Chính thức vượt ngưỡng 1.200 điểm, nhưng thị trường trong nước để mất điểm ở phiên cuối tuần khi đây là phiên cơ cấu của các quỹ ETF trong phiên ATC. Dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn hoàn tất 1 tuần tăng điểm và cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Diễn biến tích cực này có nối tiếp trong tuần đầu của tháng 8?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
TTCK đang ở trong giai đoạn sóng hồi - sau ngưỡng 1,200, VN-Index lại đối mặt với ngưỡng 1.210 – 1.220 điểm nơi và lực cung cổ phiếu gia tăng. TTCK có thể rung lắc điều chỉnh ở phiên cuối tuần do ảnh hưởng của phiên cơ cấu danh mục các quỹ ETFs nhưng xu hướng điều chỉnh tích lũy ở 1 – 1,5 phiên đầu tuần và quay lại tiếp tục tăng điểm ở các phiên cuối tuần tới là có thể xảy ra.
Khả năng TTCK dao động quanh mốc 1.220 hoặc có thể tiến lên ngưỡng 1.230 (+/- 5 điểm) cũng có thể được tính đến.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Với việc vượt qua 1.200 điểm, rõ ràng VN-Index đã mở ra cơ hội kéo dài đà hồi phục và hướng tới vùng kháng cự tiếp theo ở 1.220-1.230.
Tuy nhiên, đà hồi phục này được tôi đánh giá là khá “bấp bênh”, bởi tuần qua không xuất hiện nhóm cổ phiếu chủ lực dẫn dắt rõ rệt (mỗi nhóm chỉ có 1-2 cổ phiếu đại diện: như Ngân hàng là STB, Bất động sản là DXG..). Đà hồi phục vẫn tập trung nhiều tại các mã đã giảm sâu trước đó, hoặc một vài cổ phiếu riêng lẻ tạo sóng.
Trong tuần tới, theo tôi xu hướng chủ đạo vẫn là giằng co dốc lên trong biên độ hẹp, nếu theo chiều tích cực thì đà hồi phục vẫn tiếp diễn với tốc độ khá chậm.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Quan sát phiên cuối tuần cũng là phiên cuối cùng tháng 7 cho thấy tín hiệu ngắn hạn còn nhiều khó khăn. Thị trường khá khởi sắc trong thời gian đầu nhưng càng về cuối áp lực bán càng gia tăng và chốt phiên là giảm điểm. Vì thế, tuần tới tôi nghĩ thị trường gặp nhiều áp lực nhưng trong kịch bản tích cực là loanh quanh mốc 1.200 điểm (+/-10).
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Sau nhiều nỗ lực thì VNIndex cũng đã vượt mốc tâm lý 1.200 điểm trong tuần qua, tuy nhiên đà vượt vẫn còn khiêm tốn. Tôi cho rằng vùng 1210 -1220 vẫn là một vùng cản lớn đối với điểm số.
Bà Trần Khánh Hiền |
Bên cạnh đó, xu hướng chốt lời ngắn hạn có vẻ như đang xuất hiện, chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong bối cảnh nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã có đà tăng giá 20 - 30% từ đáy trong 1 tháng qua.
Ngoài ra, trong ngắn hạn, cụ thể là trong 1 tuần tới tôi chưa thấy nhiều xung lực hỗ trợ cho chỉ số khi mùa báo cáo kinh doanh quý 2 đã gần về cuối, các thông tin tốt đã dường như đã được công bố hết. Vì vậy, tôi cho rằng trong tuần đầu của tháng 8, VN-Index sẽ giằng co trong biên độ hẹp trên ngưỡng 1.200.
Việc FED công bố mức tăng ở mức 0,75% đã mang lại các phản ứng tích cực lên TTCK toàn cầu, vì điều này đã sớm được dự báo. Đáng chú ý hơn, thông tin từ bài phát biểu của chủ tịch FED cho thấy khả năng FED sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm lại trong các kỳ họp sắp tới. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về khả năng sẽ có thêm những đợt điều chỉnh lãi suất của Fed trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, và TTCK phản ứng như thế nào về quyết định này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
TTCK toàn cầu và TTCK Việt Nam có lẽ phản ứng tích cực hơn và hướng tới 1 đợt phục hồi trong ngắn hạn. Thông điệp của FED đã rõ khi tốc độ điều chỉnh tăng lãi suất sẽ chậm lại với biên độ hẹp hơn.
Số liệu tích cực từ nền kinh tế Việt Nam cũng đang nhen nhóm hy vọng về đợt phục hồi của TTCK từ nay đến cuối năm - Vùng sâu nhất của TTCK cũng đã diễn ra - tất cả hướng tới tương lai và đặc biệt hơn là nhóm ngành nào sẽ là nhóm dẫn dắt giai đoạn cuối năm.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Việc FED tăng lãi suất cao chưa từng có trong 3 thập kỷ gần đây nhằm nỗ lực chống lạm phát cũng là việc đã được dự báo từ trước, nhiều khả năng sẽ có thêm khoảng 2-3 đợt tăng nữa để đưa lãi suất cơ bản lên ngưỡng khoảng 3,5 - 4% theo dự kiến.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam có thể sẽ bị tác động nhất định trong những lần thay đổi của FED, tuy nhiên nó chỉ ảnh hưởng trong một vài phiên nhất định chứ không quyết định xu hướng thị trường chung. Xu thế dòng tiền và các yếu tố vĩ mô quan trọng hơn mới là những yếu tố ảnh hưởng quyết định tới thị trường chứng khoán.
Ông Dương Hoàng Linh |
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Có thể nhận định này được đưa ra là bởi giá rất nhiều hàng hóa nguyên liệu đang giảm đáng kể và nó sẽ giúp lạm phát thời gian tới bớt áp lực. Tuy nhiên, thế giới hiện nay đang có rất nhiều vấn đề và đặc biệt là đang xoay chiều rất nhanh. Ngay bản thân những nhà quản lý tầm cỡ thế giới cũng đang phải hành động và thay đổi theo. Cá nhân tôi nghĩ rằng việc dự báo dài hạn là rất khó.
TTCK phản ứng tích cực với việc FED tăng 0,75% là bởi trước đó họ tin rằng mức tăng là 1% và FED dự kiến sẽ không tăng quá mạnh nữa. Thế nhưng ở tình hình hiện tại, mọi thứ chưa có gì thay đổi, cuộc sống người dân đang gặp nhiều khó khăn bởi hệ lụy giá cả.
Các NHTW đang đồng loạt tăng lãi suất tạo ra áp lực kép cho người tiêu dùng và điều này đang khiến nhu cầu yếu đi. Các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu gặp khó, và điều này sẽ các tác động nhiều đến TTCK và giá cổ phiếu.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Trong thông điệp gần nhất Chủ tịch FED đưa ra thì có vẻ như FED đang chờ đợi các số liệu về diễn biến giá nhà ở, giá năng lượng và thực phẩm để đưa ra các quyết định trong tháng 9.
Trong bối cảnh giá dầu và giá thực phẩm toàn cầu có xu hướng tạo đỉnh trong trong tháng 7 thì thị trường dường như đang nghiêng về kỳ vọng FED sẽ chỉ nâng lãi suất thêm 100 điểm trong những tháng còn lại của năm 2022, có nghĩa là thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 tới. Vì vậy, rủi ro giảm giá của thị trường trong thời gian tới sẽ là FED tăng lãi suất mạnh hơn so với kỳ vọng.
Trong phiên kỷ niệm 22 năm sinh nhật TTCK (28/7/2022), điểm số và thanh khoản sàn HOSE có diễn biến tích cực, VN-Index tăng 1,43%, giá trị giao dịch ghi nhận trên 15.000 tỷ đồng, tăng 50% so với phiên liền trước, khối ngoại mua ròng 675,6 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư cho rằng, đây là phiên bùng nổ theo đà (Follow Through Day), báo hiệu thị trường đã tạo đáy, tức khả năng chỉ số giảm xuống dưới 1.150 điểm ít xảy ra, mở ra cơ hội đầu tư an toàn hơn. Còn quan điểm của ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Tôi thì không nghĩ đó là phiên bùng nổ theo đà bởi không nhận thấy volume giao dịch tăng đạt yêu cầu nhưng các chỉ số trung bình thì đã giảm sâu nhất và đang phục hồi trở lại - khả năng giảm về mức 1.150 là rất thấp thậm chí không muốn nói là khó xảy ra.
Quan điểm diễn biến thị trường của tôi hiện tại đó là thị trường sẽ phục hồi dần trở lại đến cuối năm tất nhiên sẽ có những nhịp điều chỉnh rung lắc ở các vùng cản quan trọng 1.220 rồi sau đó là 1.280 – 1.300...
Ông Lê Đức Khánh |
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Phiên giao dịch thứ 5 tuần trước thị trường ghi nhận ngày tăng điểm tích cực cả về điểm số cũng như thanh khoản và chỉ số cũng vượt qua được vùng cản tâm lý tại 1.200 điểm, tuy nhiên để xác định thị trường đã tạo đáy đi lên thì vẫn còn quá sớm, chúng ta cần quan sát thêm những diễn biến ở trong các tuần kế tiếp, đặc biệt sự cải thiện của thanh khoản có thực sự được kéo dài ổn định hay không?
Quan điểm của tôi, đây vẫn chỉ là nhịp hồi phục ở trong một xu thế tiêu cực đã kéo dài từ khá lâu, thị trường vẫn cần thêm thời gian để tích lũy trước khi phát đi tín hiệu khả quan hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Cá nhân tôi nhìn nhận đây là giai đoạn rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn, khả năng tạo ra lợi nhuận có tăng trưởng là thấp, hay có thể nói là quý III, thậm chí quý IV tới đây hầu hết kết quả kinh doanh sẽ kém khả quan. Vì thế nếu như giá cổ phiếu tăng chắc chắn sẽ chịu áp lực bán là không nhỏ.
Để tạo ra một xu hướng tăng giá, thị trường có lẽ cần có nhiều phiên giao dịch mạnh, ít nhất trên 20.000 tỷ/phiên, nhưng ở thời điểm hiện tại tôi nghĩ điều này khó xảy ra.
Trong kịch bản tích cực nhất tôi nghĩ thị trường vẫn có cơ hội nhích lên vùng 1.250 điểm mà không cần thanh khoản quá nhiều. Ở trạng thái này thị trường không thực sự bền vững và hoàn toàn chịu áp lực điều chỉnh trở lại. Có nghĩa tôi đang cho rằng, đây là giai đoạn tích cực bởi mùa báo cáo bán niên nên thị trường có thể tận dụng cơ hội tăng điểm số trước khi đến với vùng trũng thông tin tháng 8 và kết quả kinh doanh quý III không mấy khả quan.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Những diễn biến tích cực của điểm số và thanh khoản trong 2 tuần gần đây cho thấy tâm lý của nhà đầu tư mặc dù còn khá thận trọng nhưng phần nào đã cởi bỏ bớt các lo ngại. Điều này có thể được lý giải bởi một vài yếu tố như sau.
Thứ nhất là lo ngại về lạm phát đã tạm lắng xuống khi giá năng lượng, thực phẩm và một số nguyên vật liệu cơ bản đang có xu hướng tạo đỉnh, trong bối cảnh đó thì FED cũng đưa ra thông điệp nhiều khả năng sẽ giảm quy mô trong các đợt tăng lãi suất tới.
Thứ hai, đối với thị trường Việt Nam, bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 đã dần hé lộ với nhiều thông tin khả quan bước đầu như khối ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận gần 30% với chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay đồng nghĩa với việc một số ngân hàng sẽ được nới room tín dụng trong thời gian tới.
Trong một bối cảnh tích cực hơn, thì các nhà đầu tư tổ chức như tự doanh các CTCK và khối ngoại đã giao dịch sôi động hơn trong tháng 7. Tôi cho rằng tâm lý này cũng sẽ lan tỏa đến nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND trong những tuần cuối tháng 7 bất ngờ bật tăng mạnh lên khỏi nền giá duy trì trong vài năm qua. Điều này được cho là sẽ tác động đến khối DN xuất nhập khẩu hay có dư nợ ngoại tệ lớn, đặc biệt bằng USD. Tuy nhiên, vẫn có những DN hưởng lợi từ biến động này. Nên chọn lựa cổ phiếu ngành/doanh nghiệp nào để được hưởng lợi, cũng như giảm rủi ro khi tỷ giá biến động tăng, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Có lẽ những doanh nghiệp có vay nợ ngoại tệ hoặc mua, nhập khẩu thanh toán bằng USD sẽ bị ảnh hưởng trong khi các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp, năng lượng, dầu khí...có lẽ được hưởng lợi và cần lưu ý hơn.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Thực tế, đồng USD đã lên giá từ khá lâu so với rổ tiền tệ thế giới, biến động USD/VND gần đây theo tôi đánh giá cũng chỉ là ngắn hạn, không phải điều đáng để lo ngại. Bởi từ nhiều năm nay, tỷ giá luôn được đánh giá là ổn định theo đúng chủ trương của NHNN, biến động này chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm có sự ổn định trở lại chỉ trong ít tuần tới.
Do vậy, theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư không nên cố gắng tìm kiếm các cơ hội đầu cơ từ việc hưởng lợi này, thay vào đó nên quan tâm hơn tới nội lực cũng như định hướng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Ông Nguyễn Hữu Bình |
Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này ở góc độ rộng hơn mới thấy toàn cảnh. Thời điểm này khác hẳn những lần trước, khi mà rất nhiều đồng tiền khác trên thế giới giảm giá. Đồng Yên (Nhật), đồng EUR... thậm chí giảm bất ngờ.
Nếu so với đồng VND ở góc độ này chúng ta sẽ thấy đồng VND đang tăng giá hơn nhiều đồng tiền khác nên có lợi thế và cả bất lợi. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất với doanh nghiệp xuất khẩu chính là nhu cầu yếu, giá bán như hiện tại khó bán trong khi giá nguyên vật liệu vẫn cao khiến biên lợi nhuận sụt giảm.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Theo lý thuyết thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi khi đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2022, các nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, hoặc thậm chí là rơi vào đà suy thoái kỹ thuật, sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa và tiêu dùng.
Vì vậy, tôi cho rằng xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng chậm lại trong các quý tới, điều này giảm tác động tích cực từ đà tăng của tỷ giá. Tuy nhiên, các cặp tỷ giá khác như JPY/VND hay EUR/VND đang có diễn biến thuận lợi với các doanh nghiệp có dư nợ yên Nhật hoặc EUR.
Dù có những đợt sóng hồi nhẹ nhưng hiện VN-Index vẫn đang giảm trên 20% so với đỉnh, không ít cổ phiếu mất giá 30 - 40%, thậm chí trên 50%. Chọn phương thức đầu tư nào phù hợp với giai đoạn hiện tại, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Với đa số đám đông nhà đầu tư tôi cũng hay phân ra các nhóm, kiểu nhà đầu tư để đưa ra chiến lược giao dịch phù hợp với tính cách, khẩu vị, thời gian, kinh nghiệm đầu tư của họ.
Có nhóm nhà đầu tư phù hợp với sự tích lũy cổ phiếu liên tục, định kỳ mà không cần phải quan tâm theo dõi bảng giá, có nhà đầu tư nên nắm giữ một số mã nhìn dài hơi trong khi tận dụng giao dịch ngắn hạn thời điểm hiện tại 2 - 3 mã và có nhà đầu tư nên giao dịch ngắn tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, bởi giai đoạn này cũng phù hợp cho việc tham gia giao dịch T+ với nhiều cổ phiếu đang có kết quả kinh doanh khởi sắc đi kèm với giao dịch sôi động.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)
Với các đợt giảm mạnh vừa qua nhiều cổ phiếu đã mất tới trên 50%, đây cũng là cơ hội tốt cho nhà đầu tư trung và dài hạn nếu biết lựa chọn những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, chưa thể khẳng định thị trường đã tạo đáy và vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đối với những nhà đầu tư lướt sóng chỉ nên tham gia với tỷ trọng vừa phải (nên mua ở các nhịp điều chỉnh của thị trường hoặc cổ phiếu mục tiêu, hạn chế mua đuổi) và chú trọng đến quản trị rủi ro.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)
Nói chung, cá nhân tôi cho rằng, giai đoạn này khó tin vào một xu hướng tăng mới hình thành. Tôi tin là thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh nữa, nhưng ở lần này nó không sốc, mức giảm sẽ từ từ, dần đều và cơ bản và xanh – đỏ đan xen. Biên độ giao dịch của cổ phiếu sẽ không quá mạnh nên nhà đầu tư nào mua bán liên tục, dùng margin nhiều sẽ chịu thiệt hại.
Cá nhân tôi tin rằng ở giai đoạn như vậy, với khoảng thời gian đủ dài khiến không ít nhà đầu tư nản lòng và khi gặp tin xấu sẽ bán mạnh. Cơ hội đầu tư mua vào sẽ xuất hiện cho một kỳ đầu tư dài hạn mới có thể sẽ bắt đầu từ năm sau 2023.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Tôi vẫn duy trì quan điểm là trong bối cảnh dòng tiền chưa mạnh thì các cổ phiếu sẽ ít vận động theo xu hướng ngành, thay vào đó chúng ta nên tập trung vào những câu chuyện cổ phiếu riêng lẻ. Nhiều doanh nghiệp có vị thế đầu ngành có mô hình kinh doanh bền vững, sức khỏe tài chính lành mạnh, hiện đang được định giá khá thấp so với các công ty cùng lĩnh vực trong khu vực.
Đối với giao dịch, trong hoàn cảnh nào thì nhà đầu tư cũng nên duy trì kỷ luật đầu tư. Các nhà đầu tư đang nắm giữ trạng thái, cần đảm bảo tỷ lệ margin ở ngưỡng an toàn để bảo vệ tài sản, tận dụng đà tăng của thị trường để tái cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng các cổ phiếu đầu cơ.
Đối với những nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt cao, đang muốn giải ngân, tôi cho rằng có thể giải ngân dần ở thời điểm hiện tại để tận dụng định giá rẻ của các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt.