Thủ tướng Phạm Minh Chính tới kiểm tra và động viên người lao động đang thi công xuyên Tết tại Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới kiểm tra và động viên người lao động đang thi công xuyên Tết tại Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Gỡ nút thắt lớn nhất cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo từ đa dạng hoá nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã chủ động hoàn thành công tác chuẩn bị để sớm tổ chức thi công gần 80km theo phương thức PPP.

Ngày 5/2/2022, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ thăm, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà đầu tư. Đây là dự án duy nhất tính đến thời điểm này trong 3 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện theo hình thức PPP đã huy động đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Sau khi trực tiếp thăm công trường dự án, nghe báo cáo của Ban điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoan nghênh nhà đầu tư đã chủ động các công tác chuẩn bị để sớm triển khai dự án gần 80km bằng hình thức hợp tác công - tư.

Thủ tướng cho rằng, nhà đầu tư tại Dự án này đã giải quyết được vấn đề là đa dạng hoá nguồn vốn. Trên thực tế dự án đã huy động vốn trên sàn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ký hợp đồng tín dụng, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

“Như vậy tại Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có 4 hình thức huy động vốn. Các nhà đầu tư phải huy động 4 hình thức huy động vốn này. Hai dự án ở Nghệ An chưa có tín dụng, chưa đa dạng hoá cái này nên nhà đầu tư gặp khó khăn. Qua đây thấy bài học kinh nghiệm là phải đa dạng hoá nguồn vốn để triển khai đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề tổ chức quản trị thi công làm sao cho hiệu quả, khoa học, đúng luật pháp, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

“Các bên liên quan phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, giải phóng mặt bằng nhanh, trong đó phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở hiện tại”, Thủ tướng nêu vấn đề và đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét thưởng phạt tiến độ sòng phẳng.

“Anh làm tốt thì tôi sẽ thưởng anh làm chưa tốt thì tôi phải phạt. Chúng ta cần phải xây dựng quy định thưởng phạt minh bạch và công bằng”, Thủ tướng yêu cầu.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, chiều dài 78,5km đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư theo hình thức PPP. Tại dự án này có hạng mục hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông.

Với kinh nghiệm được đúc kết khi tháo gỡ các vướng mắc các dự án điển hình như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái… nhất quán quan điểm “ký để thực hiện, không ký cho có”, Tập đoàn Đèo Cả - đại diện liên danh nhà đầu tư đã tiến hành đàm phán chỉ ra các thiếu sót trong hồ sơ mời thầu. Đồng thời nhà đầu tư cũng tổ chức làm việc với Ngân hàng Tiền Phong (TPBank), các nhà đầu tư trái phiếu, các nhà thầu hợp tác để đảm bảo cơ cấu vốn PPP.

Sau 4 tháng kể từ khi ngày ký hợp đồng BOT, ngày 7/12/2021, Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã hoàn thành thu xếp vốn khi ký được hợp đồng tín dụng cùng ngân hàng TPBank với khoản vốn cam kết giải ngân cho dự án là 1.700 tỷ đồng, đáp ứng đủ mọi điều kiện để tiến hành thực hiện thi công xây dựng công trình.

Tại Dự án này, liên danh nhà đầu tư đã áp dụng mô hình cơ cấu vốn 3P sáng tạo: P thứ nhất: Vốn ngân sách nhà nước theo luật định P thứ 2: Vốn chủ sở hữu tích lũy từ kinh nghiệm, khấu hao, tối ưu sản xuất; P thứ 3 - nguồn vốn khác do nhà đầu tư huy động bằng nhiều hình thức như nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, thị trường chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC).

Phương pháp này được các chuyên gia đánh giá là mô hình kiểu mẫu của việc huy động vốn trong tương lai và theo hướng đi của các nước trên thế giới đã thành công trong đầu tư theo phương thức PPP như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhà đầu tư cũng đã đưa ra phương án giảm giá thành gần 10%, tương đương 891 tỷ đồng khi đấu thầu cạnh tranh từ việc tối ưu tổ chức thi công như: Sản xuất vật liệu từ nguồn đá đào hầm, tận dụng máy móc thiết bị đã khấu hao, dịch chuyển bộ máy thi công từ các Dự án vừa hoàn thành như cầu Tình Yêu, hầm bao biển, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhằm giảm thiểu rũi ro dịch bệnh nhưng tăng năng suất lao động với phương châm 3 xuyên “Xuyên dịch, xuyêt tết, xuyên đêm”.

Bên cạnh đó, nhờ chủ động sử dụng nguồn vốn tự có để thi công trong quá trình đàm phán hợp đồng PPP (chấp nhận rủi ro mất tiền khi không ký được hợp đồng), nhà đầu tư cam kết rút ngắn thời gian thi công hoàn thành dự án sớm hơn 2 tháng so với hợp đồng đã ký với Bộ GTVT.

Về giải ngân vốn, Tập đoàn Đèo Cả với lợi thế vốn hóa trên thị trường chứng khoán hơn 5.000 tỷ đồng qua mã cổ phiếu HHV tại sàn Upcom đã chuyển sang niêm yết tại HoSe vào ngày 20/1/2022 vừa qua đã ngay lập tức chứng minh năng lực của mình thông qua việc góp vốn chủ sở hữu, hợp đồng BCC và đã giải ngân trước vào dự án hơn 722 tỷ đồng, vượt tiến độ 140% theo quy định của Hợp đồng dự án.

Tổng nguồn vốn huy động khác giải ngân cho dự án khoảng 210 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng TPBank đã giải ngân gần 22 tỷ đồng và các đơn vị đã giải ngân hơn 187 tỷ đồng thông qua hợp đồng Hợp tác kinh doanh.

Ban điều hành dự án cũng đã điều phối hơn 1.000 cán bộ, công nhân, kỹ sư, và hàng trăm máy móc thiết bị… tập kết về Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đồng loạt triển khai các mũi thi công phần đường, hạng mục cầu và hầm.

Tin bài liên quan