Gỡ vướng “chi đầu tư hay chi thường xuyên”

0:00 / 0:00
0:00
Trình Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đề xuất phương án gỡ vướng “chi đầu tư hay chi thường xuyên” đang gây khó khăn cho nhiều địa phương.
Các khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư đang gây vướng mắc cho nhiều địa phương. Ảnh: Đức Thanh.

Các khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư đang gây vướng mắc cho nhiều địa phương. Ảnh: Đức Thanh.

Bổ sung nhiệm vụ chi thường xuyên

Những kỳ họp gần đây của Quốc hội, vướng mắc từ các khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư từng gây tranh luận kéo dài. Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội, thì rất nhiều địa phương đang vướng mắc bởi việc này.

Trình Quốc hội sửa một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (trong dự án một luật sửa 7 luật về tài chính, ngân sách), Chính phủ nêu một trong những lý do là hiện chưa có quy định cụ thể ranh giới phân định việc sử dụng nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên để thực hiện mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Vì vậy, phương án đề xuất là quy định rõ nội dung chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên.

Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung khoản 10a sau khoản 10, Điều 8, Luật Ngân sách nhà nước theo hướng quy định các nhiệm vụ được bố trí từ nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên.

Cụ thể: “Chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Đánh giá tác động, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho rằng, giải pháp này đảm bảo đồng bộ về tổ chức thực hiện pháp luật (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật khác có liên quan), tránh phát sinh các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện.

Tác động tích cực về kinh tế - xã hội, theo Bộ Tài chính, là hoàn thiện cơ sở pháp lý để Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương chủ động cân đối chi ngân sách nhà nước đã được cấp thẩm quyền thông qua hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ đã nêu ở trên.

“Đây là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý; giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về chi ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính khẳng định.

Tuy nhiên, phương án này cũng có tác động tiêu cực, đó là phát sinh thời gian nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật thực tiễn để phục vụ sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành.

Lo thiếu minh bạch, chồng chéo trong bố trí nguồn lực

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung các nhiệm vụ chi từ nguồn chi thường xuyên là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, phạm vi chính sách đề xuất được mở rộng rất nhiều so với quy định hiện hành và mở rộng nhiều đối tượng so với Dự thảo Nghị định của Chính phủ dự kiến ban hành, nhiều nhiệm vụ chi không thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên.

Theo Dự thảo Luật, nhiều nội dung, nhiệm vụ có chi phí lớn như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… là những hạng mục từ trước đến nay đều được bố trí trong chi đầu tư, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư dự án, nay được bố trí từ nguồn chi thường xuyên là không phù hợp về quy mô, tính chất. Điều này sẽ dẫn đến tăng tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với định hướng tại các nghị quyết của Đảng và nhiều nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đặc biệt là yêu cầu giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. “Tờ trình Dự án Luật cũng chưa đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện chính sách này”, Thường trực cơ quan thẩm tra lo ngại.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra nêu rõ, Dự thảo Luật không quy định rõ về điều kiện được sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho nhiệm vụ mang tính chất đầu tư, mức độ giới hạn về tổng mức vốn của nhiệm vụ chi trong các trường hợp được sử dụng vốn chi thường xuyên. Việc quy định như Dự thảo có thể sẽ dẫn tới thiếu minh bạch, chồng chéo trong bố trí nguồn lực.

“Trường hợp khó quy định cụ thể trong Luật, thì cần xác định rõ những nội dung cần cụ thể hóa và giao Chính phủ quy định cụ thể, còn những vấn đề thuộc chính sách, đối tượng áp dụng cần quy định rõ trong Luật”, cơ quan thẩm tra góp ý.

Từ những lý do trên, đa số ý kiến đề nghị sửa lại quy định mà Chính phủ đề xuất nói trên thành: “Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng được sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc chi đầu tư phát triển. Chính phủ quy định việc sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc chi đầu tư phát triển theo tính chất và quy mô đối với các nhiệm vụ chi cụ thể”.

Theo đó, xác định rõ trong Luật các nhiệm vụ chi tùy vào tính chất, quy mô được sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc chi đầu tư theo quy định của Chính phủ; đồng thời bỏ quy định “xây dựng mới” trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Báo cáo thêm tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Thành Long giải thích, đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 10, Điều 8, Luật Ngân sách nhà nước là để tổng hợp, quyết định ngay các dự án đầu tư mang tính cấp bách, tiết kiệm một quy trình để đưa vào danh mục các dự án đầu tư công.

“Ở đây hoàn toàn không có sự xung đột gì giữa Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công”, Phó thủ tướng khẳng định.

Đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẩn trương thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, thảo luận Dự án một luật sửa 7 luật tại Kỳ họp thứ tám, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính khả thi, thực tế, cụ thể của các điều khoản trong Dự thảo Luật. Không để xảy ra tình trạng sửa đổi, nhưng lại tạo các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới trong gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Mới thí điểm, cần cân nhắc kỹ

Cũng liên quan đến chi ngân sách, Dự thảo Luật bổ sung quy định: “Sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn; hỗ trợ địa phương khác cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng, liên vùng và công trình hạ tầng quan trọng khác”.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, hiện nay, một số địa phương đang áp dụng thí điểm cơ chế này, chưa có tổng kết, chưa đánh giá kết quả áp dụng, nên chưa có đủ cơ sở để áp dụng rộng rãi.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ việc quy định nội dung này tại Dự thảo Luật. Trường hợp cần thể chế hóa chủ trương trên, để phù hợp với nguyên tắc ban hành luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc tổng kết, sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chính sách đang thí điểm tại một số địa phương.

Đồng thời, cần cân nhắc bổ sung điều kiện áp dụng chính sách là bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách địa phương, không ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn thuộc thẩm quyền địa phương.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể loại dự án hạ tầng thiết yếu, quan trọng liên vùng được thực hiện chính sách này và các quy định về quy trình, thủ tục để bảo đảm không xảy ra vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tin bài liên quan