Dự án có tổng mức đầu tư hơn 410,68 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 330 triệu USD và vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hơn 80 triệu USD.
Ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty Phát điện 2, chủ đầu tư Dự án Thủy điện Trung Sơn cho biết, nếu tuyến đường Tây Thanh Hóa không hoàn thành trước ngày 31/5/2015, thì sẽ tác động tới tiến độ đầu tư của Dự án, với mức độ ảnh hưởng rất lớn.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, Dự án Đường Tây Thanh Hóa được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt và chuyển cho UBND tỉnh quản lý từ năm 2006. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Trong quá trình triển khai Dự án Thủy điện Trung Sơn, cao trình tích nước hồ Thủy điện Trung Sơn đã làm đoạn tuyến Km0-Km28 của Dự án Đường Tây Thanh Hóa bị ngập so với dự án phê duyệt từ trước đó.
Để đảm bảo tránh ngập theo cao trình tích nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định điều chỉnh đoạn tuyến Km0-Km28 vượt lên cao trình ngập nước của Dự án Thủy điện và tuyến mới dài hơn so với tuyến cũ là 6,2 km, làm phát sinh một số hạng mục, với tổng giá trị các gói thầu được duyệt là 664,6 tỷ đồng. Vốn hiện còn thiếu là 578,2 tỷ đồng (tương đương khoảng 26 triệu USD).
Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa và EVN nhiều lần có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, nhưng đến nay chưa được xem xét giải quyết.
Cuối tuần qua, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để giải quyết các vướng mắc trên.
Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị chủ đầu tư cho rằng, với phương án tạm ứng vốn của EVN để tỉnh Thanh Hóa đầu tư là rất khó khăn, không mang tính khả thi cho EVN, bởi đơn vị này đang phải đi vay vốn để đầu tư cho các dự án của mình cũng như các dự án khác mà Chính phủ giao.
Đại diện WB, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đã đưa ra 2 phương án nhằm tháo gỡ “nút thắt tiến độ” Dự án. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét bố trí nguồn vốn 26 triệu USD, thực hiện các gói thầu của Dự án Đường Tây Thanh Hóa từ khoản vốn vay 200 triệu USD mà Chính phủ Việt Nam và WB đã ký kết mới đây. Thứ hai, WB cấp vốn vay bổ sung để thực hiện các hạng mục liên quan. Tuy nhiên, bà Kwakwa cho rằng, phương án thứ nhất khả thi hơn, bởi nếu thực hiện theo phương án thứ hai thì phải trải qua rất nhiều quy trình và tốn nhiều thời gian.
Sau khi khi thảo luận các phương án do đại diện WB đưa ra, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhất trí phối hợp với EVN báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện bố trí vốn thực hiện Dự án Đường Tây Thanh Hoá, nhằm tháo gỡ nút thắt về tiến độ cho Dự án Thủy điện Trung Sơn.