Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch khá trầm lắng khi chỉ số ghi nhận mức giảm nhẹ (-0.5%) với độ biến động thấp. Nhịp chùng lại của thị trường được nhìn nhận là diễn biến cần thiết của một xu hướng tăng bền vững, nhất là trong bối cảnh VN-Index đã tăng 10% sau 1 tháng và là một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Đâu là góc nhìn của ông bà về tuần giao dịch tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Mặc dù trải qua một tuần giao dịch tương đối ảm đạm khi đã có lúc giảm hơn 15 điểm tính từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.186 điểm, tuy nhiên việc thanh khoản tiếp tục sụt giảm trong các nhịp giảm điểm cho thấy áp lực bán dần suy yếu và thị trường đã sớm có phiên tăng điểm trở lại sau khi kiểm định thành công ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.165 (+-5) điểm.
Với những tín hiệu tích cực như các đường xu hướng MA20 và MA50 tiếp tục hướng lên, ngưỡng hỗ trợ quan trọng đã đề cập tiếp tục được giữ vững, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm trong tuần tới và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.20x điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong tuần giao dịch tới, nhưng thị trường có thể phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Đồng thời, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sớm quay trở lại dẫn dắt đà tăng của thị trường trong tuần giao dịch tới.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch khá trầm lắng khi chỉ số ghi nhận mức giảm nhẹ (-0,5%) với độ biến động thấp. Nhịp chùng lại của thị trường được nhìn nhận là diễn biến cần thiết của một xu hướng tăng bền vững, nhất là trong bối cảnh VN-Index đã tăng 10% sau 1 tháng và là một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Đâu là góc nhìn của ông bà về tuần giao dịch tới?
TTCK vẫn đang xác nhận xu hướng tăng điểm cho dù đã có nhịp "chững lại" tạm thời. VN-Index vẫn đang nằm trên vùng hỗ trợ mạnh 1.170 +/- 1.175 điểm và có thể hướng lên khu vực 1.180 - 1.185 điểm trong tuần giao dịch tiếp theo. Cơ hội đầu tư kể cả giao dịch ngắn hạn cho các nhà đầu tư ngay giai đoạn giáp kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Ông Dương Hoàng Linh |
Chỉ số vẫn đang trong xu thế tăng điểm tích cực, sự điều chỉnh đã diễn ra là cần thiết. Việc kỳ vọng chỉ số nối lại đà tăng là hoàn toàn có cơ sở với mục tiêu là ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Tuy nhiên, thông thường những phiên giao dịch sát kỳ nghỉ Tết sẽ không có biến động mạnh, nhiều khả năng sự giằng co tích lũy theo hướng tăng dần đi kèm với thanh khoản thấp và sự phân hóa rõ nét sẽ chiếm ưu thế trong tuần giao dịch tới.
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
VN-Index đã cho thấy những dấu hiệu của một điều chỉnh kỹ thuật, với một tuần giao dịch có phần chậm lại và khối lượng giao dịch giảm đi đáng kể. Điều này được coi là một phần của quá trình điều chỉnh tự nhiên sau khi chỉ số này đã chứng kiến một đợt tăng trưởng đáng kể, với mức tăng 10% chỉ sau một tháng. Sự chùng lại trong giao dịch không chỉ là dấu hiệu của việc thị trường đang hấp thụ áp lực chốt lời sau chuỗi tăng giá mạnh mẽ, mà còn là cơ hội cho thị trường cân bằng lại và củng cố vị thế cho nhịp tăng kế tiếp
Với kỳ nghỉ Tết đang đến gần, kỳ vọng về một thị trường có thanh khoản thấp hơn trong tuần tới là khá hợp lý. Dự kiến, giá trị giao dịch hàng ngày sẽ dao động trong khoảng từ 11.000 tỷ đến 13.000 tỷ đồng, dẫn đến một thị trường ít biến động hơn và có thể cung cấp ít cơ hội giao dịch ngắn hạn hơn so với những tuần trước. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để nhà đầu tư xem xét và tái cấu trúc danh mục đầu tư của mình, chuẩn bị cho những diễn biến tiếp theo sau kỳ nghỉ.
Dư nợ Margin trên thị trường vẫn tăng (ước đạt 180.000 tỷ đồng so với 172.000 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2023) và hiện tại tiệm cận vùng đỉnh lịch sử hồi cuối 2021, đầu 2022. Nhưng điều đáng nói là tỷ số Tổng dư nợ Margin/Vốn hóa HOSE đang ở ngưỡng cao nhất lịch sử, khoảng 3,8%. Con số này có đáng lo ngại, theo các ông/bà? Ông bà nhìn nhận như thế nào về trạng thái margin ở thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Theo tôi, việc dư nợ margin tiệm cận vùng đỉnh lịch sử không có nhiều sự tương quan trực tiếp đến mức độ rủi ro cao hay thấp của thị trường nói chung. Trong giai đoạn cuối quý 4/2023, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn, vốn được phân bổ tỷ lệ cho vay margin ở mức cao (điển hình là nhóm ngành ngân hàng) tăng mạnh, khiến cho dư nợ cho vay của nhóm này có sự gia tăng tương ứng. Đối với các CTCK, yếu tố trên lại là một điểm đáng mừng do đây là điều kiện tiên quyết thúc đẩy đà tăng trưởng doanh thu mảng cho vay ký quỹ của các doanh nghiệp này trong ngắn hạn.
Trên thực tế, mức độ rủi ro cũng phụ thuộc nhiều vào triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024. Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và tình hình tài chính của nhóm này tiếp tục có sự cải thiện, mức độ rủi ro đối với thị trường chung là không đáng kể. Ngược lại, nếu chính sách về lãi suất trên thị trường có nhiều biến động theo hướng tiêu cực và sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp vốn hóa lớn xấu đi thì mức độ rủi ro là tương đối cao.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tỷ lệ Margin/Vốn hóa hiện nay đang khá cao, nhưng tỷ lệ Margin/Vốn điều lệ vẫn còn rất thấp cho nên dư địa về margin vẫn còn rất lớn. Đồng thời, mức vốn hóa thấp hiện nay chưa phản ánh vào đà hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024. Do đó, tôi cho rằng mức tỷ lệ Margin/Vốn hóa hiện nay vẫn chưa đáng ngại.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Số lượng nhà đầu tư gia tăng, vốn hóa thị trường cũng tăng theo, thị trường vẫn đang trong xu thế phát triển bình thường, nhu cầu vay ký quỹ cũng hiển nhiên theo quy mô cũng nhưng số lượng nhà đầu tư tăng dần. Có lẽ chúng ta nên quan tâm đến xu hướng chung của thị trường và hoạt động đầu tư thế nào để đạt hiệu quả. Các con số vừa thống kê không phải là đáng lo.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Xu thế tích cực của thị trường trong 1 tháng qua, cùng với việc mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nên chắc chắn sẽ kích thích nhu cầu sử dụng margin, chính vì thế dư nợ margin ở mức cao cũng là điều bình thường.
Ngoài ra việc các công ty chứng khoán những năm qua không ngừng tăng vốn mạnh cũng giúp có nguồn tài chính dồi dào để hỗ trợ nhà đầu tư. Tôi không cho rằng đây là điều đáng lo ngại tới xu thế hiện tại của thị trường.
Nhóm nhà đầu tư cá nhân là nhóm bán ròng chính trong tuần này khi nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh duy trì đà mua ròng lớn. Xu hướng này tiếp còn tiếp tục trong tuần tới, khi thị trường đang gần đến dịp Tết Nguyên đán với kỳ nghỉ lễ dài, theo ông/bà? Liệu thị trường đã có dấu hiệu phân phối?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Theo như thống kê về mức độ thay đổi của VN-Index trước dịp tết, chúng ta có thể thấy thị trường thường có mức tăng điểm trung bình là 2,49% trước khi diễn ra dịp nghỉ tết. Do đó, việc bước vào một kỳ nghỉ lễ dài cũng không hẳn là yếu tố đáng lo ngại.
Việc các nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh bán ròng một phần đến từ các rủi ro như (1) diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán châu Á nói chung, (2) tỷ giá có diễn biến tăng mạnh kể từ đầu năm (tăng 1,4%) và (3) lo ngại thị trường chuẩn bị bước vào vùng trũng thông tin trong quý I khi mà hiệu ứng sóng BCTC qua đi và các doanh nghiệp sẽ hạn chế CBTT nhằm chuẩn bị cho mùa ĐHCĐ sắp tới.
Với việc tỷ trọng các nhà đầu tư trong nước chiếm phần lớn trong giao dịch của toàn thị trường, nếu việc bán ròng vẫn tiếp tục duy trì việc như hiện tại thì sẽ khiến cho áp lực điều chỉnh của VN-Index ngày một gia tăng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Thông thường tại gần các thời điểm nghỉ lễ kéo dài thì các nhà đầu tư cá nhân thường có trạng thái phòng thủ và bán ra trước kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường vẫn chưa ở giai đoạn phân phối khi thị trường vẫn còn dư địa tăng trưởng, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh và có thể sớm quay trở lại dẫn dắt đà tăng thị trường.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Khối ngoại đã có dấu hiệu mua ròng trở lại, dòng tiền vẫn đang lan tỏa và chọn lọc các nhóm cổ phiếu - diễn biến phân hóa giữa các nhóm ngành ngay ở giai đoạn đầu của xu hướng tăng - chưa có dấu hiệu phân phối.
Ông Lê Đức Khánh |
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Không, diễn biến thị trường những ngày gần đây không cho tín hiệu về 1 sự phân phối. Việc khối ngoại mua ròng thời gian gần đây là tín hiệu tích cực hỗ trợ đáng kể cho chỉ số chung, khi mà tập trung tại hầu hết các cổ phiếu đầu ngành. Với thói quen mua ròng trong những tháng đầu năm, trạng thái mua ròng vẫn có thể tiếp diễn.
Còn động thái của nhà đầu tư cá nhân cũng là điều không lạ, bởi tâm lý nghỉ Tết vẫn xảy ra như mọi năm, tuần giao dịch tới nhiều khả năng động thái này vẫn không thay đổi nhiều.
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Nhóm nhà đầu tư cá nhân, vốn là lực lượng chính thúc đẩy thị trường trong những giai đoạn biến động, đã chuyển sang bán ròng trong tuần này. Điều này có thể phản ánh xu hướng chốt lời sau chuỗi tăng giá mạnh mẽ của VN-Index từ đầu tháng. Động thái này là phản ứng tự nhiên trong bối cảnh chỉ số đã tăng đáng kể so với mức đóng cửa của tháng 12.
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư cá nhân chốt lời không nhất thiết phản ánh dấu hiệu phân phối rộng rãi trên thị trường. Thực tế, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng, Vật liệu xây dựng và Hàng tiêu dùng chỉ ra rằng dòng tiền vẫn tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, trong khi các ngành khác vẫn duy trì sự ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ.
Trong bối cảnh thị trường đang tiến gần đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có thể kỳ vọng rằng xu hướng bán ròng từ phía nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục trong tuần tới do nhà đầu tư muốn giảm thiểu rủi ro trước kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu của việc phân phối rộng rãi, mà thay vào đó, các diễn biến hiện tại có thể được hiểu là sự điều chỉnh kỹ thuật và tái cơ cấu danh mục đầu tư trong ngắn hạn.
Về chuyển động nhóm ngành, nhóm ngành Ngân hàng, Hàng tiêu dùng và Vật liệu xây dựng vẫn đang là những nhóm ngành đang có mức tăng tương đối tốt, duy trì sức mạnh vững vàng trong tuần qua. Nếu chọn cổ phiếu để “yên tâm ăn tết”, thì đâu là gợi ý của ông/bà ở thời điểm này?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Trong tháng 1 thị trường đã ghi nhận một nhịp tăng điểm khá tích cực nhờ hiệu ứng “sóng báo cáo tài chính quý 4” chủ yếu nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng, Vật liệu xây dựng Chứng khoán và Bán lẻ.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng đà tăng giá của thị trường trong giai đoạn vừa qua cũng đã phần nào phản ánh kỳ vọng về kết quả kinh doanh đối với các nhóm ngành kể trên. Chỉ còn một số ít các nhóm ngành hiện vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn với triển vọng kinh doanh tích cực và được kỳ vọng sẽ là điểm đến an toàn của dòng tiền đầu tư trong thời gian tới bao gồm ngân hàng, dầu khí, xây dựng hạ tầng, và sản xuất điện.
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí có thể là nhóm cổ phiếu phù hợp để nắm giữ dài hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư vẫn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để mua vào các nhóm cổ phiếu tăng trưởng như Hóa chất, vận tải, thép, BĐS khu công nghiệp.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Các nhóm cổ phiếu tài chính - tài nguyên cơ bản - thép - hóa chất - dầu khí...là những nhóm ngành mà các nhà đầu tư nên quan tâm hiện nay.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Thời điểm tết cận kề cũng là lúc hàng loạt doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm. Do đó dòng tiền chắc chắn sẽ có sự phân hóa chảy vào nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, duy trì được đà tăng trưởng. Theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư thời điểm này nên ưu tiên các doanh nghiệp có yếu tố FA tốt và tránh các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao cũng như tránh nhóm cổ phiếu penny.
Ông Lương Duy Phước, Trưởng phòng phân tích, CTCK Kafi
Như đã nói ở trên, trong giai đoạn gần kỳ nghỉ Tết ít các cơ hội lướt sóng ngắn hạn hơn. Thì chiến lược hợp lý vẫn là nắm giữ các cổ phiếu đang sinh lời hiệu quả cho danh mục của nhà đầu tư. Giao dịch ngắn hạn trên nền thanh khoản thấp ít biến động tiềm ẩn rủi ro khi không có được giá mua tối ưu nhất, và do đó cần phải được cẩn trọng hơn.
Mặt khác, nhóm ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và khu công nghiệp vẫn là tiêu điểm trong năm nay khi nhiều chính sách hỗ trợ được dự đoán sẽ cải thiện kết quả kinh doanh của các nhóm ngành này. Mở rộng ra hơn trong giai đoạn này nhà đầu tư có thể dành nguồn tiền nhận rỗi “săn” cổ phiếu đã điều chỉnh để tìm kiếm cơ hội cho khung thời gian dài hạn hơn, có thể cho cả năm của 2024.