Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành dự kiến diễn ra vào ngày 29/4 tới đây.
Theo tài liệu công bố, Công ty có tờ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc đổi tên công ty. Cụ thể, ngày 26/4/2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 đã thông qua việc đổi tên Công ty thành Công ty cổ phần TTF. Nay Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành trình Đại hội đồng cổ đông thông qua tiếp tục thực hiện việc đổi tên công ty đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua. Cụ thể, tên thay đổi như sau: Tên công ty bằng tiếng Việt dự kiến thay đổi: Công ty cổ phần TTF. Tên công ty bằng tiếng Anh dự kiến thay đổi: TTF Corporation. Tên công ty viết tắt: TTF.
Cùng với đó, TTF có tờ trình Đại hội đồng cổ đông huỷ chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Trước đó, theo Nghị quyết số 01/2022/ĐHĐCĐ-TTF ngày 26/4/2022 của Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán là 41,12 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán theo mệnh giá hơn 411,2 tỷ đồng.
TTF cho biết, sau quá trình làm việc với các cơ quan quản lý, trên cơ sở đánh giá lại tình hình thị trường không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc chào bán và lợi ích của cổ đông, cũng như đánh giá lại kế hoạch sử dụng nguồn vốn, kế hoạch kinh doanh của Công ty. HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc hủy phương án chào bán 41,12 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua tại Nghị quyết số 01/2022/ĐHĐCĐ- TTF.
Trong trường hợp xét thấy có nhu cầu cần thiết về vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn. Việc triển khai kế hoạch tăng vốn sẽ được HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua tại các kỳ tổ chức Đại hội đồng cổ đông.
Năm 2023, TTF ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.567 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 144 tỷ đồng.
Lãnh đạo TTF cho rằng dù kết quả không được kế hoạch đề ra nhưng có thể chấp nhận trong bối cảnh diễn biến còn nhiều khó khăn, phức tạp của nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, với sự biến động tỷ giá, các chi phí đầu vào đều tăng, hiện tượng biến đổi khí hậu và đặc biệt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine kéo dài chưa kết thúc dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ đình đốn kinh tế toàn cầu. Kết quả năm 2023 là một sự nỗ lực của Ban Tổng giám đốc và toàn thể người lao động công ty.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, tài liệu Đại hội chưa công bố, nhưng TTF xác định năm 2024 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới sẽ có những diễn biến khó lường, Công ty chủ động đàm phán với các khách hàng truyền thống, đẩy mạnh mảng xuất khẩu trong đó tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn và tập trung chủ lực vào thị trường Mỹ, Ý, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các kênh bán lẻ uy tín. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm đối tác có tiềm năng trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất nhằm liên doanh, liên kết để gia tăng năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng.
Cổ phiếu TTF nằm trong diện cảnh báo theo quyết định số 253 ngày 19/4/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Ngày 3/4/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM có quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu TTF. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/4, cổ phiếu TTF giảm 0,95% đạt thị giá 4.150 đồng/cổ phiếu.