Ông Phạm Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres)
Saigonres vướng vào tình trạng chung là trì trệ về thủ tục. Có thủ tục của dự án mà một năm làm không xong, dù Công ty có mối quan hệ rất tốt với các địa phương. Ví dụ, một dự án phải gia hạn tư cách chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án, mà lý do chậm là do phía địa phương quên không trình Hội đồng nhân dân nên dự án bị sót lại.
Thời điểm đó, doanh nghiệp xong thủ tục và dự án thuộc dạng được gia hạn tư cách chủ đầu tư nhưng không ai ký. Lý do là các ban, ngành có xáo trộn, thay đổi nên lãnh đạo phải phân công lại công việc. Đến năm vừa qua, Công ty xin gia hạn dự án mà rất khó.
Hay một dự án ở Vũng Tàu, doanh nghiệp mua dự án nhà ở đấu giá từ năm 2020 với giá 100 tỷ đồng, đã thanh toán xong mà đến hết năm 2022, chỉ có mỗi thủ tục sang tên cho doanh nghiệp cũng không xong.
Có thể do sơ sót của Ban Đấu giá hay của cơ quan quản lý đất đai. Đến tháng 3/2023, chúng tôi phải đưa vụ việc ra tòa. Đã qua hòa giải một lần nhưng doanh nghiệp đã thiệt hại rồi. Doanh nghiệp chỉ mong sai ở đâu thì sửa ở đó, để sang tên dự án cho doanh nghiệp hay trả lại tiền cho doanh nghiệp và ít nhất là kèm theo lãi suất.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII)
Đầu tư bất động sản, một lĩnh vực hoạt động của CII hiện có khó khăn lớn nhất là pháp lý với dự án. Gần đây, khi đặt vấn đề làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố, tôi cho rằng, giải quyết pháp lý thông suốt cho các dự án bất động sản là hút tiền vào.
CII có 2 dự án từ 2009 đến 2023 đến giờ vẫn chưa đủ điều kiện pháp lý để triển khai. Một dự án bị vướng là do “chỏi về luật”. Cụ thể, Luật Đấu thầu yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư, sử dụng đất thì phải đấu thầu. Trong khi đó, theo Luật Kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp nào có đất thì là chủ đầu tư.
Dự án ở Bình Chánh thì vướng tình trạng đất ở xen lẫn đất nông nghiệp. Hiện đã có quy định về xử lý đất công xen cài trong dự án thì giao cho chủ đầu tư triển khai dự án, tức về lý thuyết thì làm được. Tuy vậy, không ai dám làm, không ai ký.
Bà Đinh Nhật Hạnh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land
Hoạt động M&A, hay là mua dự án không phải là chiến lược mới, mà xuyên suốt quá trình hoạt động của Khải Hoàn Land (KHG).
Thời điểm này, thị trường bất động sản đang xấu nhất trong nhiều năm nay, là thời cơ để gia tăng quỹ đất.
Từ đầu năm nay, KHG đã tiếp xúc nhiều quỹ đầu tư trong khu vực muốn kết hợp với đơn vị ở Việt Nam có hệ thống phân phối lớn, họ cũng đánh giá các dự án ở các địa phương.
Theo đó, KHG tìm dự án phù hợp và phối hợp cùng đối tác ngoại.
Công ty cũng sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch, đưa giải pháp nhà ở tối ưu cho khách hàng trong một dự án, chứ không phải chỉ đơn thuần bán thô.
Công ty đặt mục tiêu hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án trên quỹ đất lên đến hơn 1.000 ha trong năm 2023 - đủ để phát triển trong vòng 5 năm tới với các dự án chủ đạo gồm La Partenza, TP.HCM; Helios Phú Quốc, dự án Gò Găng tại Vũng Tàu và các địa phương lân cận.
Tại TP.HCM, KHG tích cực phối hợp với đơn vị hợp tác phát triển dự án để hoàn thiện thủ tục pháp lý và đẩy nhanh tiến độ dự án La Partenza để đảm bảo dự án thi công trong năm 2023. Đây là dự án có quy mô 1.296 căn hộ, hoàn thiện 95% pháp lý, đã nộp hồ sơ chờ cấp phép xây dựng, hoàn thiện thử cọc khoan nhồi cho các block, chuẩn bị xây dựng tầng cao.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân
Tính đến hiện tại, Hoàng Quân đã phát triển được 25 dự án nhà ở xã hội; trong đó, hoàn thành 10 dự án với khoảng 10.000 căn. Riêng tại TP.HCM, Công ty đã hoàn thành 4.000 căn nhà ở xã hội. Hoàng Quân cũng đang phát triển 15 dự án, trong đó đã triển khai xây dựng 12 dự án và 3 dự án còn lại đang xúc tiến xin giấy phép xây dựng, tổng số căn dự kiến là 15.000 căn.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, nên gây ra khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh quỹ đất, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Một khó khăn nữa với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội là dòng vốn hỗ trợ. Từ năm 2002 đến 2022, Công ty tập trung vào việc phát triển mảng nhà ở xã hội với 10 dự án được hoàn thành, quy mô khoảng 10.000 căn. Tuy nhiên, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường đi xuống, doanh nghiệp này đã gặp khá nhiều khó khăn. Sự khó khăn đó phản ánh qua giá cổ phiếu, doanh thu, lợi nhuận những năm qua của Công ty.
Ngoài ra, thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội cũng còn nhiều khó khăn. Với thủ tục hành chính hiện nay, phải 5 - 10 năm mới hoàn thành một dự án. Chúng tôi cần một quy trình mạnh hơn. Cần có sự đột phá về thủ tục hành chính ở các địa phương lớn như TP.HCM.
Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG)
Thời gian qua, khó khăn chủ yếu đối với thị trường bất động sản về nguồn vốn và ách tắc pháp lý thì ai cũng đã nhìn thấy và cảm nhận rất rõ sự tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất sắp qua.
Thứ nhất, sau quý I/2023 khá trầm lắng, chúng ta có thể thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư công, thông qua việc thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại nhiều địa phương.
Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cũng giúp nhiều nhóm doanh nghiệp, trong đó có nhóm bất động sản.
Thứ hai, Chính phủ đã nhiều lần gửi thông điệp chính thức nhằm tháo gỡ và định hướng cho thị trường bất động sản, sau nhiều cuộc họp và chỉ đạo Chính phủ đã ban hành các chính sách gỡ vướng như Nghị định 08, Nghị quyết 33, Đề án 338, Nghị định 10, là căn cứ cho các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Trong đó, đặc biệt là hướng đến các nhóm giải pháp, chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Đặc biệt, nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì nhiều dự án được giải tỏa…, nhưng trên hết là củng cố niềm tin cho thị trường.
Thứ ba, dòng vốn tín dụng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, dù chưa tác động ngay trong ngắn hạn nhưng lãi suất có xu hướng giảm sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Vừa qua, Nghị quyết 33 đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ nghiên cứu xây dựng, ban hành 4 nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng và các quy định về trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…, đồng thời, yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục, song thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi để được giải quyết về mặt pháp lý.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi chỉ mong với các dự án đủ hồ sơ, đủ tiêu chuẩn thì sớm được cấp phép. Ngược lại, nếu dự án chưa đủ theo các tiêu chí thì cũng mong nhận được quyết định từ các bộ, ngành hay các đơn vị liên quan để doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch triển khai.