Việc không thể nộp đủ tiền góp vốn tại Thuận An, đồng thời thoái vốn tại một số công ty khác đang đặt ra câu hỏi về dòng tiền của Quốc Cường Gia Lai trong thời điểm hiện tại.
Giảm vốn tại một loạt doanh nghiệp
Mới đây, HĐQT Quốc Cường Gia Lai đã có nghị quyết về việc giảm vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bất động sản Quốc Cường Thuận An. Theo đó, vốn đầu tư của Quốc Cường Gia Lai tại Thuận An giảm từ 144,95 tỷ đồng (tương đương gần 14,5 triệu cổ phần) xuống còn 110,05 tỷ đồng (hơn 11 triệu cổ phần), tương ứng 31% vốn điều lệ. Việc giảm vốn xuất phát từ lý do là Công ty chưa góp đủ vốn đăng ký mua tại Thuận An. Do việc giảm vốn góp của Quốc Cường Gia Lai, vốn điều lệ của Bất động sản Quốc Cường Thuận An sẽ chỉ còn 335,05 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quốc Cường Gia Lai cũng vừa hoàn tất việc rút lui khỏi một công ty bất động sản khác là Công ty cổ phần Bất động sản Sông Mã. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng 35% trên tổng số 49,9% cổ phần của mình tại Bất động sản Sông Mã. Số tiền thu về từ thương vụ chuyển nhượng này là 121,65 tỷ đồng.
Bất động sản Sông Mã là công ty được chuyển đổi từ Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Sông Mã, thành lập từ năm 2000, hoạt động theo đăng ký là xây dựng dân dụng, kinh doanh phát triển nhà, môi giới mua bán nhà. Theo kế hoạch, Quốc Cường Gia Lai sẽ bán toàn bộ 49,9% cổ phần tại Bất động sản Sông Mã với giá tối thiểu 172 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn tất kế hoạch này, Quốc Cường Gia Lai sẽ phải tiếp tục tìm đối tác để bán nốt 14,9% vốn còn lại.
Trước đó, tháng 4/2020, Quốc Cường Gia Lai đã thực hiện một thương vụ chuyển nhượng khác cũng liên quan đến bất động sản. Cụ thể, Công ty đã bớt tới 56% vốn Công ty Bất động sản Hiệp Phúc, chỉ còn nắm giữ 34% vốn và doanh nghiệp bất động sản này chuyển từ công ty con do Quốc Cường Gia Lai nắm 90% vốn thành công ty liên kết.
Góc khuất về dòng tiền
Việc không thể nộp đủ tiền góp vốn tại Thuận An, đồng thời thoái vốn tại một số công ty khác đang đặt ra câu hỏi về dòng tiền của Quốc Cường Gia Lai trong thời điểm hiện tại.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, Quốc Cường Gia Lai có tổng tài sản ngắn hạn khá lớn trong cán cân so sánh với nợ ngắn hạn, tương ứng lần lượt là 9.046,4 tỷ đồng và 6.752 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp chủ yếu nằm ở hàng tồn kho, với giá trị lên tới 8.045,6 tỷ đồng, phần lớn nằm ở dạng bất động sản dở dang. Trong khi đó, phần “tiền tươi thóc thật” có thể sử dụng ngay quá ít, chỉ với 8 tỷ đồng tiền (tương đương tiền) và 6 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Quý I/2020, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu thuần 81,3 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 338 tỷ đồng); lợi nhuận gộp 18,4 tỷ đồng (cùng kỳ là 21,4 tỷ đồng); lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 31,4 tỷ đồng (cùng kỳ là 7,5 tỷ đồng). Công ty đạt lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 30,3 tỷ đồng, tăng 5,4 lần so với cùng kỳ. Con số tăng trưởng lợi nhuận cao là vậy, nhưng Công ty đang đối mặt với dòng tiền thuần trong kinh doanh quý I/2020 bị âm tới hơn 156 tỷ đồng, lớn gấp 5,1 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các con số tài chính quý I/2020 của Quốc Cường Gia Lai chưa được khẳng định rõ ràng, do theo tiết lộ của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty, trong nội dung văn bản đính kèm báo cáo tài chính, thì số dư đầu kỳ của báo cáo tài chính quý I/2020 là số dư cuối kỳ của báo cáo quý IV/2020 có một số điều chỉnh tạm thời. Lý do phải sử dụng các con số tạm thời trên là Công ty chưa có số liệu chính thức của báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 do chưa soát xét xong.
846 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên kết
Quốc Cường Gia Lai có tổng giá trị đầu tư vào các công ty liên kết tính đến ngày 31/3/2020 là 846 tỷ đồng. Trong đó, ngoài các công ty bất động sản vừa thoái vốn, Công ty còn có các khoản đầu tư tại Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phạm Gia, Công ty Quốc Cường Liên Á và một khoản đầu tư tương ứng 18,6% quyền sở hữu và biểu quyết vào Công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường - một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Bình Dương.