Gỡ “nút thắt” trong thoái vốn nhà nước, cách nào?

Gỡ “nút thắt” trong thoái vốn nhà nước, cách nào?

(ĐTCK) Nửa đầu năm trôi qua, tiến độ thoái vốn nhà nước vẫn rất ì ạch khiến những người trong cuộc như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không khỏi sốt ruột. Tuy rất nóng lòng muốn đẩy nhanh tiến trình này, nhưng nhiều nút thắt về khung pháp lý đang khiến SCIC gặp khó khăn lớn trong việc bán vốn nhà nước.

Vướng mắc về cơ chế pháp lý

Tại Hội thảo “Hoàn thiện quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp - Nhìn từ góc độ chuyên gia và các bên có liên quan” do SCIC tổ chức mới đây, nhiều vướng mắc liên quan đến khung pháp lý và cả thực tế triển khai đã được các đại biểu tham dự thảo luận. Chẳng hạn, công tác định giá doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nghị định 32/2018/NĐ-CP đưa ra nhiều quy định mới về định giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần nhà nước. Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản hướng dẫn Nghị định nên các đơn vị thẩm định giá và doanh nghiệp đang rất lúng túng.

Một khó khăn phổ biến khác là việc tiếp cận đầy đủ dữ liệu, thông tin để thẩm định chuẩn xác giá trị doanh nghiệp. Ở không ít doanh nghiệp, Nhà nước hiện còn sở hữu tỷ lệ vốn rất thấp, chưa đầy 5%, để định giá được doanh nghiệp, đơn vị thẩm định giá phải có quyền tiếp cận toàn bộ các dữ liệu, thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cổ đông nắm quyền chi phối không đồng ý với việc cung cấp tất cả những thông tin được yêu cầu. Nhà nước hiện chỉ là một cổ đông nhỏ tại doanh nghiệp cũng chỉ có quyền tiếp cận thông tin như một cổ đông. Dữ liệu không đủ để xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo một lãnh đạo SCIC, trong định giá doanh nghiệp, phương pháp tài sản đang được sử dụng chủ yếu. Để làm được việc này, các bên liên quan sẽ phải khảo sát và thẩm định chi tiết về từng loại tài sản của doanh nghiệp, kèm theo khối lượng thông tin cung cấp rất lớn từ phía doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không hợp tác thì việc thực hiện theo phương pháp tài sản sẽ không thể thực hiện được, hoặc có độ tin cậy rất thấp.

Khó khăn còn đến từ việc “giá trị văn hóa, lịch sử khác”, cũng như giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần không có hướng dẫn để thẩm định giá.

Ở nhiều doanh nghiệp, đơn vị triển khai việc bán vốn như SCIC gặp không ít khó khăn từ việc không rõ mục tiêu bán vốn là hướng đến việc tối đa hóa giá trị thu được, hay tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp, hoặc đa dạng hóa cơ cấu cổ đông cho công ty… Sự khác biệt quy định hiện hành về bán vốn trong các văn bản quy định pháp luật của Việt Nam với thông lệ quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ. Đơn cử, phương thức bán dựng sổ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới, nhưng vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để triển khai tại Việt Nam.

“Nhiều văn bản pháp luật chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc, nên các doanh nghiệp thường xuyên phải hỏi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành”, vị lãnh đạo SCIC chia sẻ.

Không chỉ có SCIC gặp khó trong việc bán vốn nhà nước, theo chia sẻ của đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đơn vị này nhận được rất nhiều công văn của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp và cả các địa phương đề nghị được hướng dẫn về những điểm mới trong văn bản pháp luật mới được ban hành gần đây. Trên thực tế, không ít trường hợp, các doanh nghiệp địa phương có tâm lý chờ đợi, khi nào có hướng dẫn thật cụ thể, rõ ràng, mới triển khai tiếp việc bán vốn nhà nước.

Cần sớm giải tỏa ách tắc

Để quá trình thoái vốn nhà nước không bị ách tắc, SCIC đã có công văn gửi Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng đề xuất nhiều giải pháp.

Trong đó, SCIC đề xuất cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP, nhất là các nội dung liên quan đến chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, như cách xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, giá trị quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác; xem xét việc ban hành quy chế mẫu cho chào bán chứng khoán; hướng dẫn thực thi phương pháp dựng sổ…

Đây cũng là những văn bản mà SCIC đang chờ đợi, để từ đó có thể hoàn thiện lại dự thảo Quy chế bán vốn tại doanh nghiệp có vốn của SCIC.

Được biết, hàng loạt các văn bản hướng dẫn nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đang được các cơ quan thuộc Bộ Tài chính soạn thảo. Với những vấn đề rất mới và chưa từng có thông lệ tại Việt Nam, giới phân tích cho rằng, các văn bản hướng dẫn cần quy định thật cụ thể và chi tiết, tham khảo những thông lệ tốt trên thế giới và sớm được ban hành để giải tỏa nguy cơ ách tắc trong việc thoái vốn nhà nước đang hiện hữu.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính Ngân hàng Thế giới (WB)

Khi bán vốn nhà nước, phải cố gắng tránh rơi vào tình huống cổ đông nhà nước không kiểm soát, hoặc thiếu tiếng nói quan trọng trong một công ty đại chúng. Nếu Nhà nước “chẳng may” rơi vào cảnh cổ đông thiểu số thì chỉ cần nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp niêm yết, bởi cổ phiếu thường có thanh khoản, khi cần thoái vốn sẽ dễ dàng hơn.

Trong rất nhiều trường hợp, người mua muốn kiểm soát doanh nghiệp, thường được gọi nôm na là sở hữu cổ phần chiến lược tại doanh nghiệp, nếu họ không mua được khối lượng cổ phần đa số thì họ sẽ không tham gia. Vì thế, trong mỗi thương vụ thoái vốn nhà nước, cần làm rõ mục tiêu thoái vốn là vì tiền hay vì lý do nào khác. Để tối đa hóa dòng tiền thu được, bên bán phải xác định bán quyền chi phối tại doanh nghiệp. Cũng không nên băn khoăn về việc mất thương hiệu hay quyền chi phối doanh nghiệp.

Ở một số doanh nghiệp khi bán vốn, Nhà nước nên xác định có càng nhiều cổ đông cho doanh nghiệp càng tốt. Khi cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp càng đông, người mua lại muốn mua hơn nữa, vì họ thấy cổ phiếu có thanh khoản. Bởi vậy, bán vốn nhà nước rất cần quan điểm và phân tích của các bên tư vấn trường hợp nào cần cổ đông chiến lược, trường hợp nào dành cho đông đảo công chúng.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Từ khi thành lập đến 31/12/2017, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó, bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp) với giá vốn là 8.332 tỷ đồng và thu về 36.989 tỷ đồng (bao gồm bán 8,73% cổ phần tại Vinamilk), gấp hơn 4,4 lần giá vốn (mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần). Cơ chế đặc thù, đột phá đã mang lại hiệu quả tích cực trong bán vốn như hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô, cơ chế bán vốn cho người lao động, nhà đầu tư chiến lược…

Trong thời gian tới, SCIC cần đẩy mạnh triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và vai trò cổ đông nhà nước tại doanh nghiệp…

Tin bài liên quan