Gỡ nút thắt thế chấp khi vay vốn hỗ trợ

Gỡ nút thắt thế chấp khi vay vốn hỗ trợ

(ĐTCK) Một trong những điểm nghẽn trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là tài sản thế chấp vừa được tháo gỡ, đem lại nhiều kỳ vọng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2014. Tại điểm h, khoản 1, Điều 12 quy định, dự án phát triển nhà ở xã hội “được sử dụng nhà ở và công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư cho dự án đó”.

Với quy định này, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, nguồn vốn cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được khơi thông. Ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho biết, Handico là đơn vị chủ lực của TP. Hà Nội trong việc phát triển nhà ở xã hội, nếu quy định này được thực thi, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm và người mua sẽ càng có lợi.

“Do thực hiện theo chiến lược ‘cuốn chiếu’, nên dù thị trường bất động sản khó khăn, nhưng Handico vẫn đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án khác. Tổng công ty hạn chế vay vốn lãi suất cao. Nay nếu được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất thấp, thì việc triển khai dự án sẽ thuận lợi hơn”, ông Cửu chia sẻ và cho biết, ông không sợ nhà xã hội bị ế như lo ngại của một số người, bởi với các chính sách như hiện nay, người hưởng lợi lớn nhất là người mua nhà ở xã hội.

Gỡ nút thắt thế chấp khi vay vốn hỗ trợ ảnh 1Những nút thắt chặn dòng chảy của gói 30.000 tỷ đồng đang dần được tháo gỡ. Ảnh: Lê Toàn

Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, mà các công ty tư nhân cũng phản ứng rất tích cực với quy định mới này. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, trước đây, khu đất tại quận Bình Tân (TP. HCM) của Công ty xin chuyển sang dự án nhà ở xã hội chưa được, nên Công ty có ý định chuyển sang nhà liền kề để bán. Tuy nhiên, với những quy định tại Nghị định 188 vừa được ban hành, Lê Thành sẽ cố gắng xin chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội dạng chung cư.

Ông Nghĩa cho biết thêm, ngoài quy định về tài sản thế chấp, nhiều quy định khác tại Nghị định cũng tháo gỡ những vướng mắc cho các chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Đơn cử như quy định: “Nhà ở xã hội dành để cho thuê tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê, chủ đầu tư được phép bán quỹ nhà này cho người đang thuê (nếu người thuê có nhu cầu) theo giá bán nhà ở xã hội tại thời điểm bán nhà”. Với quy định này, chủ đầu tư và người mua dễ thỏa thuận phương án nếu người thuê muốn mua lại, do đó, tính thanh khoản của dự án sẽ cao hơn.

Trong khi chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội sắp triển khai vui mừng, thì chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đã khởi công xây dựng, đang xây dựng, thậm chí đã hoàn thiện lại ngậm ngùi.

Đơn cử, tại Đồng Nai, dự án nhà ở chung cư cao tầng do Công ty Sơn An làm chủ đầu tư và dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 do Tổng công ty IDICO làm chủ đầu tư, dù có tính khả thi cao và có tên trong danh sách đợt 1 được vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy “tăm hơi” tiền ở đâu.

Dự án của IDICO đã có sẵn quỹ đất sạch, mức giá dự kiến khá hợp lý (khoảng 4,2 triệu đồng/m2) cho diện tích từ 36 - 45 m2, giá cho thuê 0,9 - 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc IDICO cho biết, năm 2013, Tổng công ty dự kiến vay khoảng 50 tỷ đồng cho dự án này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Nếu sớm được giải ngân, giá bán của dự án có thể giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/m2. Hiện IDICO vẫn đang triển khai dự án, dù chưa có bất kể sự hỗ trợ nào.

Xem ra, một lần nữa, nghịch lý “trâu chậm uống nước trong” lại xảy ra đối với các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Về phía ngân hàng, ông Phạm Thế Nguyên, Phó giám đốc Sở giao dịch II của BIDV cho biết, trước khi Nghị định 188 được ban hành, các ngân hàng cũng họp bàn với nhau và đề xuất cho phép chủ đầu tư thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để tạo thuận lợi trong việc vay vốn, bởi trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã cạn nguồn thế chấp. Vì vậy, việc Nghị định 188 được ban hành là cơ sở để các ngân hàng giải ngân tốt hơn. Tuy nhiên, để dễ dàng tiếp cận được với gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, các doanh nghiệp phải có quỹ đất sạch và tiến độ dự án đảm bảo.

>> Gói 30.000 tỷ đồng và cái vòng luẩn quẩn

>> Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng… nới nhầm

>> Đã gỡ xong rào cản gói 30.000 tỷ đồng

>> Sốt ruột chờ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

>> TP. HCM tắc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

>> “Góc khuất” trong triển khai gói 30.000 tỷ đồng

>> 30.000 tỷ đồng và "một rừng" thủ tục

>> "Chuyện vui" gói 30.000 tỷ đồng