Trong một cuộc bình chọn về các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp tiêu biểu, đại diện công ty kiểm toán và một số thành viên trong đoàn thẩm định đã nhận xét về một doanh nghiệp nổi danh đang niêm yết trên HOSE như sau:
"Dòng tiền thực tế không thực sự mạnh và quá nhỏ so với quy mô phản ảnh trên Báo cáo tài chính; số dư tiền và các khoản có thể chuyển đổi nhanh thành tiền tương đối thấp.
Dựa trên các thông tin và thuyết minh trên Báo cáo tài chính, số lượng giao dịch và quy mô lớn được thực hiện với một số bên liên quan, nhưng dòng tiền không thể hiện: Tăng trưởng đột biến về tài sản dựa vào kỹ thuật kế toán hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập doanh nghiệp, giá trị tài sản được phản ánh tăng vọt theo giá trị định giá và không tiến hành khấu hao bất động sản đầu tư; kim ngạch doanh thu lớn, nhưng 70-95% là từ kinh doanh vật liệu xây dựng dù hàng tồn kho luôn duy trì ở mức rất thấp, nên hoạt động mang tính chất môi giới hoặc gửi bán nhiều hơn là kinh doanh thương mại thực sự.
Ngoài ra, doanh nghiệp không dựa nhiều vào vốn vay ngân hàng, mà chủ yếu thông qua các khoản phải trả cho một số đối tác thường xuyên nhất định, có thể là bên liên quan…".
Nhà đầu tư nào đọc được những nhận xét trên mà vẫn quyết định bỏ tiền vào mua cổ phiếu công ty này chắc hẳn đã chấp nhận "đánh bạc" với đồng vốn của mình. Ví dụ này cũng minh chứng một điều rất quan trọn rằng, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý về giao dịch với các bên có liên quan của doanh nghiệp.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán từng xảy ra vụ việc ồn ào khi cổ đông lớn là những tổ chức nước ngoài vững kiến thức tài chính lên tiếng nghi ngờ lãnh đạo một doanh nghiệp lợi dụng vị trí của mình để thực hiện giao dịch mua bán nguyên vật liệu với các công ty khác tại nước ngoài (có dấu hiệu liên quan đến vợ vị lãnh đạo) nhằm đạt được lợi ích cá nhân, trong khi làm gia tăng chi phí của các chủ sở hữu khác, ảnh hưởng đến lợi ích chung của công ty...
Một dạng vi phạm khác thường được che dấu rất tinh vi là lãnh đạo doanh nghiệp vay tiền từ công ty với lãi suất thấp mà không có tài sản đảm bảo, cũng như không có ngày đáo hạn. Hoặc lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng vị trí của mình để thay mặt công ty bảo đảm cho một khoản vay cá nhân, hoặc khoản vay của doanh nghiệp có liên quan khác.
Nếu kế toán của doanh nghiệp chỉ ghi nhận trong báo cáo tài chính như khoản phải thu thông thường mà không thuyết minh bản chất của khoản vay này là với bên liên quan, thì nhà đầu tư khó có thể phát hiện được vi phạm.
Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 lãnh đạo cao nhất của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà là ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Lê Hoàng Hà, Tổng giám đốc Công ty, mỗi người 60 triệu đồng vì phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến công ty này.
Cụ thể, ông Hà và ông Sơn đã quyết định cấp các khoản vay cho CTCP Hiway Việt Nam - tổ chức liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị khi chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua; cấp các khoản vay cho các công ty con là CTCP Đầu tư và kinh doanh thương mại Vinaconex và Công ty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An…
Thực tế trên một lần nữa cho thấy, để nhận biết rõ sức khỏe và năng lực quản trị của doanh nghiệp, giao dịch với các bên có liên quan là một trong những điểm nhà đầu tư cần hết sức lưu ý.