[Góc banker] Tình yêu nơi biên giới

[Góc banker] Tình yêu nơi biên giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tôi - một cô gái gốc Bắc, suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường chỉ biết vùi đầu vào sách vở, nuôi dưỡng ước mơ lớn lên trở thành cô giáo trường làng, say đắm cùng những câu thơ, áng văn đầy cảm xúc, thả hồn vào nắng gió bình yên nhẹ nhàng, giản dị với nghề giáo cao quý.

Nhưng cơ duyên đã dẫn tôi vào làm việc trong lĩnh vực ngân hàng tại một tỉnh Tây Nguyên đầy nắng gió, bỏ ngoài tai những cảnh báo về muôn vàn khó khăn trong cuộc sống của đám bạn như “trên đó, người ta cưỡi voi đi làm, giao thông, đường sá không thuận tiện như ở ngoài mình đâu”, “trên đấy toàn rừng với núi, trời mưa đường trơn ơi là trơn”, “ở trên đó thiếu nước lắm, phải ra ngoài hồ mà tắm gội chung với nhau”…

Sự hào hứng, nhiệt huyết không gì đong đếm được của tuổi trẻ ngày ấy như cây măng non nhú lên sau cơn mưa tràn trề sức sống đã giữ tôi ở lại với mảnh đất Tây Nguyên đến nay đã được 15 năm.

Những ngày đầu tiên đi làm nơi đại ngàn là kỷ niệm tuyệt vời nhất của tôi - một cô giao dịch viên bé nhỏ khoác lên mình bộ đồng phục công sở còn thơm mùi vải mới được các anh chị đồng nghiệp hướng dẫn tận tình từng nghiệp vụ, chỉnh sửa từng câu từ khi giao dịch với khách hàng. Những món tính lãi tiết kiệm, lãi vay hay những mùa quyết toán thức trắng đêm cùng nhau khiến tôi dần gắn bó hơn với ngành ngân hàng.

Đặc biệt, tôi nhớ những lần theo chân các anh đồng nghiệp đi địa bàn để tìm kiếm và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng tới khách hàng được bà con ưu ái mời ăn cơm trưa. Ngồi trên nhà sàn, gió mát hiu hiu, thưởng thức món ăn mang đậm hương vị của người dân bản địa như cà đắng giã chua với đậu đũa, lá mì, canh măng bột, đọt mây, bông đu đủ đực, muối lá é giã cá khô, cơm lam…

Những đêm hội cồng chiêng mang màu sắc phong tục, tập quán truyền thống dưới ánh lửa bập bùng đỏ rực làm hồng đôi má của các cô gái vùng cao, khiến đôi chân dập dìu nhún nhảy theo tiếng cồng, tiếng chiêng cả đêm không mệt mỏi. Ngày ấy, mấy anh trai làng còn trêu: “Về buôn ở với mình đi, nhà mình có con voi to lắm, nhà mình ngay cái cây Kơ-nia kia kìa”.

Có lẽ, tôi thực sự có duyên với mảnh đất vùng cao nơi này khi chuyển công tác sang LienVietPostBank tại một huyện giáp biên giới Campuchia - huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Nơi đây, những mùa mưa đi qua xối đất xối cát, đặc thù đất đỏ khi gặp nước sẽ quyện lại trơn trượt, đi xe máy không vững tay lái, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác té ngã, lấm lem hết cả. Nhiều khi không thể chạy xe được, đành gửi xe tại một quán ven đường, tháo đôi dép ra, bấm từng ngón chân vào nền đất nhão đặc sệt để tới địa bàn. Đến nơi chỉ biết nhìn nhau toe toét cười vì rửa hoài, rửa mãi không hết đất bám bên trong móng chân…

Còn những mùa nắng nóng rát da, bụi mù cả một quãng đường khi xe tải chạy ngang qua con đường đất, về tới cơ quan cũng là lúc chiếc áo trắng tinh mới mặc ban sáng đã bám màu bụi đường.

Bạn có thấy thú vị không? Chúng tôi đi làm mà cảm giác cứ như đang đi phượt vậy!

Sau những vất vả, chúng tôi trưởng thành hơn, giỏi hơn, hiểu, gắn bó và đoàn kết hơn để trở thành một tập thể vững chắc.

Niềm vui, kỷ niệm của tôi với ngành thật nhiều, nhiều đến nỗi có thể viết thành cuốn sách. Một cuốn sách có nội dung mộc mạc, dung dị và chắc chắn mang tới cảm giác ngập tràn bình yên nơi cao nguyên với nắng gió, ấm áp tình thân.

Tôi muốn gắn bó với mảnh đất bình yên này, gắn bó với cái nắng, hạt mưa, với cây Kơ-nia tỏa bóng mát rượi như thân mẹ ôm ấp, chở che cho đàn con thơ nhỏ bé trước giông bão.

Tôi muốn gắn bó với công việc này, gắn bó với mái nhà thứ hai mang tên LienVietPostBank như tuổi trẻ gắn liền với sự nhiệt huyết, tận tâm cho công việc, lựa chọn những dịch vụ tốt nhất đưa đến khách hàng nơi biên giới.

Tôi của những năm tháng sau này chắc chắn sẽ trưởng thành hơn, tình yêu với nghề cũng sâu sắc hơn, gắn bó hơn với khách hàng nơi biên giới - mảnh đất giống như quê hương thứ hai của tôi.

Tin bài liên quan