Gốc của mọi công việc

0:00 / 0:00
0:00
“Cán bộ là gốc của mọi công việc”- tư tưởng và quan điểm về công tác cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản cách đây hơn 70 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhấn mạnh công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, đồng thời khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Người phê phán cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người “vác mặt quan cách mệnh” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”, “dán trên trán hai chữ cộng sản” để lòe dân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người gọi các tệ nạn đó là “giặc nội xâm”, coi loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong.

Với tầm nhìn và trí tuệ vĩ đại, Người đã đề ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cốt lõi của người cán bộ cách mạng xây dựng xã hội mới.

Trong các tác phẩm của mình, Bác nhiều lần đề cập: cán bộ phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng; người cán bộ phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết, phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, phải trung thành, tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, “phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh”…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải “chuyên”, phải có “tài”, có năng lực, trí tuệ, chuyên môn để lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Người thẳng thắn chỉ rõ: “Ngày nay không thể lãnh đạo chung chung được nữa, chỉ có lòng nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có tri thức nữa”.

Quan điểm của Bác về sử dụng cán bộ cũng có nhiều điểm rất cụ thể. Đó là phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn và sử dụng đúng cán bộ. Phải “khéo dùng cán bộ”, “dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Người phê bình nghiêm khắc tệ “kéo bè kéo cánh” trong công tác cán bộ, bởi khuyết điểm này có thể phá vỡ sự thống nhất, làm mất sự thân ái, đoàn kết đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ...

Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, trước những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, Đảng ta đã rất quan tâm tới vấn đề cán bộ và công tác cán bộ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Liên quan đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển”.

Đây là một trong những dấu ấn rõ nét từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay khi Trung ương hết sức chú ý đến phương thức lãnh đạo, để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, công tác chống tiêu cực, tham nhũng tiếp tục được Trung ương, Bộ Chính trị đẩy mạnh, làm đồng bộ hơn, thống nhất theo phương châm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư khoá XIII là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khoá XI đến nay. Mục đích là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ…

Tổng Bí thư cũng lưu ý, phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.

Thực tiễn cho thấy, quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa to lớn và sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó là những quan điểm tiến bộ, đầy tính khoa học và nhân văn. Trong giai đoạn hiện nay, việc học tập, kế thừa và phát triển quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ vừa động viên các cán bộ “sáu dám” (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách), vừa góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới.

Tin bài liên quan