Môi trường pháp lý đã được cải thiện, nhưng Việt Nam vẫn cần loại bỏ tất cả các thủ tục về thành lập DN khác biệt trong các văn bản pháp luật chuyên ngành

Môi trường pháp lý đã được cải thiện, nhưng Việt Nam vẫn cần loại bỏ tất cả các thủ tục về thành lập DN khác biệt trong các văn bản pháp luật chuyên ngành

Gỡ nút thắt thị trường trong nền kinh tế

(ĐTCK) Nhận diện những nút thắt lớn còn tồn tại trên thị trường, để từ đó đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm khắc phục những khiếm khuyết, hài hòa quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, để nền kinh tế thị trường tại Việt Nam thực sự phát triển một cách hoàn thiện và đầy đủ.
 

Đó là vấn đề lớn đặt ra tại Báo cáo Phát triển nền kinh tế thị trường tại Việt Nam vừa được nhóm các chuyên gia kinh tế độc lập đến từ bốn cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế gồm Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam (VIE), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách thuộc Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) công bố mới đây.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, về tổng thể, các chỉ số về tự do kinh tế của Việt Nam cho thấy nền kinh tế thị trường (KTTT) của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2000 - 2006, nhưng sau đó chững lại. Từ năm 2012 tới nay, mức độ phát triển nền KTTT thậm chí có xu hướng tụt lùi. Về mặt xếp hạng, Việt Nam nằm trong vùng thấp so với khu vực và trên thế giới.

”So sánh giữa các yếu tố cho thấy, các yếu tố về quản trị và pháp trị của Nhà nước có tương quan yếu kém hơn các yếu tố còn lại, thậm chí đang suy giảm. Các vấn đề cần nhấn mạnh và quan tâm là nợ công, tư pháp độc lập và tòa án công minh. Các yếu tố khác vẫn ở mức trung bình, chưa có sự cải thiện rõ rệt; trong đó, khả năng kiểm soát cung tiền còn hạn chế, vẫn còn nhiều quy định ngặt nghèo để phát triển các thị trường điển hình như các quy định trong luật lao động vẫn còn nhiều cứng nhắc và hàng rào phi thuế quan còn nhiều”, ông Đinh Tuấn Minh đến từ VEPR, đại điện nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo cho biết.

Các đánh giá về hệ thống tài chính tiền tệ tại báo cáo cho thấy, độ lành mạnh về tiền tệ có xu hướng cải thiện từ năm 2012 cho tới nay. Tăng trưởng của cung tiền so với tăng trưởng GDP, bất ổn về lạm phát và tỷ giá đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, quy mô các NHTM nhà nước trong hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao.

Về mức độ tự do kinh doanh, theo ông Tuấn, việc cải thiện môi trường pháp lý, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, để đáp ứng các điều kiện gia nhập WTO đã giúp cho mức độ tự do kinh doanh của Việt Nam tăng đáng kể trong năm 2006. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là kể từ đó tới nay, Việt Nam vẫn chưa có bước đột phá nào. Chi phí thành lập doanh nghiệp vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực.

Mặc dù Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thông qua cuối năm 2014 đã rút gọn và đơn giản hóa nhiều thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, đặc biệt đưa ra được Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng theo nhận định của nhóm chuyên gia, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn cần phải loại bỏ tất cả các thủ tục và yêu cầu về thành lập doanh nghiệp khác biệt trong các văn bản pháp luật chuyên ngành (trừ một số trường hợp cụ thể như ngân hàng và bảo hiểm), cũng như các loại rào cản thị trường trá hình dưới các hình thức giấy phép kinh doanh và điều kiện kinh doanh không giấy phép trong các lĩnh vực cụ thể.

Đánh giá về vai trò của Nhà nước và mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường, theo nhận định của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo, đến nay, Nhà nước đã giảm thiểu sự can thiệp quá mức cần thiết vào nền kinh tế. Sự hiện diện của khu vực DNNN trong nhiều ngành đã giảm đáng kể. Các can thiệp trực tiếp vào giá cả chỉ còn duy trì ở một số lĩnh vực hàng hoá công ích. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn còn can thiệp mạnh vào việc phân phối thu nhập thông qua chính sách thuế thu nhập. Chênh lệch giữa mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân cao nhất và thấp nhất không nhiều, chưa đến 10 lần. Bên cạnh đó, Nhà nước còn can thiệp mạnh thông qua công cụ DNNN, đầu tư công, phân bổ đất đai và điều tiết tín dụng.

“Chu kỳ suy giảm tăng trưởng kéo dài của Việt Nam từ năm 2008 đến nay cho thấy cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ hệ thống quản trị nhà nước, tháo gỡ những rào cản không đáng có mà hệ thống quản trị nhà nước đang tạo ra cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao vai trò và hiệu quả can thiệp của Nhà nước trong hoạt động kinh tế”, ông Tuấn khuyến nghị.

Bổ sung thêm các khuyến nghị tại báo cáo, các chuyên gia đến từ VEPR cho rằng, nên có đánh giá sâu thêm về các tác động của tự do hóa đầu tư, kinh doanh, cùng với sự rút lui dần của Nhà nước và gia tăng quá trình tham gia của tư nhân; cũng như các đánh giá về tự do hóa thị trường giá cả và cạnh tranh, hạn chế độc quyền nhà nước và độc quyền đầu tư nước ngoài, để từ đó có những khuyến nghị cụ thể cho những vấn đề này. Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, cần bổ sung các điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân thay vì đổ quá nhiều nguồn lực vào các DNNN và tập đoàn kinh tế như thời gian qua.

Tin bài liên quan