Doanh nghiệp chế biến gỗ đang nâng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Doanh nghiệp chế biến gỗ đang nâng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Gỗ rộng đường xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới gia tăng, trong khi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, sản xuất giảm bớt, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang rộng đường tăng trưởng.

Xuất khẩu gỗ có thể cán mốc hơn 17 tỷ USD

Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã cho thấy sự thích ứng nhanh với tình hình mới. Năm ngoái, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã đem về gần 16 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Dự báo xuất khẩu lâm sản có thể vượt qua mốc 18 tỷ USD trong năm 2022; trong đó, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sẽ đạt 16 -16,8 tỷ USD.

Giá trị xuất khẩu gỗ hoàn toàn có thể đạt mức 17,5 - 18 tỷ USD trong năm nay.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)

Lạc quan hơn, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, giá trị xuất khẩu gỗ hoàn toàn có thể đạt mức 17,5 - 18 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực là ghế ngồi, đồ gỗ, đồ nội thất, dăm gỗ, viên nén, gỗ dán.

Nhóm dăm và viên nén, vật liệu công nghiệp có sự dịch chuyển sản xuất rất lớn từ quốc tế về Việt Nam. Nhóm hàng vật liệu công nghiệp tập trung sản xuất phục vụ thị trường Mỹ, trong khi thị trường Nhật có nhu cầu lớn về dăm gỗ và viên nén.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy bức tranh xuất khẩu các sản phẩm lâm sản, trong đó tập trung vào sản phẩm gỗ khá tích cực ngay trong tháng đầu năm, đạt 1,55 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022, việc giao thương với các nước sẽ thuận lợi hơn, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành, trong đó có ngành chế biến gỗ.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho rằng, khi giao thương kết nối, các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh sẽ kích thích nhu cầu thị trường cho các sản phẩm mới và các sản phẩm có giá trị cao.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang tập trung vào các dòng sản phẩm đem lại giá trị cao và các thị trường mục tiêu, với kỳ vọng thị trường Mỹ và EU có thể tăng đơn hàng trong năm 2022 do sức mua trên các thị trường này đang phục hồi tốt. Sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhờ các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, doanh nghiệp ngành gỗ đang bước vào năm kinh doanh mới với tinh thần hứng khởi. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, Bộ đang có kế hoạch tổ chức các hội nghị về quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu minh bạch nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ.

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2021-2025 đạt từ 18 - 20 tỷ USD, tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD năm 2025.

Sự chuyển động mạnh mẽ từ doanh nghiệp

Để tận dụng tối đa nguồn lực phát triển cũng như cơ hội từ thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến gỗ đã tăng tốc từ đầu năm. Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) vừa có giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Theo đó, Công ty góp gần 5,4 triệu USD (120 tỷ đồng), tương đương 20% cổ phần của một công ty nội thất tại Singapore. Mục tiêu của kế hoạch đầu tư này là gia tăng sự hiện diện của sản phẩm nội thất sản xuất tại Việt Nam mang tên các thương hiệu lớn của khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Quý IV/2021, Công ty báo lãi 9,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ hơn 20,4 tỷ đồng. Trong kỳ, lợi nhuận gộp đạt 11%, cải thiện tích cực so với mức 6% của cùng kỳ, trong khi các chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm. Lũy kế cả năm 2021, Gỗ Trường Thành báo lãi 20,6 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước.

Năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát ở trong nước, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, những trung tâm công nghiệp của cả nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành gỗ.

Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã GTA) báo lãi 15,6 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2020. Hay Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (mã GDT) báo cáo doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 15% và 30% so với năm 2020. Tuy nhiên, năm 2022, triển vọng sáng đang mở ra với các doanh nghiệp ngành gỗ.

Được biết, nhiều doanh nghiệp gỗ đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2022 và đang tăng tốc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (mã GDT), theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn hàng đã đủ đến hết tháng 6/2022, với tổng số giá trị 7 triệu USD.

Nhờ xu hướng tích cực trong đơn hàng và các gián đoạn trong chuỗi sản xuất – cung ứng do dịch Covid-19 dự kiến giảm dần, Gỗ Đức Thành dự kiến doanh thu tăng mạnh trong năm 2022. Để thúc đẩy tăng trưởng, Công ty đang bổ sung thiết bị cho nhà máy thứ ba, mở rộng công suất chế biến thêm 20%.

VCSC dự phóng doanh thu của Gỗ Đức Thành trong năm 2022 đạt 484 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 96 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã ACG) cũng vừa có một năm 2021 đi lùi về kết quả kinh doanh, khi doanh thu giảm 12% và lợi nhuận sau thuế giảm 8%. Nguyên nhân là đại dịch Covid-19 khiến hoạt động xây lắp “đóng băng” trong hàng quý liền, nhu cầu với các sản phẩm gỗ trang trí nội thất sụt giảm.

Tuy vậy, bước sang năm 2022, hoạt động kinh doanh của Công ty khởi sắc khi thị trường bất động sản sôi động trở lại, nhiều dự án được khởi công, tiếp tục triển khai.

Quy mô của các đơn hàng đang tăng lên mạnh mẽ, các nhà máy chế biến gỗ đang gia tăng công suất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tin bài liên quan