Tiếp sức cho hoạt động tạo lập thị trường
Nhiều khả năng quỹ ETF đầu tiên sẽ được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK TP. HCM ngay trong tháng 9 này. Cả phía công ty quản lý quỹ, CTCK, lẫn các cơ quan quản lý, tổ chức thị trường đang khẩn trương hoàn tất những công đoạn cuối cùng, để đưa quỹ ETF ra mắt.
Trong quá trình chuẩn bị này, một số vướng mắc xuất hiện đã được các thành viên thị trường kiến nghị lên UBCK với mong muốn sớm có hướng tháo gỡ.
Qua thực tế triển khai quỹ ETF, CTCK cho rằng, họ sẽ không dám mạo hiểm để triển khai mạnh nghiệp vụ tạo lập thị trường, do thiếu các công cụ để các nhà tạo lập thị trường có thể phòng ngừa rủi ro cho nghiệp vụ này trong bối cảnh chưa có TTCK phái sinh…
Câu hỏi đặt ra là trong khi chờ TTCK phái sinh được vận hành vào năm 2016 như kế hoạch, UBCK có cách gì hỗ trợ CTCK giảm thiểu khó khăn này, để khuyến khích họ đẩy mạnh nghiệp vụ tạo lập thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy quỹ ETF phát triển trong giai đoạn sơ khai hiện tại?
Theo lãnh đạo UBCK, cơ quan quản lý đã lường được vấn đề này, nên đã cố gắng khắc phục trong điều kiện pháp lý cho phép.
Cụ thể, để hỗ trợ cho CTCK thuận lợi trong triển khai nghiệp vụ tạo lập thị trường, trong quá trình xây dựng Thông tư 229/2012 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục, trên cơ sở tiếp thu hợp lý ý kiến từ các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, thay vì một lô chứng chỉ quỹ có khối lượng lên đến 1 triệu đơn vị như dự kiến ban đầu, sẽ gây khó khăn cho nhà tạo lập thị trường, khi ban hành Thông tư 229/2012, Bộ Tài chính đã giảm mạnh một lô còn 100.000 chứng chỉ quỹ.
Ngoài ra, khi CTCK ở vai trò là thành viên tạo lập thị trường, về nguyên tắc sẽ do Sở GDCK thiết lập. Do vậy, các chính sách khuyến khích sẽ chủ yếu tập trung là ưu đãi về phí, lệ phí trong hoạt động liên quan tới thành viên của Sở GDCK.
CTCK được nhận tiền của NĐT để mua chứng khoán cơ cấu
Theo các CTCK, quy định hiện hành cho phép thành viên lập quỹ (CTCK) hỗ trợ NĐT thực hiện giao dịch mua chứng chỉ quỹ ETF sơ cấp bằng tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế triển khai phát sinh vướng mắc, vì chứng khoán cơ cấu dùng để hoán đổi vẫn phải đứng tên NĐT, nên thành viên lập quỹ không thể nhận tiền của NĐT để mua chứng khoán cho họ. Điều này gây khó cho các NĐT để có thể mua đủ danh mục chứng khoán cơ cấu nhằm hoán đổi lấy lô chứng chỉ quỹ.
Tuy nhiên, UBCK cho rằng, với quy định pháp lý hiện hành, khó khăn trên hoàn toàn có thể được giải quyết. Điều quan trọng cần lưu ý là CTCK được cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản giao dịch của khách hàng. Do đó, việc CTCK nhận tiền của khách hàng và sau đó mua chứng khoán cơ cấu trên tài khoản khách hàng, về nguyên tắc hoàn toàn có thể thực hiện trên cơ sở dịch vụ quản lý tài khoản giao dịch của khách hàng.
Tách bạch danh mục ETF của CTCK và khách hàng
Một phát sinh qua thực tế triển khai quỹ ETF cũng đang khiến các CTCK lúng túng là theo quy định hiện hành, CTCK chỉ được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một quỹ niêm yết. Tuy nhiên, nếu một CTCK tham gia với tư cách là thành viên lập quỹ, có nghĩa là ngoài mua chứng chỉ quỹ ETF cho mình, họ còn mua cho khách hàng, nên việc khống chế trần sở hữu làm hạn chế hoạt động của thành viên lập quỹ.
Quan ngại trên, theo UBCK, xuất phát từ CTCK không nắm rõ quy định. Trên thực tế, theo quy định hiện hành, CTCK phải quản lý tách danh mục ETF mua cho khách hàng ra khỏi danh mục ETF tự doanh hoặc cho hoạt động của thành viên lập quỹ, để bảo đảm quản lý tách biệt tài sản. Thành viên lập quỹ không được sử dụng tài sản của NĐT dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan tới tài sản của NĐT chỉ được phép thực hiện nếu phù hợp với quy định của pháp luật và theo lệnh, chỉ thị hợp pháp và bằng văn bản của NĐT…
Do đó, tỷ lệ sở hữu trên là chỉ tính riêng đối với số lượng chứng chỉ quỹ ETF thuộc sở hữu của CTCK, chứ không bao gồm phần mà CTCK mua cho khách hàng… Việc CTCK thực hiện mua, bán chứng chỉ quỹ ETF theo cơ chế gộp cả của khách hàng vào tài khoản hoặc tài sản của CTCK, là không phù hợp với quy định của pháp luật.