Gỗ Trường Thành vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức

Gỗ Trường Thành vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức

Gỗ Trường Thành (TTF): Gian nan tái cấu trúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo soát xét bán niên 2022, Gỗ Trường Thành (mã TTF) không còn bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, song điều đó không đồng nghĩa với việc sức khỏe của doanh nghiệp tốt lên.

Thay đổi ghi nhận khoản đặt cọc, báo cáo kiểm toán “sạch” hơn

Kể từ quý II/2018, trên báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên và báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành), đơn vị kiểm toán liên tục có ý kiến nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế lớn và nợ phải trả ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Trong báo cáo kiểm toán năm 2021 của Gỗ Trường Thành, kiểm toán viên cho biết, “Công ty phải gánh khoản lỗ lũy kế 3.052,5 tỷ đồng, tổng nợ phải trả ngắn hạn vượt tổng tài sản ngắn hạn số tiền 252 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục”.

Tuy vậy, báo cáo soát xét bán niên năm 2022 đã không còn xuất hiện những dòng như vậy. Điều này là nhờ khoản mục nợ phải trả ngắn hạn giảm hơn 900 tỷ đồng, từ mức 2.341,5 tỷ đồng ở thời điểm 31/12/2021 về còn 1.454,6 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022 - thấp hơn tài sản ngắn hạn tại cùng thời điểm (1.944,5 tỷ đồng).

Tính tới 30/6/2022, tổng lỗ luỹ kế của Gỗ Trường Thành đã lên tới 3.041,7 tỷ đồng, bằng 74% vốn điều lệ.

Nguyên nhân nợ phải trả ngắn hạn giảm mạnh của Công ty lại đến từ thay đổi cách ghi nhận khoản tiền người mua trả tiền trước. Theo đó, tại thời điểm cuối tháng 6/2022, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn chỉ còn 134,5 tỷ đồng, giảm 1.044,3 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Thay vào đó, khoản mục người mua trả tiền trước dài hạn lại tăng vọt, khi ghi nhận 1.032,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Nếu không có việc điều chuyển khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn sang dài hạn 1.032,3 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn sẽ lớn hơn tài sản ngắn hạn 542,4 tỷ đồng, Công ty có thể mất cân đối kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn là 542,4 tỷ đồng (kỳ hạn dưới 1 năm) tài trợ tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).

Công ty thuyết minh biến động người mua trả tiền trước liên quan tới khoản tiền đặt cọc của Công ty cổ phần Vinhomes.

Được biết, khoản Vinhomes trả tiền trước theo thỏa thuận nguyên tắc ngày 15/5/2017 chỉ định Gỗ Trường Thành là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm gỗ phục vụ dự án của Vingroup và công ty con, với tổng giá trị dự kiến 16.000 tỷ đồng. Vingroup và các công ty con đã đặt cọc số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng.

Gỗ Trường Thành cho biết, vào ngày 15/5/2022, hai bên đã gia hạn thỏa thuận tới ngày 15/5/2027, vì vậy, Công ty đã thay đổi kỳ hạn ghi nhận từ ngắn hạn sang dài hạn.

Nội tại chưa hết khó

Việc thay đổi về bút toán kế toán với khoản tạm ứng từ đối tác giúp báo cáo tài chính bán niên của Gỗ Trường Thành “sạch” hơn, nhưng thực tế sức khỏe tài chính của Công ty lại không phải đã tốt lên.

Bỏ qua yếu tố chất lượng báo cáo tài chính tự lập khi chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế bị kiểm toán điều chỉnh giảm 3,26 tỷ đồng, thì con số 4,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng hợp nhất Công ty đạt được (sau soát xét) cho thấy hiệu quả kinh doanh rất thấp của doanh nghiệp. Với quy mô vốn điều lệ 3.935,5 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong 6 tháng đầu năm của Gỗ Trường Thành chỉ đạt 11 đồng.

Đáng chú ý, dù doanh thu giai đoạn nửa đầu năm nay ghi nhận 1.159,34 tỷ đồng, tăng 54,6% so với cùng kỳ 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty lại suy giảm tới 52,3%. Hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi (Lợi nhuận gộp trừ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính) lỗ tới 30,03 tỷ đồng, tăng lỗ 25,07 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Kể từ sau cú sốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng hàng tồn kho, khiến báo cáo tài chính bán niên năm 2016 của Gỗ Trường Thành ghi nhận số lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh của Công ty liên tục lao dốc.

Dù có sự “thay máu” cổ đông lớn và lãnh đạo mới thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tái cấu trúc doanh nghiệp, nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty liên tục thua lỗ từ năm 2018 tới nay. Năm 2018, lỗ 970,2 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 889,4 tỷ đồng; năm 2020 lỗ 53,1 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 78,4 tỷ đồng. Công ty có lãi trong năm 2020, năm 2021 và 6 tháng đầu năm không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác.

Việc nhận tạm ứng của Vinhomes nhưng chưa cung cấp dịch vụ đồng nghĩa với việc Gỗ Trường Thành tiếp tục phải chịu thêm áp lực lãi tính trên khoản tạm ứng nói trên. Thuyết minh báo cáo tài chính bán niên 2022 của Công ty cho biết, tính tới ngày 30/6/2022, chi phí lãi từ khoản ứng trước từ Vinhomes là 195,76 tỷ đồng, tăng 15,41 tỷ đồng so với đầu năm; chi phí lãi vay từ các khoản vay quá hạn chưa thanh toán là 60,9 tỷ đồng…

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành khẳng định, “Công ty đã đi qua điểm hoà vốn và từ bây giờ là giai đoạn tăng trưởng”. Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng của lãnh đạo Công ty. Sau 4 quý có lãi liên tiếp, quý II vừa qua, Gỗ Trường Thành quay lại trạng thái thua lỗ. Tính tới 30/6/2022, tổng lỗ luỹ kế của Công ty đã lên tới 3.041,7 tỷ đồng, bằng 74% vốn điều lệ.

Năm nay, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 6,18% kế hoạch lợi nhuận năm. Với những diễn biến bất lợi của ngành từ đầu quý III - sức cầu trên các thị trường xuất khẩu quan trọng chậm lại trước áp lực lạm phát, việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm đang là thách thức lớn với Công ty.

Đầu tháng 7/2022, Gỗ Trường Thành công bố Nghị quyết về kế hoạch chào bán riêng lẻ 41,1 triệu cổ phiếu, với mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu. Bên mua là Công ty cổ phần Marina 2. Trong tổng số vốn 452,3 tỷ đồng dự kiến huy động được, 285,7 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán tiền cho các nhà cung cấp và 166,6 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cổ phần Tekcom Central.

Cùng với đà suy giảm của thị trường chung, giá cổ phiếu TTF trên sàn đến cuối tuần qua (9/9/2022) chỉ còn 7.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 32,72% so với giá dự kiến phát hành riêng lẻ.

Trong bối cảnh Công ty vẫn đối mặt với nhiều vấn đề như lỗ luỹ kế lớn, áp lực cung cấp dịch vụ để trả cho khoản tạm ứng của Vinhomes (đã phải trả lãi trên khoản tạm ứng), hoạt động cốt lõi vẫn tiếp tục âm, giới đầu tư đặt câu hỏi về khả năng thành công của đợt phát hành này.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm tới nay, trước diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã hoãn/huỷ hoặc giảm giá chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, phát hành riêng lẻ so với dự kiến ban đầu. Đơn cử, TTC Land (mã SCR) hoãn kế hoạch chào bán 51,29 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu và kế hoạch phát hành 18.300 triệu cổ phiếu ESOP với giá 11.000 đồng/cổ phiếu; Hodeco (mã HDC) hoãn kế hoạch phát hành riêng lẻ 8,6 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 100.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan