Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng vào sóng mới, sẽ vượt đỉnh cũ?

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cổ phiếu ngân hàng vào sóng mới, sẽ vượt đỉnh cũ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 3 tuần điều chỉnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bật trở lại, dẫn dắt đà hồi phục mạnh của thị trường tuần qua. Liệu đà tăng lần này của dòng bank có vững? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán.

Thị trường có tuần giao dịch tích cực, nhất là phiên cuối tuần tăng khá thuyết phục cả về điểm số lẫn thanh khoản, giúp lần đầu VN-Index vượt lên đường MA20 sau gần 3 tuần. Nhịp hồi phục tuần qua đã đủ chỉ báo cho xu hướng tăng cho thị trường trong ngắn hạn, hay chỉ mang tính hồi phục về mặt kỹ thuật, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MBS

Chỉ số VN-Index khép lại tháng 7 bằng tuần tăng điểm mạnh mẽ, cắt đứt chuỗi giảm 3 tuần liền mạch trước đó. Tuy vậy, chỉ số này vẫn ghi nhận mức sụt giảm 7% trong tháng 7 sau chuỗi tăng liên tiếp 5 phiên vào cuối tháng. Về kỹ thuật, đây vẫn là nhịp hồi kỹ thuật bình thường với hoạt động bắt đáy ở quy mô nhỏ.

Thị trường đã tăng trọn tuần vừa qua với mức dao động nhỏ trên nền thanh khoản đang dần được cải thiện về cuối tuần là các tín hiệu rất tích cực. Trong kịch bản khả quan khi thanh khoản tiếp tục được duy trì cao (khoảng 18 -20 nghìn tỷ/phiên) ở các phiên kế tiếp, nhịp phục hồi có khả năng tiếp tục được mở rộng qua ngưỡng MA50. Hiện các mô hình kỹ thuật (theo thời gian ngày) đang có sự đồng thuận về triển vọng đi lên của thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Theo các chỉ báo phân tích kỹ thuật, cú tăng tốc của VN-Index vào phiên cuối tuần đã giúp chỉ số vượt khỏi vùng giá nền hỗ trợ tạo xu hướng tăng trưởng ngắn hạn.

Thanh khoản gia tăng mạnh ở phiên cuối tuần cho thấy hai mặt của dòng tiền mà một bên đã mạnh dạn nhập cuộc mua mạnh để gia tăng tích lũy cổ phiếu và mặt khác thì nhà đầu tư đã tận dụng nhịp hồi của thị trường để cơ cấu danh mục. Sẽ có nhiều nhà đầu tư mạnh dạn cắt lỗ ở đợt sóng trước để cơ cấu vào những nhóm cổ phiếu tăng trưởng mới.

Nếu nhìn tình hình dịch bệnh, yếu tố nội tại doanh nghiệp và thị trường sẽ thấy rằng hiện tại đang có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường tiếp tục xu hướng lạc quan trong tuần tới. Tuy nhiên cũng nhớ rằng khi chỉ số VN-Index đã vượt trên 1.300 sẽ trở nên nhạy cảm hơn và sẽ còn nhiều nhịp rung lắc mạnh trong tuần tới.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Khi thị trường giảm mạnh tôi từng dự kiến sẽ có nhịp hồi phục này nhưng chỉ khác nhau 1 chút về điểm số. Về góc nhìn tôi, lúc này thực khó tạo ra một nhịp tăng mới như những tháng trước.

Có lẽ nhiều người nhìn nhận đợt dịch thứ 4 này đơn giản nhưng cá nhân tôi cho rằng nó khác biệt lớn với 3 lần trước. Sự ảnh hưởng và tác động đến doanh nghiệp là không hề nhỏ, tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý tới sẽ thể hiện rõ và có thể còn kéo sang quý IV.

Hơn nữa dòng tiền lúc này cũng không còn mạnh mẽ khi có khá nhiều người lo ngại rủi ro này và rút tiền tạm thời khỏi thị trường. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng sẽ khó tạo ra cú bứt phá hơn nữa mà sự phân hóa sẽ lớn dần.

Nhà đầu tư đang có niềm tin vào nhóm bất động sản nhưng cá nhân tôi điểm qua một số kết quả kinh doanh của nhóm này cho thấy nhiều vấn đề. Với giá bất động sản tăng mạnh thời gian qua cùng với dịch bệnh như hiện tại thì việc có kết quả kinh doanh tốt 6 tháng cuối năm là dấu hỏi. Nhiều doanh nghiệp bất động sản vay nợ lớn và chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới chi phí.

Nhìn chung, tôi lo ngại đợt dịch này hơn hẳn 3 lần trước bởi tác động của biến thể Delta. Vì thế nếu đúng như góc nhìn này thì thị trường sẽ còn phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Các nhịp hồi phục vừa qua vẫn chưa thể xác nhận xu hướng tăng trở lại của thị trường. Điểm tích cực là thanh khoản đã cải thiện hơn và dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, tức là sự phân hóa không còn diễn ra. Do đó, tôi đánh giá triển vọng thị trường có dấu hiệu tích cực hơn và xu hướng thị trường đang dần thoát khỏi giai đoạn giảm và bước vào giai đoạn tích lũy.

Theo thống kê của quỹ Passion Investment, trong quá trình tăng trưởng của TTCK, các nhịp điều chỉnh là không thể tránh khỏi và nhịp điều chỉnh bình quân thường là 17% cho 1 nhịp, thời gian bình quân là 6 tháng (như thị trường Mỹ là 14% kể từ vùng đỉnh). Với Việt Nam, từ tháng 3/2020 đến nay có 4 nhịp điều chỉnh, gồm tháng 6 - 7/2020, 1/2021 và 7/2021, khá tương đồng với các con số trong quá khứ. Trong tháng 7/2021, thị trường giảm 13% từ vùng đỉnh và đã bật trở lại, liệu thị trường đã tạo đáy hay chưa và nhận định của ông/bà như thế nào về xu hướng thị trường trong tháng 8/2021?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MBS

Trong ngắn hạn, thị trường đang dõi theo diễn biến từ làn sóng càn quét của biến thể Delta, do vậy đây sẽ là chỉ báo cho thị trường hiện tại. Nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng rằng “đỉnh dịch cũng là đáy chứng khoán” khi thị trường đã có tuần tăng đầu tiên sau nhịp giảm 3 tuần trước đó. Tuy vậy, đâu là đỉnh dịch thì lại là vấn đề quá khó khi không có chuyên môn về dịch tễ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhịp điều chỉnh của chỉ số VN-Index đợt vừa qua khá tương đồng với dữ liệu lịch sử trong 1 năm qua với chu kỳ mỗi 6 tháng và mỗi nhịp điều chỉnh khoảng 15% tương ứng khoảng 200 điểm.

Đến nay đã có hơn 1/2 số doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn công bố kết quả bán niên, trong đó hơn 60% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ so với 32% số còn lại sụt giảm lợi nhuận. Với mức lợi nhuận tổng kết của gần 800 doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 60% so với 6 tháng 2020 cho thấy một bức tranh vẫn khá lạc quan.

Sau khi đã điều chỉnh về gần 1.200 điểm có thể xem đây là vùng đáy ngắn hạn của thị trường. Thị trường trong tháng 8 sẽ còn nhiều nhịp hồi mạnh trên mốc 1.300 điểm, tuy nhiên ở vùng giá này không phải là quá rẻ đối với nhiều cổ phiếu.

Sau khi kết quả bán niên kết thúc thị trường sẽ có nhiều đợt phân phối lại và dòng tiền sẽ chảy mạnh vào những nhóm doanh nghiệp có kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng mạnh 6 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Tôi từ lâu không quá quan tâm đến điểm số, thay vào đó tôi quan tâm nhiều hơn đến từng doanh nghiệp cụ thể và xu hướng trong tương lai. Tuy nhiên, cũng theo thống kê mà tôi từng làm thì thị trường sau khi tạo đỉnh ngày 2/7 và điều chỉnh, thì mức điều chỉnh sẽ khoảng 17% tức là giảm về khoảng 1.200 điểm trước khi bật tăng trở lại.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Nhiều người nhìn vào 3 đợt dịch trước và cho rằng thị trường đã điều chỉnh xong, nhưng cá nhân tôi cho rằng sẽ thật khó để tạo ra bước tăng mới lúc này. Tôi cho rằng, thị trường có khả năng sẽ giao dịch theo kiểu sideway down, giằng co theo hướng đi xuống và chạm đáy vào khoảng tháng 11.

Có nhiều yếu tố tôi liệt kê ra và cho rằng, nó sẽ tác động không tích cực đến TTCK giai đoạn từ nay đến đó. Có thể tôi sai, bởi có khi nhiều nhà đầu tư phải ở nhà sẽ thúc đẩy tiền chảy trở lại với TTCK giống như TTCK Mỹ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường đang vào giai đoạn tích lũy và tạo lập vùng đáy ngắn hạn trong vùng 1.210 - 1.260 điểm. Đồng thời, mức định giá của thị trường hiện tại là đang rất hấp dẫn do kết quả kinh doanh quý II/2021 của nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn đang có dấu hiệu gia tăng dần ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy dòng tiền ngắn hạn đang dần quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index cần vượt được vùng 1.315 - 1.320 điểm thì xu hướng ngắn hạn mới xác nhận tăng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau một vài tuần điều chỉnh, có nhiều cổ phiếu ghi nhận giảm 10 - 15% so với vùng đỉnh, đã hồi phục trở lại trong tuần qua, dẫn dắt thị trường hồi phục trở lại. Diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là mối quan tâm rất lớn từ phía thị trường. Ông/bà có góc nhìn như thế nào đối với nhóm cổ phiếu này ở giai đoạn hiện tại?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MBS

Về cơ bản, thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục về mặt kỹ thuật, do vậy dòng tiền đầu cơ tìm đến các cổ phiếu đã giảm sâu hoặc có dấu hiệu tạo đáy, đặc biệt là các cổ phiếu mang tính dẫn dắt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Câu chuyện cơ bản gắn với nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được kể trong suốt 15 tháng qua và cần được làm mới, các ngân hàng có quy mô nhỏ và thị giá trên sàn thấp hoặc có “câu chuyện” sẽ có lợi thế ở thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành mang tính dẫn dắt và ảnh hưởng mạnh nhất thị trường, vì độ lớn của ngành và mức độ giao dịch của nhóm cổ phiếu của ngành này mỗi ngày chiếm đến trên 30% tổng giá trị giao dịch thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Hiện nay, so với đầu năm, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng trung bình 30% trong khi lợi nhuận 6 tháng lại tăng trưởng trên 62%. Điều này cho thấy, định giá nhiều ngân hàng vẫn còn hấp dẫn dựa trên kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi nhiều ngân hàng hoàn thành việc tăng vốn thì mức định giá sẽ không còn quá hấp dẫn. Một số ngân hàng trong giai đoạn vừa qua đang tăng tốc rất nhanh trong việc xây dựng hệ thống nền tảng số hóa bên cạnh mở rộng các kênh đầu tư bán lẻ sâu rộng tạo nên sức mạnh cạnh tranh mới trên thị trường. Những ngân hàng này sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh hơn sau quá trình tăng vốn, bên cạnh việc quản trị rủi ro hiệu quả.

Hiện nay, mức định giá P/bv (giá trên giá trị sổ sách) trên 2, vì vậy cổ phiếu ngân hàng không còn quá rẻ, mà đà tăng sẽ chậm lại trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa mạnh hơn, nhưng sẽ khó tạo ra làn sóng tăng như đầu năm. Có thể nhiều người tin vào kết quả tích cực của ngành ngân hàng và sẽ mua mạnh khi giá xuống mức thấp hơn, nhưng sẽ chặn lại khi giá tăng cao. Vì thế, nhóm này sẽ dao động trong một biên độ 10-15% thay vì sẽ tiếp tục phá đỉnh đi lên vùng cao hơn nữa trong nửa cuối năm.

Nếu đầu tư vào ngân hàng thì nên có cái nhìn dài hạn, ít nhất là 2025, thậm chí 2030 mới có lãi cao.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu chủ lực tác động đến xu hướng của thị trường trong giai đoạn tới. Việc giảm lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng tôi cho rằng, việc các ngân hàng được tăng mức trần tín dụng cũng là cơ sở bù đắp từ tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất vì hiện nay các ngân hàng chưa thể mở rộng hoạt động tín dụng của mình do đã hết room tín dụng.

Cơ bản tôi cho rằng, nhóm ngân hàng sẽ duy trì được tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm 2021, nhưng mức tăng trưởng đột biến có thể sẽ không còn diễn ra như 6 tháng đầu năm 2021. Do đó, sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa trong giai đoạn tới.

Rủi ro lớn nhất hiện nay với thị trường vẫn là tình hình kiểm soát bệnh dịch. Dù vậy, sự vận động tích cực của chỉ số VN-Index trong tuần qua đã làm vơi đi phần nào tâm trạng lo lắng của nhà đầu tư trong nước. Dù đánh giá lạc quan về mặt dài hạn, nhưng nhiều chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên nhà đầu tư vẫn nên thận trọng khi ra quyết định giải ngân trong giai đoạn này. Còn theo các ông/bà, đâu là chiến lược phù hợp?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MBS

Nhìn chung, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại, về kỹ thuật thị trường vẫn đang trong nhịp hồi kỹ thuật trong khi các thông tin cơ bản gắn với kết quả kinh doanh quý II đã được thị trường phản ảnh.

Nhà đầu tư có thể duy trì một tỷ trọng thấp cổ phiếu ở giai đoạn này, không nên mua đuổi trong các phiên tăng mạnh, hạn chế dùng margin và cổ phiếu vào sai nhịp hoặc về tài khoản không triển vọng cần thoát sớm.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã phục hồi gần 50% so với nhịp điều chỉnh từ 1.420 về 1.200 đợt vừa qua. Đợt tăng điểm tuần qua giúp nhiều tài khoản nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và đưa về trạng thái an toàn.

Tình hình dịch bệnh khá nhạy cảm, nhưng theo thống kê trong vài ngày qua cho thấy tình hình dịch đang được kiểm soát dần và đã đạt đỉnh. Chỉ cần thời gian sắp đến có thể kiểm soát dưới 3.000 ca nhiễm mỗi ngày thì hệ thống y tế sẽ không quá tải và sau 2 - 3 tháng có thể tạo miễn dịch cộng đồng thông qua vaccin.

Chỉ cần hoạt động kinh tế được khôi phục dần và dịch bệnh kiểm soát theo đúng kế hoạch thì thị trường sẽ có nhiều cơ hội. Thậm chí, thị trường sẽ còn đi nhanh hơn mức định giá bình thường nhờ sự kỳ vọng tương lai của nhà đầu tư, điều này tương tự như ở nhiều thị trường quốc tế khác.

Thị trường sẽ còn nhiều đợt rung lắc nhưng về trung hạn vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan vì vậy nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy dần cổ phiếu tiềm năng. Các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp là những nhóm ngành ưu tiên nhất hiện tại.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Như đã nói ở trên, tôi quan tâm đến xu hướng và từng doanh nghiệp. Cá nhân tôi thường đi tìm những ý tưởng sau đó sẽ xem xét lại ý tưởng này để đầu tư trước khi mọi người nhận ra nó. Khi cả thị trường nhận ra có nghĩa là dòng tiền đã hội tụ ở mức cao nhất và có thể đó là đỉnh của giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xét vào từng doanh nghiệp thì có thể đó chỉ là khởi đầu cho một nhịp tăng trưởng dài hạn. Những cổ phiếu như DGW, DHC... có thể là bài học rất đáng quan tâm và nó sẽ mang đến cho nhà đầu tư khoản lời lớn.

Còn rủi ro, cá nhân tôi cho rằng với việc nhà đầu tư đang sử dụng lượng margin quá lớn như hiện tại sẽ phải chịu một chi phí khá cao. Rủi ro cũng có thể sẽ đến với quả bom nợ quá lớn này nếu như thị trường có biến cố xấu hoặc dòng tiền mới vào thị trường yếu đi.

Cần biết rằng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, cổ đông lớn bán, doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ và việc phát hành thêm đã rút ra khỏi thị trường một lượng tiền vô cùng lớn. Thế nên để thị trường vận hành với mức kỳ vọng 1.500 điểm chẳng hạn thì số lượng tiền mới phải tăng mạnh hơn nữa.

Nhìn chung, tôi vẫn tin thị trường giao dịch tích cực với khoảng 12.000 - 15.000 tỷ/HSX, khá lớn so với trước dịch, trước năm 2020. Vì thế có thể dòng tiền này sẽ dịch chuyển và nhiều cổ phiếu sẽ tăng giá. Thế nên chiến lược tôi nghĩ thích hợp là vẫn nắm giữ cổ phiếu tiềm năng trong giai đoạn 2022 - 2025 và có một lượng tiền mặt đủ lớn để mua nếu thị trường điều chỉnh.

Cơ hội chưa bao giờ là thiếu chỉ là thiếu tiền khi cơ hội đến. Lúc này không phải là lúc kiếm tiền mọi giá nữa, hãy để thời gian chứng minh mình đúng và khi đó tiền sẽ quay lại với cổ phiếu. Vì thế kiên nhẫn là điều quan trọng nhất vào lúc này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Hiện tại, vùng đáy vẫn chưa được xác nhận cho nên việc giải ngân trong giai đoạn này cũng chỉ nên dành tỷ trọng thấp và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng tăng được xác nhận trở lại.

Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh vẫn sẽ là yếu tố khó lường hiện nay. Nếu dịch bệnh sớm hình thành đỉnh dịch trong tháng 8 thì chỉ số VN-Index vẫn có khả năng tạo đỉnh mới với vùng đỉnh cao nhất trong những tháng cuối năm là 1.456 - 1.500 điểm, còn nếu tình hình dịch phải hết quý III mới có thể kiểm soát được thì chỉ số VN-Index khó có thể vượt vùng 1.240 điểm.

Tin bài liên quan