Tuy “khát” vốn, nhưng phần lớn DNNVV không thể chịu nổi mặt bằng lãi suất hiện nay và cũng khó có cơ hội được vay

Tuy “khát” vốn, nhưng phần lớn DNNVV không thể chịu nổi mặt bằng lãi suất hiện nay và cũng khó có cơ hội được vay

Gỡ nút thắt tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cách nào?

(ĐTCK) Có một thực trạng chung ở hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là thiếu tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, dẫn tới vòng luẩn quẩn: thiếu vốn - thiếu đầu tư - kém năng lực cạnh tranh - dễ phá sản.
 

Nổi cộm là khó khăn trong tiếp cận tín dụng

Kết quả khảo sát tình hình DNNVV Việt Nam vừa được Nhóm công tác về hỗ trợ DNNVV thuộc khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nhật - giai đoạn VI công bố mới đây cho thấy, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là khó tiếp cận tín dụng.

“Khi nhóm nghiên cứu trao đổi với ngân hàng thì được biết lý do là vì phần lớn DNNVV kém minh bạch về thông tin nên ngân hàng không yên tâm cho vay. Bởi vậy, trong trường hợp doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo thì nguy cơ rủi ro cao nên ngân hàng không thể cho vay mà không có bảo lãnh.

Điều này dẫn đến thực trạng, DNNVV thiếu vốn trầm trọng, nhưng không thể vay được vốn ngân hàng, cũng như tiếp các khoản tín dụng với một mức lãi suất hợp lý, do lãi suất cho vay hiện nay đối với khu vực này hầu như chưa có chính sách hỗ trợ.

Hệ lụy là vì thiếu vốn nên các DNNVV không thể đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, đầu tư trang thiết bị, do đó các doanh nghiệp không đủ năng lực để nhận được các đơn đặt hàng lớn, ổn định với giá giá trị cao, dẫn tới sự phát triển bấp bênh, năng lực cạnh tranh rất yếu”, ông Giang nói.

Liên quan đến những khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó tình trạng tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh và khó khăn trong tài sản bảo đảm vay là “rào cản” chính đối với các DNVVN khi tiếp cận các nguồn tín dụng. Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm lãi vay còn chậm.

Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp chưa được tái cơ cấu rất khó trong tiếp cận vay vốn ngân hàng, chứ chưa nói tới việc tiếp cận vay với mức lãi suất ưu đãi như kỳ vọng.

“Tình trạng tồn kho vẫn rất cao, hầu hết tài sản đảm bảo đã cạn kiệt, quy mô thì phải thu nhỏ, doanh thu ngày càng sụt giảm. Với tình trạng như vậy, khó có cơ hội cho các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay”, đại diện Hiệp hội nhấn mạnh. 

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ các DNNVV, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính, tại hội thảo “Chính sách hỗ trợ DNNVV: Kinh nghiệm từ Nhật Bản” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức mới đây, ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh nước ngoài thuộc Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, DNNVV luôn đóng vai trò quan trọng, được xác định là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản.

Vì vậy, Nhật Bản đã sớm quan tâm, hình thành hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ khối doanh nghiệp này và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

“Trong đó, các doanh nghiệp được chia ra từng cấp độ khác nhau để có chính sách hỗ trợ phù hợp, riêng biệt. Đặc biệt là việc xây dựng cơ chế, chính sách tài chính cho DNNVV nhằm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, ngân hàng, hay thu hút vốn từ các kênh huy động vốn khác nhau thông qua các kênh tài chính gián tiếp”, ông Hiroshi nói.

Cụ thể, để giải quyết các vướng mắc về vấn đề bảo lãnh tín dụng, ông Hikaru Fukanuma, nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu tổng hợp, Công ty Tài chính Chính sách Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đã thành lập Hiệp hội Bảo lãnh tín dụng nhằm bảo lãnh cho vay đối với DNNVV. Cơ chế hoạt động của Hiệp hội là DNNVV đóng phí bảo lãnh để được bảo lãnh. Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, Hiệp hội Bảo lãnh tín dụng sẽ đứng ra hoàn trả tiền vay cho tổ chức tài chính, còn Công ty Tài chính Chính sách Nhật Bản sẽ cung cấp bảo hiểm đối với khoản bảo lãnh của Hiệp hội.           

Báo cáo khảo sát nêu trên chỉ rõ 3 vấn đề lớn mà các DNNVV phải đối mặt bao gồm khó khăn trong tiếp cận tín dụng, vướng mắc về pháp lý và hạn chế về trình độ quản trị dẫn tới năng lực cạnh tranh yếu.

Với các vướng mắc liên quan tới các quy định pháp luật, báo cáo cho rằng, một số chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định nhập khẩu máy móc thiết bị qua sử dụng đang tạo ra những rào cản cho DNNVV trong tích lũy vốn, mở rộng đầu tư. Bên cạnh đó, một số chính sách không rõ ràng, thiếu minh bạch, công khai, trong khi có những quy định về thủ tục hành chính không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà trong không ít trường hợp còn dẫn đến tổn thất. 

Tin bài liên quan