Theo đó, doanh nghiệp dự kiến chào bán 59.465.763 cổ phiếu ưu đãi cổ tức để bổ sung vốn lưu động, tái cấu trúc nợ vay với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, nếu phát hành thành công sẽ huy động được 594,66 tỷ đồng. Cổ phiếu ưu đãi có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Nhà đầu tư sẽ được mức cổ tức định kỳ 12%/năm. Doanh nghiệp cho biết thêm, sẽ thực hiện phát hành sau khi được chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Doanh nghiệp công bố danh sách dự kiến mua gồm 19 nhà đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư Đỗ Thạch Vũ đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu, tương ứng 150 tỷ đồng; nhà đầu tư Nguyễn Thị Thanh Xuân đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu, tương ứng 150 tỷ đồng; nhà đầu tư Hồ Minh Quang đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, tương ứng số tiền 100 tỷ đồng; nhà đầu tư Đào Thuỵ Phương Thảo đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu, tương ứng số tiền 50 tỷ đồng; nhà đầu tư Đặng Văn Trí đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu, tương ứng số tiền 30 tỷ đồng; nhà đầu tư Trần Đình Nam đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu, tương ứng số tiền 30 tỷ đồng… và các nhà đầu tư khác.
Trong Đại hội đồng cổ đông năm 2021, khi nói về đợt phát hành riêng lẻ này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF cho biết: “Trước hết mọi người nhận mức cổ tức 12%/năm, sau đó có thể chuyển đổi khi cổ phiếu vượt mệnh giá. Tôi cam kết quý vị, cổ phiếu TTF sẽ vượt 10.000 đồng/cổ phiếu sớm thôi. Tôi bỏ vô hơn 100 tỷ đồng trong đợt phát hành riêng lẻ này, mong quý vị cùng đi theo tôi làm chuyện đó”.
Tuy nhiên, trong danh sách 19 nhà đầu tư đăng ký mua mà TTF vừa công bố, không có tên ông Mai Hữu Tín.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ phát hành cổ phiếu ưu đãi hoán đổi nợ, số cổ phiếu dự kiến phát hành là 40.534.237 cổ phiếu để hoán đổi nợ cho chủ nợ là Bùi Hồng Minh với giá trị khoản nợ 405.342.370.000 đồng.
Số cổ phiếu hoán đổi nợ sẽ nhận mức cố tức cố định là 6,5%/năm, người sở hữu cổ phiếu chuyển đổi được quyền chuyển đổi từ cổ phiếu ưu đãi sang cổ phiếu phổ thông ở bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, cổ phiếu ưu đãi bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và thời gian thực hiện phát hành cổ phiếu chuyển đổi là sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Trong quý I/2021, TTF ghi nhận doanh thu đạt 312,3 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế là âm 39,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1,7 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 9,3% lên 11,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 51,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 12,27 tỷ đồng lên 35,97 tỷ đồng; lợi nhuận tài chính là âm 21,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 24 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 35,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 9,3 tỷ đồng lên 35,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 38,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 10,4 tỷ đồng về 16,4 tỷ đồng.
Nếu chỉ xét hoạt động kinh doanh chính (Doanh thu thuần – giá vốn hàng bán – chi phí bán hàng – chi phí quản lý doanh nghiệp), trong kỳ, TTF có lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính là âm 16,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 29,6 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, trong kỳ lợi nhuận khác chỉ ghi nhận âm 0,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là lãi 56,7 tỷ đồng. Như vậy, hụt lợi nhuận khác dẫn tới TTF báo lỗ trong quý đầu năm 2021.
Được biết, trong năm 2021, TTF đặt kế hoạch doanh thu 2.025,32 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 59,03 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm với mức lợi nhuận trước thuế là âm 39,2 tỷ đồng, TTF còn cách rất xa kế hoạch năm.
Ngoài ra, với mức lỗ trong quý I/2021 đã nâng mức lỗ lũy kế của TTF lên 3.083,8 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ chỉ là 3.111,98 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ lũy kế bằng 99,1% vốn điều lệ (vốn điều lệ chỉ còn cao hơn mức lỗ lũy là 28,18 tỷ đồng). Nếu như doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh đi xuống và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ sẽ vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu TTF tăng 170 đồng lên 7.220 đồng/cổ phiếu.