng ra toàn ngành. Tuy nhiên, nhóm này đã nhanh chóng hồi phục sau khi có thông tin đính chính đồng thời Trung Quốc công bố chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản nước này vào phiên 17/10.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng vẫn là nhóm thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III/2024 tích cực, đang trở thành nhóm giữ nhịp giúp VN-Index tiến dần lên mốc kháng cự “cứng” 1.300 điểm.
Chúng tôi cho rằng VN-Index đang trong mẫu hình thu hẹp biên độ. Điểm tích cực là các đường xu hướng đang hỗ trợ chỉ số hướng lên, nhưng thanh khoản chưa được cải thiện đáng kể làm dòng tiền lan tỏa yếu giữa các nhóm ngành.
Dự báo diễn biến tuần tới, VN-Index có xu hướng tăng giá và có thể tiến sát mốc 1.300 điểm, nhưng sẽ có thể gặp khó khăn trong việc bứt phá mốc kháng cự kể trên.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Nhóm Ngân hàng đã góp phần khá tốt giúp thị trường ổn định trong tuần qua. Tôi cho rằng đây vẫn sẽ là nhóm quyết định chính đến xu hướng thị trường trong những phiên tới. Nếu xu hướng tăng của nhóm này vẫn duy trì thì cơ hội kéo chỉ số tăng vượt 1.300 là vẫn còn, còn trong trường hợp nếu chịu áp lực bán gia tăng, gây áp lực lên xu hướng của cả nhóm thì sẽ là rủi ro với thị trường.
Với việc nhóm Ngân hàng có nỗ lực tăng giá chưa thành công vào phiên cuối phiên, tôi nghĩ rằng kịch bản thận trọng cũng nên được để mắt tới.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Biên độ dao động của VN-Index có dấu hiệu thu hẹp lại ở vài tuần trở lại đây trong khung 1.275-1.300, đi cùng với sự co lại của thanh khoản. Đây là dấu hiệu cho thấy chỉ số có thể sẽ sớm thoát ra khỏi trạng thái tích lũy ngắn hạn trong thời gian sắp tới khi sự dồn nén đạt tới cao trào.
Trong kịch bản tích cực, mốc 1.300 sẽ bị phá vỡ, nhưng cần có sự đồng thuận của nhiều nhóm ngành (đặc biệt diễn biến tại các nhóm Chứng khoán và Bất động sản sẽ là các tín hiệu đáng chú ý nhất). Nếu không xuất hiện kịch bản tích cực, xu thế giằng co theo chiều đi xuống với hỗ trợ biên dưới ở vùng 1.250-1.260 sẽ sớm quay trở lại.
Ông Dương Hoàng Linh |
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank
Có thể thấy dòng tiền trên thị trường vẫn đang tỏ ra rất thận trọng dù mùa công bố BCTC quý III đang dần bước vào giai đoạn cao điểm, với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong tuần qua đạt khoảng 15.800 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 20% so với giai đoạn cuối tháng 9.
Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND bật tăng trở lại vượt mốc 25.000 đồng sau một thời gian duy trì ổn định, xu hướng thận trọng của dòng tiền dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong tuần tới, với chỉ số VN-Index dự kiến dao động trong biên độ hẹp 1.270 – 1.290 điểm.
Hiện đã có một số DNNY rải rác công bố báo cáo tài chính. Nhóm bán lẻ thiết yếu, chăn nuôi… đang thu hút dòng tiền rất tốt nhờ vào kỳ vọng kết quả tăng trưởng cao trong quý 3, trong khi đó cổ phiếu một số ngành lại đang chịu sức ép điều chỉnh. Sự phân hóa này sẽ diễn ra theo hướng nào trong những phiên tới, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)
Giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp đang lần lượt công bố BCTC quý III với kết quả kinh doanh có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Điều này cũng khiến dòng tiền trên thị trường có sự phân hóa khi tập trung vào các nhóm ngành có thông tin tích cực, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý III như nhóm bán lẻ, chăn nuôi. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm sẽ gặp áp lực điều chỉnh.
Tôi cho rằng, xu hướng trên sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới khi mùa công bố BCTC quý III bước vào giai đoạn cao trào với nhiều doanh nghiệp lớn lần lượt công bố.
Nhóm ngân hàng cũng được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan giúp cổ phiếu nhóm này tiếp tục thu hút dòng tiền và trở thành động lực tăng điểm cho thị trường. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ diễn ra giữa các nhóm ngành, giữa các doanh nghiệp bởi yếu tố nền thấp của cùng kỳ đã không còn là câu chuyện chính và việc lựa chọn cơ hội đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Thị trường hiện tại đang trong vùng đi ngang, kèm sự phân hóa cao giữa các nhóm ngành, diễn biến này có thể vẫn sẽ tiếp diễn nếu chưa có dòng tiền mới tham gia. Các nhóm cổ phiếu đang trong trạng thái tích lũy có kết quả kinh doanh quý III dự kiến tích cực hoặc các cổ phiếu đã công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của dòng tiền, như các nhóm Ngân hàng, Bán lẻ, Cao su, Công nghệ, Năng lượng…
Tôi tin rằng sự phân hóa là điều hiển nhiên và sẽ tiếp diễn trong thời gian tới vì hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng có nhiều khác biệt, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp lớn vẫn sẽ đón nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn so với các công ty vừa và nhỏ; vì thế dòng tiền cũng sẽ hướng nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa lớn hơn mặc dù các chỉ số định giá của nhóm vốn hóa nhỏ hơn đang ở mức thấp.
Và khi thị trường thu hút được dòng tiền mới tham gia với thanh khoản tốt hơn, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ nhận được sự lan tỏa.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên |
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Sự phân hóa này cũng đã được dự báo trước khi thị trường bước vào thời kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên cần lưu ý, diễn biến giá đã có sự vận động từ trước khi công bố kết quả kinh doanh, do vậy cần lưu ý yếu tố “tin ra là bán” với doanh nghiệp có kết quả tốt hay “tin ra là mua” với doanh nghiệp có kết quả không tốt.
Tới thời điểm này đa phần các nhóm ngành đã có sự lộ diện về kết quả kinh doanh (dù đã công bố kết quả hay chưa), do vậy sự phân hóa này sẽ không còn quá rõ nét ở giai đoạn cuối của thời kỳ công bố BCTC.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank
Sự phân hóa về diễn biến cổ phiếu ở các nhóm ngành sau khi kết quả kinh doanh quý III chính thức được công bố dự kiến sẽ xuất hiện và phụ thuộc vào triển vọng trong trung và dài hạn. Với các nhóm ngành công bố số liệu khả quan và vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi như ngành ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu (thủy sản, dệt may), cổ phiếu dự kiến vẫn sẽ tiếp tục quá trình tăng giá.
Trong khi đó, những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng chưa rõ ràng hoặc giá cổ phiếu đã phản ánh triển vọng kết quả kinh doanh từ trước đó có thể bị nhà đầu tư tiến hành chốt lời và đối diện áp lực giảm giá.
Nhiều CTCK đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với con số khá lạc quan khi vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tuy vậy, phản ứng của nhóm chứng khoán lại có phần kém khả quan. Ông/bà đánh giá như thế nào về vùng thị giá của nhóm chứng khoán ở thời điểm hiện tại, cũng như đánh giá cơ hội khi đầu tư vào cổ chứng ở thời điểm này?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)
Hiện đã có nhiều CTCK công bố BCTC quý III/2024 với sự phân hóa trong kết quả kinh doanh. Điều này cũng đã phần nào được giới đầu tư hình dung trước mùa công bố BCTC khi thị trường chứng khoán trong quý III có diễn biến chung là đi ngang trong vùng kênh giá 1.200 – 1.300 điểm với thanh khoản ở mức thấp. Từ đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có sự phân hóa khi những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý III, dư nợ cho vay margin tăng hay có câu chuyện tăng vốn sẽ có diễn biến tích cực hơn.
Tuy vậy, nhóm chứng khoán nhìn chung giai đoạn vừa qua có diễn biến không tích cực hơn thị trường chung bởi mặt bằng định giá đã ở mức khá cao và thị trường chung chưa có sự khởi sắc về điểm số và thanh khoản.
Tôi cho rằng cơ hội khi đầu tư cổ phiếu chứng khoán sẽ chỉ thực sự rõ ràng nếu thị trường có sự bứt phá về điểm số ra khỏi vùng 1.300 điểm và thanh khoản có sự cải thiện đáng kể. Nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có tăng trưởng về dư nợ cho vay margin hoặc có câu chuyện tăng vốn trong giai đoạn tới.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo chúng tôi, bức tranh lợi nhuận của nhóm ngành chứng khoán trong nửa cuối năm sẽ có những sự phân hóa khá mạnh. Thực tế trong quý III, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam không thực sự thuận lợi khi VN-Index nhìn chung biến động trong biên độ hẹp. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mảng tự doanh của các công ty chứng khoán. Thậm chí, đã có một số công ty chứng khoán nhỏ báo lỗ do kết quả của hoạt động tự doanh.
Trong khi đó, thanh khoản thị trường trong quý III lại đang suy giảm đáng kể, nên mảng môi giới và cho vay margin cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cuộc đua tăng vốn ồ ạt của các công ty chứng khoán được xem là động lực dài hạn cho ngành chứng khoán khi thị trường được nâng hạng.
Nhưng trong ngắn hạn, mảng cho vay margin sẽ có sự cạnh tranh gay gắt khi mà thanh khoản thị trường chưa có sự cải thiện đáng kể. Theo PHS, định giá của nhóm chứng khoán hiện đang không còn quá hấp dẫn. Tuy nhiên, trong trường hợp VN-Index vượt thành công ngưỡng 1.300 và bước vào nhịp tăng mới, nhóm chứng khoán vẫn là lựa chọn tốt để nhà đầu tư giải ngân.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Kém khả quan vì thực tế giai đoạn vừa qua, các nhóm cổ phiếu mang tính thị trường như Chứng khoán, Bất động sản.. có diễn biến chung là không mấy tích cực.
Tôi đánh giá các doanh nghiệp ngành Chứng khoán có sự phân hoá rõ nét nhất về kết quả kinh doanh, trong khi các công ty đầu ngành như SSI, HCM, VCI được dự báo duy trì kết quả tăng trưởng tốt thì ngược lại nhóm vừa và nhỏ lại có kết quả kinh doanh suy giảm. Vì vậy, tôi đánh giá cơ hội đầu tư vào nhóm Chứng khoán, đặc biệt tại các mã đầu ngành vẫn còn dư địa, và nhà đầu tư nếu quan tâm đến ngành này thì có thể cân nhắc cơ cấu danh mục vào nhóm đầu ngành.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank
Ông Lâm Gia Khang |
Hiện tại mức định giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang tương đương với mức trung bình giai đoạn 2020 – 2023. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa nhóm cổ phiếu này là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi thanh khoản thị trường đang ghi nhận sụt giảm mạnh kể từ đầu tháng 10 dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận trong mảng môi giới và cho vay margin của các công ty chứng khoán. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu này cũng sẽ đối diện với nền so sánh khá cao của quý IV/2023 – thời điểm toàn thị trường chính thức tạo đáy dài hạn.
Về bức tranh vĩ mô, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm gây bất ngờ khi đạt mức 6,82% và thị trường cũng có những kỳ vọng cao hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong quý cuối năm và cả năm 2024. Điều này có tạo thêm động lực cho nhà đầu tư “tự tin ôm hàng” giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)
Tại báo cáo gần nhất của các tổ chức kinh tế lớn, Việt Nam đều được nâng mức dự báo tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2024-2025. Chính phủ cũng đã nâng mức mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 lên mức 6,5-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra vào cuối năm ngoái ở mức 6-6,5%. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế Việt Nam đang tích cực hơn so với những kỳ vọng được đặt ra trước đó bởi thị trường.
Trong bối cảnh xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng đang diễn ra tại các ngân hàng trung ương, thị trường tài chính lớn khác, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có cơ sở để tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu tốt, tăng trưởng ổn định.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo tôi, có nhiều yếu tố tích cực trong giai đoạn gần đây để giúp tâm lý nhà đầu tư tốt hơn, bao gồm cả yếu tố bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế. Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)… đều đang trong xu hướng tăng thậm chí thiết lập các cột mốc kỷ lục nhờ triển vọng kinh tế “hạ cánh mềm” và xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu.
Trong nước, bất chấp cơn bão mạnh nhất lịch sử, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận các số lịch tích cực vượt mọi kỳ vọng, qua đó, tạo cơ sở cho thị trường chứng khoán có thể đạt các mốc cao hơn. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng và lại thêm một tuần nữa lỡ hẹn với cột mốc 1.300 điểm và khiến cho các nhà đầu tư thất vọng hay chán nản.
Nhưng tôi thấy rằng, dòng tiền có sự luân chuyển dần từ nhóm ngân hàng lớn sang các nhóm ngân hàng vừa và nhỏ hơn và cả các ngành khác như bất động sản hay dịch vụ công nghiệp, tiêu dùng… Và với kỳ vọng về một mùa báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, tôi cho rằng các nhà đầu tư có cơ sở để “tự tin ôm hàng” trong giai đoạn hiện tại.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Diễn biến thị trường chứng khoán không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào yếu tố kinh tế vĩ mô mà còn nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, bức tranh vĩ mô tươi sáng sẽ là động lực rất lớn để hỗ trợ thị trường chứng khoán cũng như là chỗ dựa cho nhà đầu tư, đặc biệt cho tầm nhìn trung – dài hạn.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank
Số liệu công bố GDP khả quan hơn dự kiến là thông tin tích cực, nhưng cần lưu ý mức tăng trưởng này có đóng góp khá lớn từ khối các doanh nghiệp (khoảng 75%). Do vậy, việc “ôm cổ phiếu” hiện nay của nhà đầu tư cần được đánh giá dựa trên triển vọng lợi nhuận của ngành và chính doanh nghiệp đang nắm giữ.
Trong bối cảnh thị trường tiếp tục có những lưỡng lự giữa bên mua và cả bên bán, nhà đầu tư nên chọn chiến lược giao dịch như thế nào cho phù hợp, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank (Agriseco)
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Với việc thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng giá trung và dài hạn, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu có sẵn. Để mở vị thế mua mới, nhà đầu tư nên ưu tiên chờ thị trường phản ứng với mốc 1.300 điểm và xác nhận xu hướng sau khi hoàn thành mẫu hình thu hẹp biên độ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Tôi cho rằng thị trường đang trong vùng nhạy cảm, nếu break 1.300 thành công thì có thể mở nhịp tăng mới, nhưng ngược lại thì có thể chịu áp lực một nhịp giảm khá. Do đó, chiến lược chung chỉ nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình và theo dõi kỹ diễn biến cung cầu tại đây, thực hiện gia tăng hoặc giảm tỷ trọng một cách phù hợp khi thấy tín hiệu rõ ràng về sự thắng thế của một bên.
Tuy nhiên, với những triển vọng về kinh tế Việt Nam, các nhà đầu tư dài hạn hoàn toàn có thể tự tin gia tăng tỷ trọng khi thị trường có nhịp điều chỉnh.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Thực tế trạng thái giằng co kéo dài trong thời gian qua khiến hoạt động lướt sóng không hiệu quả. Nhà đầu tư ngắn hạn nên đợi kịch bản tích cực tôi đã nói ở trên để có thể tham gia với cường độ mạnh hơn, còn hiện tại nên duy trì tỷ trọng an toàn để giảm thiểu rủi ro.
Ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank
Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50% cổ phiếu và tuyệt đối không sử dụng margin khi thị trường vẫn đang duy trì diễn biến đi ngang trong vùng 1.265 – 1.295 điểm từ giữa tháng 8 đến nay.
Trong khi đó, nhà đầu tư trung dài hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để tiến hành mua vào các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng vào quý IV/2024 và năm 2024 như ngành ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu (dệt may, thủy sản).