Phát biểu về tính cần thiết của việc sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, kể từ khi có hiệu lực, Luật Xây dựng đã giúp công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xây dựng được chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì Luật Xây dựng vẫn còn những hạn chế bất cập như tính đồng bộ của pháp luật với các Luật chuyên ngành khác.
Hiện nay, đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật. Cụ thể: Yêu cầu phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật.
Do vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tán thành các nội dung đã nêu của việc sửa đổi bổ sung, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cho biết, việc ban hành Luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước...
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì nhận thấy Luật Xây dựng có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số văn bản đang được xây dựng mới và tiếp tục được hoàn thiện.
Hơn nữa, Luật Xây dựng có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật mới được ban hành, chưa có nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết đầy đủ, toàn diện.
"Vì vậy, trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cũng nhất trí với một số ý kiến đề nghị có thể mở rộng thêm phạm vi sửa đổi, bổ sung ở một số nội dung của Luật nếu đáp ứng được các nguyên tắc nói trên" ông Dũng nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần xác định lại rõ ràng liệu phạm vi nội dung sửa đổi có thực sự bức xúc hay không. Nếu có thì nên dành thời gian nghiên cứu vì luật xây dựng là bộ luật lớn, trong khi kỳ họp này đang sửa đổi nhiều luật có khả năng chồng chéo. Vì vậy, có thể nên cần nhắc sửa đổi sau khi đã thống nhất các luật chuyên ngành khác.
Nhấn mạnh hơn tới các nội dung sửa đổi Luật xây dựng, ông Phúc cho rằng, cần phải có đánh giá sát sao hơn, và các quy định mang tính chặt chẽ hơn. Mặc dù Bộ Xây dựng đã nỗ lực trong việc điều chỉnh để giảm thiểu các quy định về cấp phép xây dựng, quản lý cấp công trình, tuy nhiên, có vẻ như việc điều chỉnh lại theo lối mòn cũ, chưa tạo ra sự khác biệt và hiệu quả.
Đặc biệt, việc sửa đổi cần phải nhấn mạnh tới việc tăng cường hiệu quả công tác giám sát quản lý trật tự xây dựng và đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng, giảm tải gánh nặng cho người dân.
Trong thực tế, bên cạnh những công trình chỉ vương vãi 1 bao xi măng, thanh tra xây dựng cũng nắm rất nhanh, nhưng lại có những công trình cao hàng chục tầng với nhiều sai phạm thì thanh tra lại "không hề biết".
Ông Phúc cho biết, với nhiều quy định mang nặng tính kỹ thuật đã được các đại biểu nêu ra, nhưng qua tiếp nhận ý kiến cử tri nổi lên hai vấn đề lớn nhất là việc "nếu sửa luật" thì thủ tục cấp phép xây dựng và tình trạng nhiêu khê trong quản lý trật tự xây dựng liệu có được giảm tải, giảm bớt cho người dân.
Bổ sung quan điểm của Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đây là lần đầu tiên đưa ra việc sửa đổi Luật Xây dựng.
Lấy dẫn chứng tại một cuộc hội thảo gần đây tại TP.HCM, bà Hải cho biết, có doanh nghiệp đã nêu "làm xây dựng mới biết, thời gian làm thủ tục xây dựng thời gian là… vô biên", bà Hải cho rằng, nếu Luật xây dựng sửa đổi không làm giảm được vấn đề thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp thì sẽ dẫn tới việc gánh nặng đè lên đầu người dân.
Vì vậy, việc sửa đổi điều 89 cần phải đi vào thực chất, làm sao vừa đảm bảo thực hiện rút ngắn quy trình thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ.
Liên quan đến một vấn đề bức xúc thời gian gần đây, bà Hải nhấn mạnh, nếu sửa đổi Luật xây dựng thì phải đưa ra nguyên tắc giải quyết vấn đề cụ thể và triệt để, không cho phạt tồn tại, như vậy sẽ làm mất tính răn đe của pháp luật, cứ “có tiền” là được tồn tại.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu ra việc cơ quan soạn thảo dự thảo cần có điều chỉnh sửa đổi một số quy định về quản lý việc sử dụng kiểm soát chất lượng công nhân của các nhà thầu, cũng như những hướng dẫn về việc áp dụng các tiêu chuẩn về thành phố thông minh, khu đô thị thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.