Ông Lee Jae Eun, Tổng giám đốc Everpia: "Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan quản lý TTCK có biện pháp "ép" các DN lên niêm yết".

Ông Lee Jae Eun, Tổng giám đốc Everpia: "Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan quản lý TTCK có biện pháp "ép" các DN lên niêm yết".

Gỡ tắc cho doanh nghiệp FDI lên sàn

(ĐTCK-online) Báo ĐTCK ra ngày 23/4 có đề cập trường hợp CTCP Everpia Việt Nam, mặc dù có kế hoạch niêm yết trên HOSE từ quý III/2009, nhưng đến nay vẫn "tắc" do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đều trả lời: chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều khiến Everpia, cũng như nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có ý định niêm yết trên TTCK Việt Nam bức xúc là gần 1 năm sau khi Quyết định 55/2009/QĐ-TTg thay thế Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam có hiệu lực, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Câu trả lời cho vướng mắc này phần nào được giải đáp qua cuộc trao đổi của ĐTCK với TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK.

 >> Thiếu hướng dẫn cho doanh nghiệp FDI lên sàn

DN "ngồi trên đống lửa"

Ông Lee Jae Eun, Tổng giám đốc Everpia cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan quản lý TTCK có biện pháp "ép" các DN lên niêm yết, chứ không có chuyện DN "xung phong" lên niêm yết như Everpia mà lại bị cản trở.

Với cơ cấu 47% cổ phần của Everpia do cổ đông nước ngoài nắm giữ, còn lại là do cổ đông trong nước nắm giữ, ông Lee cho rằng, việc không được chấp thuận niêm yết đang gây thiệt hại lớn cho chính các cổ đông trong nước. Trên thực tế, lãnh đạo Công ty đang phải chịu sức ép rất lớn từ phía cổ đông trong nước, cũng như các cổ đông chiến lược do không thực hiện được kế hoạch niêm yết như đã cam kết.

Đại diện Everpia cho biết, cuối năm 2009, sau khi Công ty nhận được công văn trả lời của HOSE và UBCK với cùng nội dung: hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty hoàn toàn hợp lệ, chỉ chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính là sẽ chính thức được chấp thuận niêm yết. Nhưng nửa năm trôi qua, đến nay Công ty vẫn phải chờ trong vô vọng. Cực chẳng đã, Công ty đã thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc gửi thư "kêu cứu" tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, nhưng chưa nhận được hồi âm.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc CTCK EuroCapital cho rằng, những vướng mắc mà các DN FDI đang gặp phải khi có kế hoạch lên niêm yết trên TTCK Việt Nam đang gây cản trở cho nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng giữa DN "nội" và DN "ngoại", đặc biệt là nỗ lực phát triển mạnh mẽ TTCK để trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho nền kinh tế.

 

Câu trả lời của UBCK

Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết: hiện nay, Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của NĐT nước ngoài là tối đa 49% vốn điều lệ của công ty cổ phần đại chúng, mà không quy định cụ thể đối với các trường hợp DN FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần (đây là điểm khác biệt với Quyết định 238/2005/QĐ-TTg trước đây là có quy định cụ thể đối với DN FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần).

Vì vậy, để có cơ sở hướng dẫn đối với DN FDI, UBCK đã báo cáo Bộ Tài chính để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, trên cơ sở đó, UBCK sẽ đưa vào Thông tư hướng dẫn Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về việc sở hữu cổ phiếu và niêm yết đối với các DN FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần. Văn bản này đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Trả lời câu hỏi mà nhiều DN đang quan tâm là vướng mắc hiện nay sẽ được tháo gỡ theo hướng nào, ông Sơn cho biết: xuất phát từ thực tế, DN FDI khi chuyển đổi sang công ty cổ phần không bị hạn chế về sở hữu nước ngoài (theo quy định tại Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư), ngoại trừ DN FDI chuyển đổi muốn được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư, thì bên nước ngoài phải nắm giữ tối thiểu 30% vốn điều lệ. Do đó, trước khi niêm yết cổ phiếu, bên nước ngoài có thể đã nắm giữ vượt mức 49% vốn điều lệ.

Thực tiễn cho thấy, bên nước ngoài chỉ bị hạn chế về sở hữu tỷ lệ bởi quy định của pháp luật chuyên ngành, hoặc danh mục phân loại ngành nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (ví dụ ngân hàng là 30% vốn điều lệ).

Hiện nay, các DN FDI trước khi chuyển đổi có thể sở hữu đến 100% vốn điều lệ, sau khi chuyển đổi tỷ lệ này có thể giảm xuống dưới 100%. Tuy nhiên, do nhu cầu sở hữu để nắm quyền kiểm soát DN, nên bên nước ngoài có thể mua vào cổ phiếu làm tăng tỷ lệ sở hữu, hoặc trường hợp DN phát hành tăng vốn điều lệ mà NĐT trong nước không mua, thì cũng làm gia tăng tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu các DN FDI chuyển đổi phải tuân thủ quy định tỷ lệ sở hữu tối đa 49%, thì sẽ hạn chế nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

"Do đó, theo tôi đối với các DN FDI, khi chuyển đổi không nên hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, kể cả khi giao dịch cũng như khi DN phát hành để tăng vốn điều lệ. Còn nếu yêu cầu DN FDI phải bán ra cổ phiếu để giảm xuống dưới 49%, thì không khác gì chúng ta khuyến khích DN FDI thoái vốn đầu tư, đây là điều không nên", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho hay, hiện Bộ Tài chính đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng, đối với các DN FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (ngoại trừ các lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

Ngoài ra, khi niêm yết, DN FDI chuyển đổi sẽ phải niêm yết toàn bộ cổ phiếu theo vốn điều lệ, số cổ phiếu nếu bị hạn chế chuyển nhượng (để hưởng ưu đãi đầu tư) sẽ được hạch toán vào tài khoản lưu ký hạn chế chuyển nhượng. Khi phát hành tăng vốn điều lệ, DN FDI không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, việc xử lý cho các DN FDI về niêm yết và sở hữu nước ngoài chỉ được đưa vào Thông tư hướng dẫn Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Bộ Tài chính sau khi có ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ và hy vọng vấn đề này sẽ sớm được xử lý.