Các nhà đầu tư nước ngoài rất mong Việt Nam bỏ logistics ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Đức Thanh

Các nhà đầu tư nước ngoài rất mong Việt Nam bỏ logistics ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Đức Thanh

Gỡ rào cản pháp lý để hút vốn FDI vào logistics

0:00 / 0:00
0:00
Dù được xem là một trung tâm logistics mới nổi của khu vực, nhưng Việt Nam vẫn tồn tại một số rào cản pháp lý, cần sớm gỡ bỏ để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện

Hai báo cáo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về dịch vụ giao hàng trọn gói và ngành logistics tại Việt Nam đã chỉ ra những ra những khó khăn khi thu hút dòng vốn ngoại vào lĩnh vực logistics là do các rào cản pháp lý.

OECD nhận thấy rằng, logistics nói chung được pháp luật coi là “lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, do đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải đáp ứng các điều kiện nhất định với những hạn chế.

Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài phải được chấp thuận khi thực hiện hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) cũng như đáp ứng một số yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Need Test). Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài không được phép nắm giữ hơn 49% cổ phần trong một công ty đại chúng.

Theo ông Ruben Maximiano, chuyên gia cạnh tranh cấp cao của OECD, trong 20 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến hoạt động M&A ngày càng gia tăng, tốc độ tăng trưởng về giá trị phần trăm nhanh hơn so với các nền kinh tế ASEAN. Việt Nam đã có những cải cách đáng kể để tự do hóa dòng vốn FDI kể từ năm 1987. Mặc dù thực hiện nhiều cải cách và hoạt động M&A ngày càng gia tăng, các công ty nước ngoài vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi đầu tư vào Việt Nam.

“Việc đưa logistics vào danh sách các ngành kinh doanh có điều kiện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động logistics trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ vận tải đường biển, xếp dỡ container, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa và dịch vụ vận tải đường bộ”, ông Ruben Maximiano nói.

Các quy định ràng buộc đối với FDI trong lĩnh vực giao thông vận tải của Việt Nam cao hơn so với một số nước ASEAN. Điều này được thể hiện trong Chỉ số hạn chế quy định FDI của OECD, đo lường các hạn chế theo luật định đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài tại 69 quốc gia.

Nhiều rào cản hành chính

Ông Jeffrey Tan, Giám đốc phát triển doanh nghiệp và công nghệ của YCH Group (Singapore) đánh giá, vẫn còn nhiều thách thức đối với các công ty logistics nước ngoài khi mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Các thủ tục hành chính kéo dài và sự chậm trễ trong thông quan sẽ làm tăng thêm chi phí hoạt động của các công ty logistics.

Để gỡ bỏ các rào cản thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực logistics, OECD khuyến nghị Việt Nam bỏ logistics ra khỏi danh sách các ngành kinh doanh có điều kiện. Điều này có thể được thực hiện bằng cách áp dụng các điều khoản đã được quy định trong luật pháp Việt Nam, cho phép Chính phủ xem xét các hoạt động đủ tiêu chuẩn là ngành kinh doanh có điều kiện, dựa trên các cân nhắc về kinh tế - xã hội.

Việc thành lập các công ty mới cũng phải tuân theo các điều kiện về quyền sở hữu và dịch vụ, với các dịch vụ được phân thành 16 loại rõ ràng, chẳng hạn như dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý hàng hóa. Điều này sẽ kéo dài thủ tục giấy tờ cho các công ty như YCH Group khi có mục tiêu trở thành một nhà cung cấp chuỗi cung ứng đầu cuối và các giải pháp hậu cần tích hợp.

“Mặc dù các lĩnh vực kinh doanh logistics tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể so với khi YCH Group gia nhập thị trường vào năm 2009, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đối với các công ty logistics nước ngoài muốn mở rộng kinh doanh và việc tự do hóa ngành logistics vẫn còn khá xa”, ông Tan nói.

Ông Tan cũng khuyến nghị, không chỉ tập trung vào đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, mà Việt Nam còn phải tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, kết nối khu vực. Điều này sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam trên toàn cầu.

Hiện nay, chi phí logistics chiếm gần 21% GDP Việt Nam. Theo Báo cáo kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp 70 trong số 190 nền kinh tế, với những cải cách tập trung vào tiếp cận tín dụng và nộp thuế. Xét về khía cạnh thiết lập hoạt động kinh doanh mới và nộp thuế, Việt Nam xếp hạng thấp hơn, lần lượt là 115 và 109. Ngoài ra, Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục số hóa và hợp lý hóa các quy trình hành chính để thúc đẩy môi trường kinh doanh của đất nước.

“Số hóa và hợp lý hóa thủ tục hành chính sẽ là những yếu tố then chốt đối với Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách trong việc nộp thuế và dần nới lỏng các thủ tục trong việc thiết lập hoạt động kinh doanh mới, nhưng hai lĩnh vực này vẫn cần tiếp tục thực hiện”, ông Tan nhấn mạnh.

Theo ước tính, lĩnh vực logistics của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,6% cho đến năm 2023. Ngành logistics Việt Nam chủ yếu là vận tải hàng hóa bằng đường thủy, chiếm 48% tổng doanh thu logistics, mặc dù vận tải hàng hóa bằng đường bộ cũng chiếm tỷ trọng lớn.

Nhận thức được tầm quan trọng của logistics trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng về kết cấu hạ tầng, chính sách, năng lực kinh doanh và nguồn nhân lực.

Theo đó, Chính phủ sẽ phát triển dịch vụ logistics thành một lĩnh vực có giá trị gia tăng cao để hỗ trợ sự phát triển đối với các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại. Đến năm 2025, lĩnh vực logistics sẽ đóng góp 8-10% vào GDP và đạt mức tăng trưởng 15-20% hàng năm. Trong khi đó, chi phí logistics sẽ giảm xuống còn 16-20% GDP vào năm 2025.

Tin bài liên quan