Luật Doanh nghiệp không đưa ra giới hạn về tỷ lệ vốn điều lệ mà DN được giảm

Luật Doanh nghiệp không đưa ra giới hạn về tỷ lệ vốn điều lệ mà DN được giảm

Gỡ vướng cho doanh nghiệp giảm vốn, cách nào?

(ĐTCK) Từ thực tế doanh nghiệp (DN) gặp vướng mắc trong giảm vốn điều lệ, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung giải pháp vào dự thảo Luật sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh, để gỡ khó cho DN.

Luật không cấm sao phải “lách”?

Tiếp tục câu chuyện giảm vốn điều lệ của một công ty niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) được Báo Đầu tư Chứng khoán phản ánh tại bài "Giảm vốn điều lệ: Bế tắc giữa ngưỡng 30% - 50%", hơn 3 tháng trôi qua sau khi được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 thông qua phương án giảm vốn điều lệ, công ty này vẫn đang tìm cách thực hiện mà chưa thể giảm vốn do nhà quản lý cho rằng, DN chỉ được quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán (Điều 130 Luật Doanh nghiệp). Với lý lẽ này, DN chỉ được giảm tối đa 30% vốn điều lệ.

Cách hiểu trên, qua trao đổi với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, là chưa chuẩn theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, Luật không hề đưa ra giới hạn nào về tỷ lệ vốn điều lệ mà DN được giảm. Thậm chí, theo quy định cải cách của Luật Doanh nghiệp, nếu DN đăng ký vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, nhưng sau khi hết thời hạn góp vốn, các bên đăng ký mua cổ phần chỉ thanh toán 10% số cổ phần đăng ký mua, DN hoàn toàn có quyền giảm tới 90% vốn điều lệ. Điều này có nghĩa là việc giảm vốn đến bao nhiêu là quyền quyết định của DN.

Có ý kiến cho rằng, DN có thể “lách” bằng cách chia làm 2 lần giảm vốn, chẳng hạn lần 1 giảm 30%, lần 2 giảm 20%. Tuy nhiên, DN không chọn phương án giảm vốn kiểu này vì cho rằng, thủ tục quá rườm rà, mất nhiều thời gian, trong khi hiện không có bất kỳ quy định nào khống chế DN chỉ được giảm tối đa 30% vốn điều lệ. Hơn nữa, nhu cầu giảm vốn điều lệ của DN là chính đáng, không thuộc diện pháp luật cấm, nên không việc gì phải “lách”.

Sau thời gian khá dài gõ cửa các cơ quan chức năng, mới đây công ty trên đã được cơ quan quản lý “bật đèn xanh” với nội dung hướng dẫn: theo Điểm a, Khoản 5, Điều 111, Luật Doanh nghiệp 2014, công ty có thể thay đổi vốn điều lệ theo quyết định của đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong 2 năm kể từ ngày đăng ký DN, bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.

Từ hướng dẫn mới trên, công ty sẽ chuyển hướng sang cách thoái vốn thông qua hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu của họ trong công ty, để khắc phục bế tắc của cách giảm vốn theo con đường mua lại cổ phần để hủy, do bị khống chế bởi quy định DN chỉ được quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán.

Công ty đang xúc tiến cùng Trung tâm Lưu ký và HOSE để định hình rõ quy trình và cách thức giảm vốn thông qua hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông để có thể thực hiện được mục tiêu giảm vốn điều lệ hơn 50% so với hiện tại.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ thông tin tới bạn đọc kết quả của trường hợp giảm vốn này, một động thái chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Chờ làm mới cơ chế

Từ vướng mắc trong giảm vốn điều lệ mà DN gặp phải, theo luật sư Trần Minh Hải, cần thẳng thắn nhìn nhận là pháp luật DN và chứng khoán còn những điểm chưa rõ ràng. Do đó, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh, mà Chính phủ đang thúc đẩy để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10 tới, cần phân tách thành 2 trường hợp để khắc phục bất cập hiện tại.

Thứ nhất, việc công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán chỉ nên được hiểu là áp dụng với các DN mua cổ phiếu quỹ, nhưng không giảm vốn điều lệ. Việc khống chế tỷ lệ này nhằm tránh tình trạng DN lạm dụng việc mua cổ phần, để có thể gây phương hại đến quyền lợi của các cổ đông, DN.

Thứ hai, khi DN mua lại cổ phần để hủy toàn bộ số cổ phần này nhằm giảm vốn điều lệ, thì không thể bị hạn chế bởi tỷ lệ mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán. Cần nới hơn mức 30%, nhưng cụ thể ở tỷ lệ nào thì tùy vào thực tiễn hoạt động của DN trong từng giai đoạn khác nhau, để đảm bảo hỗ trợ cho họ chủ động tăng hoặc giảm vốn điều lệ phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Sở dĩ vẫn nên hạn chế tỷ lệ cổ phần mà DN được phép mua lại trong tổng số cổ phần phổ thông đã bán, vì nếu để giảm đến mức không còn vốn, thì nên áp dụng hình thức giải thể, phá sản.

Là người tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phản ánh từ thực tế hoạt động của DN cho thấy, đề xuất trên là đáng nghiên cứu và xem xét, để tới đây khi ban hành Luật sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN giảm vốn điều lệ theo nhu cầu thực tế và luật chơi thị trường. 

Tin bài liên quan