Thị trường đã duy trì được 4 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần qua, giúp tâm lý nhà đầu tư dần tích cực hơn. Chỉ số VN-Index vượt qua cản 1.460 điểm và hiện đang tiến gần tới vùng 1.470 điểm, nhưng đây lại được coi là ngưỡng kháng cự mạnh và có thể xảy ra rung lắc. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDIRECT
Các yếu tố tiêu cực tác động đến thị trường như căng thẳng Nga – Ukraina, hay FED tăng lãi suất báo hiệu cho một chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ nhạt dần trong tuần tới. Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung đã được cải thiện phần nào trong 2 phiên gần đây. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang “chần chừ” trong việc tham gia thị trường thể hiện qua chỉ số VN-Index tăng 4 phiên liên tiếp song thanh khoản trung bình ở mức khá thấp. Tôi cho rằng điều này là do 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, thị trường đang bắt đầu cảm nhận được sức nóng của lạm phát khi hàng hóa dịch vụ đã bắt đầu tăng giá.
Thứ hai, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi những thông tin từ mùa Đại hội cổ đông 2022 bao gồm kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn, M&A… qua đó nhận diện ra những cơ hội đầu tư tiềm năng hơn.
Vì vậy, thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái dao động trong biên độ hẹp khoảng 10 - 15 điểm, với nhiều phiên tăng giảm đan xen trong 1 - 2 tuần tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đã có mức phục hồi khá tốt sau khi rơi sâu về 1.440 vào đầu tuần. Dù sự thận trọng vẫn còn nhưng tâm lý chung của thị trường đã có sự ổn định hơn và dòng tiền cũng đã bắt đầu tìm đến những dòng cổ phiếu mới có thể tạo sóng ngắn hạn.
Các yếu tố tác động trên thị trường quốc tế vẫn còn khó lường trong khi những lo ngại về tình hình kinh tế trong nước cũng đang gia tăng dần là những vấn đề còn tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chung trong thời gian tới.
Gần đến cuối kỳ của mùa kinh doanh quý I, vì vậy sẽ có nhiều thông tin kết quả kinh doanh sớm và cả mùa đại hội cổ đông các doanh nghiệp có thể tạo các nhịp sóng ngắn hạn. Thị trường có thể còn dao động quanh ngưỡng hiện tại nhưng tâm lý có thể ổn định dần và các nhịp điều chỉnh đã có thể thuận lợi cho nhà đầu tư lướt sóng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong tuần giao dịch tới và nếu chỉ số VN-Index có thể vượt được mức 1.485 điểm thì xu hướng ngắn hạn có thể xác nhận tăng và dòng tiền có thể cũng sẽ cải thiện hơn.
Tuần qua, dòng tiền vẫn luân chuyển trong nhóm đang là “trend” như năng lượng, nguyên vật liệu, hàng hóa thiết yếu. Tuy vậy, với nhóm ngành thép và vật liệu xây dựng, dường như rủi ro điều chỉnh đang gia tăng khi Chính phủ nhiều khả năng tiến hành các biện pháp bình ổn giá nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, động lực giúp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022. Đâu là quan điểm của ông/bà về nhóm ngành này?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDIRECT
Nhìn rộng hơn một chút, giá thép thế giới đã qua đỉnh chu kỳ và có xu hướng giảm nhiệt trong giai 2022 - 2023, do đó các đợt tăng giá sẽ diễn ra khá ngắn hạn.
Ở chu kỳ lên của ngành, việc lựa chọn đầu tư khá dễ dàng vì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều được hưởng lợi. Ở chu kỳ xuống, nhà đầu tư cần cẩn trọng việc lựa chọn doanh nghiệp, cũng như thời điểm giải ngân.
Các doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng mở rộng công suất, và quản trị chi phí sẽ là những sự lựa chọn đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chờ đợi mức định giá hấp dẫn hơn khi tích lũy cổ phiếu ngành thép.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Việc chính phủ bình ổn giá nhằm ổn định thị trường và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một tín hiệu tốt cho thị trường nguyên vật liệu hàng hóa và tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trên sàn thường là những doanh nghiệp lớn có nhiều lợi thế trong ngành vì vậy việc về lâu dài không bị ảnh hưởng bởi việc ổn định giá của chính phủ.
Thông tin bên lề thị trường trong những phiên vừa qua đã có những tác động tâm lý tiêu cực, tuy nhiên việc này chỉ ảnh hưởng vài phiên vì kết quả hoạt động nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ vẫn duy trì tăng trưởng khả quan trong mùa báo cáo tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Minh |
Tôi cho rằng nhóm thép và các vật liệu xây dựng khác đã có tuần giảm điểm do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc chi phí sản xuất gia tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của nhóm này.
Đối với nhóm Thép và vật liệu xây dựng khác, dòng tiền đã có xu hướng cải thiện ở nhóm này trong thời gian qua, nhưng tôi cho rằng nhóm Thép mới chỉ ở giai đoạn tích lũy cho thấy xu hướng tăng sẽ chưa rõ ràng. Động lực tăng trưởng chính của các nhóm cổ phiếu này là việc đẩy mạnh đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng không chỉ tác động trực tiếp mà còn gián tiếp vào tăng trưởng của nhóm này trong giai đoạn tới, nhưng chi phí sản xuất tăng mạnh do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu và yếu tố sản xuất đầu vào có thể ảnh hưởng tiêu cực lên biên lợi nhuận gộp của nhóm này, điểm tích cực là tăng trưởng doanh thu sẽ là phần bù cho chi phí gia tăng này.
Tôi cho rằng, dòng tiền có cải thiện ở nhóm Thép và vật liệu xây dựng, nhưng các nhóm này vẫn chưa thoát khỏi pha tích lũy, điều này cho thấy xu hướng ngắn và trung hạn sẽ chưa rõ ràng cho nên tôi cho rằng các nhà đầu tư chỉ nên xem xét nắm giữ ở tỷ trọng thấp và ưu tiên nắm giữ cho nhóm vật liệu xây dựng khác.
Cũng liên quan đến chuyển động dòng tiền, dường như nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn dành được mối quan tâm lớn của thị trường, dù nhiều cổ phiếu vẫn đang cách xa so với vùng đỉnh nhưng nhiều nhà đầu tư đang mong muốn tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu của những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt, đặc biệt các doanh nghiệp có các dự án lớn sẽ được bàn giao trong năm 2022. Trong ngắn hạn, ông/bà nhìn nhận có nhiều cơ hội đối với nhóm ngành bất động sản không?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDIRECT
Năm 2022 các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và các dự án hạ tầng được đẩy mạnh triển khai đều hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tâm lý “mua nhà, mua đất để tránh lạm phát” của người dân cũng sẽ thúc đẩy giao dịch sôi động hơn.
Nhìn chung năm nay, doanh nghiệp bất động sản phần lớn đều được hưởng lợi từ giá bán tăng và khối lượng giao dịch tăng. Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu bất động sản đã có đà tăng giá mạnh mẽ từ giữa năm 2021, và định giá hiện tại của các công ty bất động sản đều không rẻ nữa. Thậm chí một số cổ phiếu bất động sản tăng nóng, đẩy định giá lên khá cao so với giá trị thực. Do đó lựa chọn cổ phiếu bất động sản để đầu tư không còn dễ dàng nữa.
Tuy nhiên tôi cho rằng, cơ hội tích lũy vẫn còn đối với những doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất sạch, có pháp lý rõ ràng, cũng như năng lực triển khai dự án đã được kiểm chứng.
Bà Trần Khánh Hiền |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Cổ phiếu bất động sản vẫn có sự hấp dẫn nhất định nhờ số doanh nghiệp hiện diện đông đảo trên sàn và có nhiều sóng để nhà đầu tư tham gia. Năm nay các doanh nghiệp lớn vẫn có nhiều dự án hấp dẫn chuẩn bị chào bán và chưa kể một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang mở rộng hoạt động thu đầu tư FDI cũng thu hút sự quan tâm nhà đầu tư.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cả dân dụng lẫn khu công nghiệp sắp tới vẫn sẽ có những đợt sóng ngắn, tuy nhiên việc lựa chọn cổ phiếu cũng cần cẩn trọng vì số lượng đông đảo các doanh nghiệp trên sàn và chất lượng doanh nghiệp cũng có sự cách biệt rất lớn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng rủi ro ngắn hạn của nhóm bất động sản đang có chiều hướng giảm cho thấy nhóm này sẽ khó có thể giảm thêm trong tuần tới.
Tuy nhiên, nhóm này chưa thể bước vào giai đoạn tăng trưởng kéo dài, vì vậy, theo tôi, các nhà đầu tư chỉ nên xem xét mua/bán ngắn hạn với tỷ trọng thấp, việc đầu tư chiến lược nắm giữ trung và dài hạn nên ưu tiên cho các cổ phiếu có quy mô quỹ đất lớn, nền tảng tài chính mạnh và định giá thấp.
Thực tế, ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn đang “xa bờ” nên vẫn còn phân vân trong việc cắt lỗ để tái cơ cấu lại danh mục, hay quyết tâm nắm giữ để chờ ngày “về bờ”. Nhiều khuyến nghị cho rằng, ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng ở những nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi bất ổn hoặc ảnh hưởng ngược lại như những tuần gần đây để giúp danh mục ổn định hơn. Còn đâu là chiến lược của ông/bà?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDIRECT
Như tôi có đề cập ở trên, thời điểm này nhà đầu tư cần chú ý hơn đến thông tin từ mùa Đại hội cổ đông 2022 bao gồm kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn, câu chuyện M&A… để có thể “đãi cát tìm vàng” , nhận diện ra cơ hội đầu tư tiềm năng và vượt trội so với ngành.
Chẳng hạn như năm 2022 được dự báo là một năm tương đối khó khăn đối với nhóm ngành ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu tăng và biên lãi ròng (NIM) có xu hướng giảm do chi phí vốn tăng. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trên 30%, đây cũng là điều đáng chú ý.
Hoặc một doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 100%, cao hơn nhiều so với trung bình ngành, do doanh nghiệp này được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá thấp, cũng là một cơ hội đầu tư tiềm năng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường gần như đi ngang trong 3 tháng vừa qua, vì vậy việc kiếm lợi nhuận rõ ràng sẽ không dễ dàng như giai đoạn trước. Chưa kể nhà đầu tư có thể còn bị kẹt hàng khi nắm giữ nhóm cổ phiếu tăng nóng bất động sản.
Với thị trường vẫn trong xu hướng đi ngang và chưa ổn định như hiện tại thì nhà đầu tư nên phân tán danh mục rủi ro và hướng trọng tâm vào nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, hàng hóa cơ bản hưởng lợi trong ngắn hạn và một phần danh mục vào nhóm cổ phiếu phòng thủ.
Hiện tại, thị trường sẽ có các nhịp sóng ngắn liên tục vì vậy nhà đầu tư có thể tận dụng kỹ năng lướt sóng ngắn hạn để đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu vẫn nên chú ý đến cần có các yếu tố về tăng trưởng và định giá thấp. Theo quan sát và đánh giá, các bất ổn ngắn hạn đang có chiều hướng giảm dần, hay nói cách khác tính rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng giảm. Vì vậy, nếu dành tỷ trọng nắm giữ quá nhiều vào nhóm phòng thủ thì rất có thể sẽ khiến danh mục đầu tư tăng trưởng kém hơn so với thị trường chung.
Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét nắm giữ tỷ trọng 50 - 50, tức là 50% phòng thủ và 50% các cổ phiếu có Beta cao (các cổ phiếu biến động mạnh theo thị trường chung). Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn này.