“Hòn đá tảng” đè thị trường
Dữ liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I/2023, chỉ có 14 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, bằng phân nửa so với quý trước đó. Trong đó, miền Bắc có 9 dự án, miền Trung 3 dự án, còn miền Nam vỏn vẹn 2 dự án với 93 căn hộ (số lượng căn hộ hoàn thành chỉ bằng 1,6% so với miền Bắc).
Điều tương tự diễn ra tại các dự án đang xây dựng, khi miền Bắc có 391 dự án thì miền Nam chỉ có 106, trong khi miền Trung vượt lên với 157 dự án. Èo uột nhất là dự án được cấp mới khi cả nước có 17 dự án với 7.187 căn hộ, nhưng miền Nam chỉ có 3 dự án, miền Trung 5 dự án, còn miền Bắc áp đảo với 9 dự án.
Số lượng dự án căn hộ được cấp phép mới trượt dốc trong 3 năm qua và ở mức thấp nhất trong quý I/2023 là điều đã được dự báo trước, khi vướng mắc pháp lý trở thành vấn đề cấp thiết cần phải sớm xử lý trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng kéo dài, nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái.
Liên quan tới ít nhất 50 ngành, lĩnh vực kinh tế khác, đóng góp trực tiếp khoảng 12% và gián tiếp tới 20-25% vào tăng trưởng GDP, nên như ví von của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, không khó hiểu khi thị trường bất động sản “hắt hơi” thì nền kinh tế cũng “sổ mũi” theo.
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tuần qua, những vấn đề của nền kinh tế đã được mổ xẻ khi động lực tăng trưởng suy giảm đáng kể từ mức 13,7% trong quý III/2022, sang đến quý IV/2022 chỉ đạt 5,9% và tiếp tục giảm xuống 3,32% trong quý I/2023. Trong đó, sự đi xuống của thị trường bất động sản có ảnh hưởng nghiêm trọng tới động lực tăng trưởng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các thị trường xuất hiện nhiều thách thức, từ thị trường tài chính, tiền tệ, tới bất động sản. “Hiện tại, đầu tư công còn cả triệu tỷ đồng trong ngân hàng, tương tự là các khoản của ngân sách cũng không giải ngân được. Nền kinh tế thiếu tiền, cung tiền M2 cũng thiếu hụt, lạm phát thấp, lãi suất cao…, toàn những nghịch lý cả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vào cuối phiên thảo luận, đó là tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi các cấp.
“Trong năm 2022, TP.HCM hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư 584 văn bản và Bộ phải trả lời bằng 604 văn bản, song vấn đề là tất cả các nội dung được hỏi đều thuộc thẩm quyền của Thành phố. Đấy là một hiện tượng né tránh, một hiện tượng đùn đẩy, một hiện tượng đá bóng, đá lên trên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các địa phương và thấy rằng, không phải tất cả các dự án đều bị vướng pháp lý, thậm chí ngược lại, pháp lý rất rõ ràng, chỉ có điều các địa phương còn e ngại chưa cho triển khai.
“Điều này cho thấy lãnh đạo địa phương có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Vì thế, các sở, ngành địa phương cứ ngồi với nhau rồi lại loanh quanh ý kiến, mà không ra quyết định triển khai, dẫn tới việc có nhiều dự án từ năm trước đến năm nay vẫn đứng yên”, ông Khởi nói.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, trong giai đoạn 2016-2022, có đến 357 dự án bị “treo” (chiếm 24,7% tổng số dự án) chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường. Khoảng 64 dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư sử dụng đất có nguồn gốc “đất công” thuộc các trường hợp do “sắp xếp lại, xử lý tài sản công” hoặc do “di dời nhà xưởng ô nhiễm” hoặc do “cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” mà chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý nên đã bị dừng triển khai thực hiện, dừng thi công; dừng các thủ tục xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền sử dụng đất bổ sung; dừng thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho chủ đầu tư, người mua nhà; không được huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, khiến cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà tại các dự án này gặp nhiều khó khăn.
“Không thể cứ họp nhiều mà thị trường vẫn vậy”
Liên quan tới ít nhất 50 ngành, lĩnh vực kinh tế khác, đóng góp trực tiếp khoảng 12% và gián tiếp tới 20-25% vào tăng trưởng GDP, nên không khó hiểu khi thị trường bất động sản “hắt hơi” thì nền kinh tế cũng “sổ mũi” theo.
Giữa tuần qua, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế. Vì vậy, việc tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường là hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo về những dự án bất động sản gặp vướng mắc điển hình, phương án giải quyết, thời hạn hoàn thành.
“Các đồng chí phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong, trong đó tập trung vào những nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau cuộc họp, chúng ta phải khẩn trương triển khai các giải pháp hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án, tạo chuyển biến, tác động tích cực ngay đến thị trường bất động sản. Không thể cứ họp nhiều mà vướng mắc vẫn vậy, thị trường vẫn vậy”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP-Invest, biến cố của thị trường bất động sản lần này khó khăn hơn rất nhiều so với những lần trước đó. Nếu cuộc khủng khoảng năm 2012 chỉ là biến động của thị trường, của quy luật cung cầu, thì cuộc khủng hoảng lần này còn có sự cộng hưởng của trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng, nên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ban, ngành.
“Doanh nghiệp không kỳ vọng quá nhiều vào việc thị trường bất động sản có thể bật dậy ngay, mà cần hồi phục từng bước, chậm mà chắc. Hiện nay, Chính phủ đang rất quan tâm và quyết tâm phục hồi thị trường khi đưa ra nhiều biện pháp mềm dẻo, linh hoạt để tháo gỡ những vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua ‘bão lớn’ và giữ được sự ổn định để phát triển. Tuy nhiên, đây là một thị trường lớn, phức tạp và để có thể vực dậy thì bên cạnh những nghị định, nghị quyết hay chính sách mới, cũng cần ổn định cả tâm lý cho thị trường. Nhìn chung, với động thái quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, kỳ vọng sự hồi phục của thị trường địa ốc sẽ diễn ra nhanh hơn”, ông Hiệp bày tỏ.
Đề xuất giải pháp, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước mắt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần rà soát toàn bộ dự án để giao cho địa phương, sau đó trình Quốc hội nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, trong đó quy định cụ thể dự án như thế nào thì được duyệt, dự án nào bị bỏ lại.
Theo ông Võ, chỉ khi được Quốc hội thông qua thì địa phương mới dám phê duyệt, nếu không địa phương sẽ không dám quyết, bởi ách tắc pháp lý là ách tắc lớn nhất, phổ biến nhất, dẫn tới tình trạng người có thẩm quyền không dám phê duyệt và điều này là khó tránh khi hệ thống pháp luật bất động sản còn chồng chéo. Đây là nguyên nhân chính cản trở việc phê duyệt dự án.