[Góc banker] Bến đậu SCB

[Góc banker] Bến đậu SCB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sự thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường làm việc mà từ khi ra trường đến nay, tôi vẫn luôn chọn SCB là bến đậu cho mình.

Không chỉ là giấc mơ của mẹ

Bất cứ nghề nào cũng vậy, bạn cần phải có ước mơ, hoài bão và nỗ lực thực hiện.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã chọn nghề ngân hàng. Quyết định này không phải được đưa ra trong ngày một, ngày hai và cũng không phải chờ tốt nghiệp rồi mới tính đến, mà đã nhen nhóm và ấp ủ trong lòng từ lâu.

Với tôi, nghề ngân hàng còn là giấc mơ của mẹ, vì mẹ thấy các cô làm trong ngân hàng rất chuyên nghiệp, ai cũng xinh đẹp và sang trọng. Cuộc đời mẹ vất vả, chân lấm tay bùn, nên mẹ muốn con gái làm ngân hàng, mong con có một tương lai an nhàn, sung sướng.

Đến nay, tôi đã gắn bó với nghề ngân hàng hơn 8 năm, một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không hề ngắn. Thực tế, không có lựa chọn nào trong cuộc sống mà không phải đánh đổi, cũng như không có nghề nào thật sự dễ dàng, mà nghề nào cũng có khó khăn trong những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm nhận được từng bước đi và sự trưởng thành của bản thân với nghề ngân hàng.

Mỗi lần chinh phục được một khách hàng khó tính, tôi biết tâm huyết của mình đã được đền đáp.

Chẳng hạn, sau 6 năm làm ở mảng tín dụng, trong lúc bản thân cảm thấy thoải mái và tự tin nhất cũng là lúc “mây đen” bất ngờ kéo đến.

Nghề nào cũng có sứ mệnh riêng, giống như khi bạn quyết định cho ai vay tiền là bạn chia sẻ khó khăn, đặt niềm tin vào người đó và mong muốn cuộc sống của người đó tốt đẹp lên. Nếu bạn đi ngược lại sứ mệnh của nghề thì bạn sẽ gặp rắc rối. Tuy nhiên, đôi khi bạn đặt niềm tin sai chỗ và bạn rút ra được những bài học đắt giá.

Có quá nhiều sự việc xảy ra trong ngành ngân hàng khi đó khiến tâm trạng của tôi chuyển sang chán nản, có lúc mất niềm tin vào công việc.

“Miệng lưỡi thiên hạ không xương nhưng đủ sức mạnh để làm ta bị tổn thương hoặc ít nhất phải suy nghĩ về nó. Muốn vượt qua nó thì trước tiên, phải vượt qua chính bản thân mình”. Hiện tại, đây vẫn là câu nói mà tôi tâm đắc nhất, dù không nhớ đã đọc được ở đâu.

Tôi đã bình tĩnh nhìn nhận và có sự so sánh với các công việc khác cũng như những mối quan hệ khác trong xã hội. Và rồi, tôi nhanh chóng tìm lại được niềm tin với nghề ngân hàng.

Biến nỗi sợ thành động lực

Trong bối cảnh SCB nói riêng, ngành ngân hàng nói chung đẩy mạnh triển khai hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm, tôi đã thử thách bản thân ở vị trí công việc mới, đó là tư vấn bảo hiểm.

Thực hiện tư vấn, mỗi ngày trôi qua, tôi cảm nhận được sự thay đổi của bản thân, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Trước đây, tôi là một người khá nhạy cảm. Việc bị từ chối dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng khiến tôi trải qua cảm giác tiêu cực, thậm chí là đau lòng. Những lần khách hàng bảo hiểm từ chối là những lần tôi cảm thấy khó chịu và bi quan. Nhưng để thành công ở mảng tư vấn, tôi không cho phép mình yếu đuối, không thể để nỗi sợ bị từ chối tác động đến những điều mà tôi muốn làm, những cơ hội mà tôi xứng đáng có được.

Xử lý từ chối là một bài toán, một nghệ thuật mà để làm được đòi hỏi không chỉ kiến thức, nghiệp vụ bảo hiểm, mà còn là sự thấu hiểu tâm lý khách hàng. Mỗi lần chinh phục được một khách hàng khó tính, tôi biết tâm huyết của mình đã được đền đáp.

Thực sự, quả ngọt chỉ dành cho những người kiên trì. Chốt được một hợp đồng bảo hiểm hay một sản phẩm của ngân hàng, người ngoài ngành khó mà hiểu những khó khăn phải trải qua.

SCB chưa bao giờ từ chối những nỗ lực của tôi, mà dành cho tôi sự công nhận xứng đáng. Những năm tháng qua, SCB luôn tạo điều kiện để tôi hoàn thiện bản thân, theo đuổi đam mê.

Nhìn lại quá trình làm việc, mỗi con người tôi gặp hầu như đều mang lại cho tôi một bài học hay và cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống hơn, nhất là khi họ chia sẻ những điều tâm huyết, ấp ủ từ lâu mà chưa từng thổ lộ với ai. Trong khi đó, thu nhập từ nghề ngân hàng ngày càng được nâng cao.

Không vì khó khăn nhất thời mà từ bỏ ngành nghề yêu thích, công việc hứng thú và doanh nghiệp có văn hóa phù hợp, bởi vì đó chính là kim chỉ nam cho thành công của bất cứ một công việc nào.

Chính sự thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường làm việc mà sau 8 năm làm việc tại SCB, tôi vẫn chọn SCB là bến đậu cho mình.

Tin bài liên quan