Doanh nghiệp Việt luôn thích nghi để trưởng thành.

Doanh nghiệp Việt luôn thích nghi để trưởng thành.

Gỡ thách thức, đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức trong năm 2025. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp là mục tiêu hàng đầu nhằm ổn định thị trường trong năm mới.

Tăng các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Chiều ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 90,6 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc, với 217,5 tỷ USD và Mexico, với 125,5 tỷ USD).

Có thể thấy, việc thâm hụt thương mại song phương lên tới 90.6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024 khiến Việt Nam có nguy cơ đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, đặc biệt là khi ông Donald Trump tái đắc cử.

Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Hoa Kỳ là quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Tính riêng năm 2024, Hoa Kỳ chiếm 11/27 vụ điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam, quốc gia này còn tăng cường các vụ điều tra “kép” bao gồm cả chống bán phá giá lẫn chống trợ cấp…

Các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ ngày càng khắt khe, cứng rắn hơn, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đơn cử từ đầu năm 2023 đến nay, Hoa Kỳ có 2 lần thay đổi biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó xuất hiện khái niệm chưa từng có tiền lệ như “trợ cấp xuyên quốc gia”. Kể từ thời điểm điều luật này có hiệu lực ngày 24/4/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời từ 4 nước gồm Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam được hưởng lợi từ trợ cấp xuyên quốc gia của Chính phủ Trung Quốc.

Mỹ đang gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Mỹ đang gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Gỡ thách thức, nâng cơ hội hợp tác

Đứng trước thách thức lớn, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy, Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho rằng, cái hay của Việt Nam là luôn có những động thái mạnh mẽ, thích nghi để trưởng thành.

Vào thời điểm Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2016, Chính phủ Việt Nam kiên trì theo con đường ngoại giao linh hoạt, ký kết loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hay khi đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy nhưng cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, riêng ngành da giầy có khá nhiều thương hiệu lớn đặt hàng, có những doanh nghiệp đã chủ động 70-80% nguyên liệu trong nước.

“Do đó, thách thức của các doanh nghiệp Việt cần vượt qua sắp tới không chỉ ở vấn đề chính sách thương mại mà cần vượt qua hàng rào kỹ thuật như sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn…”, ông Kiệt nhận định.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, ngành gỗ Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều từ các Hiệp định FTA , gần như 100% các thị trường chính của ngành gỗ đều áp dụng mức thuế 0%. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác lớn cung cấp đồ nội thất vào Hoa Kỳ, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.

“Về thách thức sắp tới, ngành gỗ có rủi ro bị đánh thuế khi ông Trump đắc cử, nhưng đối thủ lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc còn bị đánh thuế nhiều hơn, do đó, Hiệp hội không quá lo ngại về vấn đề này, thay vào đó lo ngại hơn cả về vấn đề lạm phát tại Hoa Kỳ. Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều đẩy mạnh mở rộng sang nhiều thị trường mới”, ông Bảo chia sẻ.

Dù còn nhiều bài toán khó song nhìn chung, so với cùng thời điểm của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã hồi phục mạnh mẽ và dần quay lại đà tăng trưởng ổn định như năm 2022.

Hiện các mặt hàng trong top 15 xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng tốt phải kể đến như: Đồ gỗ nội thất tăng 23,9%, đạt giá trị 9,57 tỷ USD; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế tăng 15,6%, đạt giá trị 1,18 tỷ USD; giày dép tăng 14%, đạt giá trị 6,7 tỷ USD…

Theo bà Anne Benjaminson, Quyền Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM khẳng định Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Apple, Intel, Nike… đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

Hoa Kỳ cũng đang hợp tác với Việt Nam để phát triển lĩnh vực thương mại số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể bán sản phẩm trực tuyến và tiếp cận các thị trường mới. Một ví dụ điển hình cho nỗ lực này là Biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công thương nhằm thực hiện một chương trình trị giá 3,2 triệu USD, tập trung vào đẩy mạnh hoạt động thương mại số.

Đồng thời, tăng cường đào tạo kỹ năng kỹ thuật và phát triển nhân lực thông qua mở rộng quan hệ đối tác hợp tác công-tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoa Kỳ cũng sẽ song hành cùng Việt Nam cải thiện năng lực quy hoạch và vận hành năng lượng, khuyến khích và huy động đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng sạch tiềm năng và tài trợ cho các nghiên cứu khả thi để phát triển cơ sở hạ tầng điện thiết yếu, giới thiệu các công nghệ tiên tiến và tiên phong như hệ thống pin lưu trữ năng lượng…

“Tuy nhiên, dù có rất nhiều cơ hội đầy hứa hẹn, song các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: Chậm trễ do thủ tục hành chính, tiến độ chuyển đổi năng lượng không như mong đợi… Do đó, chúng tôi mong muốn cải thiện các vấn đề này để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước”, bà Anne Benjaminson cho hay.

Tin bài liên quan