Gỗ Trường Thành (TTF) muốn phát hành riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động sau khi kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã chứng khoán TTF - sàn HOSE) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại Bình Dương.
Gỗ Trường Thành (TTF) muốn phát hành riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động sau khi kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Theo đó, trong năm 2022, TTF đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2022 bằng 28,98 lần thực hiện trong năm 2021.

Trong năm tài chính, đối với xuất khẩu, Công ty tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Crate & Barrel, Williams Sonoma, TIX… Đối với thị trường nội địa, Công ty tiếp cận nhiều hơn các chủ đầu tư mới ngoài các khách hàng cũ. Đặc biệt, năm 2022 sẽ thanh lý hoàn toàn tồn kho gỗ, đoạn tuyệt hoàn toàn với các tồn đọng cũ.

Xét về cổ tức, năm 2021 công ty tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông. Ngược lại, hội đồng quản trị được đề xuất chia tổng cộng 1,32 tỷ đồng thù lao trong năm 2021 và dự kiến tiếp tục chia 1,32 tỷ đồng cho HĐQT trong năm tài chính tiếp theo. Trong đó, riêng Chủ tịch HĐQT là ông Mai Hữu Tín đã nhận được 360 triệu đồng thù lao trong năm 2021.

Như vậy, trái với cổ đông không được chia cổ tức, ban lãnh đạo công ty vẫn nhận thù lao hàng năm.

Ngoài ra, công ty cũng trình cổ đông kế hoạch đổi tên từ CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành sang CTCP TTF.

Một nội dung đáng chú ý khác, công ty tiếp tục thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu, giá bán sẽ uỷ quyền cho HĐQT quyết định. Toàn bộ số tiền huy động được dùng vào việc bổ sung vốn lưu động nhằm phục vụ hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh.

Công ty cho biết thêm, đối tượng phát hành là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Thời gian thực hiện sau khi được chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Gỗ Trường Thành

Theo đó, sau kiểm toán năm 2021, TTF ghi nhận doanh thu giảm 33,1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về 1.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 17,5 tỷ đồng về âm 8,7 tỷ đồng. Như vậy, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đã chuyển từ lãi 8,8 tỷ đồng sang lỗ 8,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 54,9 tỷ đồng lên 139,9 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 11,2 tỷ đồng về chỉ còn 21,8 tỷ đồng; doanh thu thuần giảm 33,1 tỷ đồng về 1.607 tỷ đồng và một số yếu tố khác.

Nếu xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), năm 2021, hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục âm 78,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 53,1 tỷ đồng.

Lũy kế trong năm 2021, doanh thu tăng thêm 393,5 tỷ đồng lên 1.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 39,2 tỷ đồng về âm 8,7 tỷ đồng.

Như vậy, sau kiểm toán, công ty đã chuyển từ lãi sang lỗ trong năm tài chính 2021. Với việc ghi nhận lỗ trong năm 2021, tính tới 31/12/2021, tổng lỗ lũy kế của TTF đã là 3.052,48 tỷ đồng, bằng 74,2% vốn điều lệ công ty.

Một điểm đáng lưu ý, kiểm toán nhấn mạnh, tính tới 31/12/2021, nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.052,48 tỷ đồng và tổng nợ phải trả ngắn hạn nhóm công ty cũng vượt hơn tổng tài sản ngắn hạn với số tiền là 251,82 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.

Được biết, tính tới 31/12/2021, nợ ngắn hạn của công ty là 2.341,5 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn là 2.089,7 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 251,82 tỷ đồng và công ty đang sử dụng nợ ngắn hạn để tài trợ một phần cho tài sản dài hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 12/4, cổ phiếu TTF giảm 550 đồng về 14.200 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan