Theo đó, khi TTF được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chấp thuận việc thay đổi vốn điều lệ, TTF sẽ sáp nhập với Sứ Thiên Thanh, thời gian dự kiến từ ngày 21/5/2019.
Sau sáp nhập, Sứ Thiên Thanh sẽ bị chấm dứt tồn tại, TTF sẽ kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chịu trách nhiệm với các giao dịch (nếu có).
Thông tin trên đã được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường 2018 vào cuối tháng 10, sau đó tiếp tục thông qua Nghị quyết phát hành cổ phiếu để hoán đổi với Sứ Thiên Thanh theo phương án sáp nhập tại ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 11/2018.
Cụ thể, TTF sẽ chào bán 96,6 triệu cổ phiếu, hoán đổi theo tỷ lệ 8,21:1 với cổ phiếu Sứ Thiên Thanh, tức là các cổ đông của Sứ Thiên Thanh tại ngày chốt danh sách hưởng quyền sở hữu 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh sẽ được nhận 8,21 cổ phiếu TTF. Sau phát hành, Công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 2.146 tỷ đồng lên gần 3.112 tỷ đồng.
Mục đích của việc sáp nhập giúp TTF thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ. Dự kiến sau sáp nhập, TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó Sứ Thiên Thanh sẽ được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV, là công ty con do TTF sở hữu 100% vốn.
Cũng tại ĐHCĐ bất thường 2018, cổ đông của TTF còn thông qua việc thay đổi tên Gỗ Trường Thành sang tên mới là CTCP Total Furniture (viết tắt Total).
Được biết, Sứ Thiên Thanh do CTCP Đồng Tâm của bầu Thắng sở hữu 47,3% vốn. Sau sáp nhập, doanh thu kế hoạch 2019 của đơn vị hợp nhất ước khoảng 253 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12,8 tỷ đồng.
Về TTF, lũy kế cả năm 2018, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 1.028 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 804,7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2018 là âm hơn 2.122 tỷ đồng, suýt soát với mức vốn chủ sở hữu 2.146 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, hiện cổ phiếu TTF đang xoay quanh mức giá 3.x. Đóng cửa phiên 15/5, TTG giảm 1,7% xuống 3.550 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.