Gỡ vướng BOT giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Những tồn tại chậm được xử lý tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) lại tiếp tục dậy sóng.
Sau hơn 4 năm kể từ khi được đưa vào khai thác, Dự án BOT Cai Lậy được đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đã xuất hiện nhiều hư hỏng nghiêm trọng

Sau hơn 4 năm kể từ khi được đưa vào khai thác, Dự án BOT Cai Lậy được đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đã xuất hiện nhiều hư hỏng nghiêm trọng

Những tồn tại chậm được xử lý tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) - vốn được biết đến nhiều hơn với cái tên “BOT Cai Lậy”- lại tiếp tục làm dậy sóng các phương tiện đại chúng trong tuần qua.

“Sau hơn 4 năm kể từ khi được đưa vào khai thác, Dự án BOT Cai Lậy được đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đã xuất hiện nhiều hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện ổ gà, sình lún, đọng nước; một số biển báo, cọc tiêu bị nghiêng ngả, xiêu vẹo chậm được sửa chữa... làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là khi Tết Nguyên đán sắp đến”. Toàn bộ đoạn văn bản được đóng dấu ngoặc kép nói trên là báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tuần trước.

Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ cho biết, đã có rất nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở và yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trên cần phải nghiêm túc tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì theo quy định của pháp luật và Hợp đồng BOT, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn giao thông.

Cơ quan này cũng liên tục cảnh báo nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra tai nạn giao thông do yếu tố kỹ thuật kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không đảm bảo, không được bảo dưỡng sửa chữa kịp thời theo quy định.

Xét về mặt lý, để công trình rơi vào cảnh xuống cấp thê thảm như vậy, đương nhiên trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, nhưng về mặt địa phương thì quả là vừa đáng thương, vừa đáng trách.

Cần phải nói thêm rằng, sau hơn 4 năm đưa vào khai thác, đến thời điểm này, Dự án BOT Cai Lậy chưa được thu phí hoàn vốn đã đẩy nhà đầu tư vào cảnh sức cùng, lực kiệt về tài chính. Trong khi đó, Dự án BOT Cai Lậy được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2017 đến nay đã đến thời hạn cần phải bố trí lượng kinh phí rất lớn để trùng tu, sửa chữa.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Cai Lậy không phải là “điểm đen” BOT duy nhất. Tại Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa sau hơn 3 năm hoàn thành tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, Công ty BOT đường tránh Thanh Hóa vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thu phí hoàn vốn do vị trí đặt trạm thu phí không còn phù hợp.

Hậu quả là trong 3 năm qua, dù không được thu phí, Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa vẫn phải chi tới hàng chục tỷ đồng để trả lương nuôi bộ máy và bảo trì công trình. Đặc biệt, tuyến tránh phía Đông đã quá thời kỳ trùng tu hơn 3 năm, nhưng không có vốn để sửa chữa (theo hợp đồng, chi phí duy tu lấy từ doanh thu thu phí), dẫn đến nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn giao thông.

Ngoài việc không còn lực để duy tu, bảo trì, nhà đầu tư này đang rất khó khăn khi các khoản vay đã bị chuyển sang nhóm nợ xấu, gây lãng phí vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư.

Được biết, việc xử lý các vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, trong đó nổi cộm là dự án BOT Cai Lậy, BOT tuyến tránh Thanh Hóa từng được Chính phủ tổ chức nhiều phiên họp và chỉ đạo các giải pháp nhằm xử lý triệt để bất cập. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp các địa phương, các bộ, ngành để xử lý, nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm dù biết rằng ẩn họa này về an toàn tài chính, an toàn giao thông đang ngày một lớn đối với nhà đầu tư.

Những gì đang diễn ra tại Dự án BOT Cai Lậy cần phải coi là tiếng chuông cảnh tỉnh các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, theo đó cần phải quyết liệt, rốt ráo hơn nữa trong xử lý dứt điểm các vướng mắt tại dự án BOT giao thông.

Trong trường hợp các giải pháp như điều chỉnh trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu phí không dư địa để xử lý các bài toán tài chính, thì Nhà nước cần mạnh dạn bố trí vốn hoàn trả cho doanh nghiệp BOT khi lỗi không thuộc phía nhà đầu tư. Trường hợp không đưa được vào kế hoạch đầu tư công trung hạn thì có thể cân nhắc sử dụng nguồn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và hoàn trả sớm. Bên cạnh đó, nguyên tắc đặt ra là nếu không thực hiện được các cam kết trong hợp đồng, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Đây là động thái thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể và giữ chữ tín trong hoạt động kinh doanh, trong đó lĩnh vực BOT giao thông là thí dụ điển hình.

Tin bài liên quan