Hoàn thuế VAT là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp phản ánh trong thời gian qua. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su… thường xuyên lên tiếng về việc bị “treo” hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế trong thời gian dài khiến doanh nghiệp kiệt quệ.
Nhận diện điểm nghẽn này, tại phiên thảo luận “Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật 2024, các chuyên gia đã lên tiếng về thực trạng và đề xuất giải pháp.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - người điều hành phiên thảo luận cho biết, qua nhiều lần sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), chính sách hoàn thuế GTGT vẫn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các vướng mắc về hoàn thuế GTGT không được xử lý sẽ trở thành một điểm nghẽn trong việc khuyến khích đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng đến tính ổn định, minh bạch và công bằng của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Nêu lên thực trạng, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã đưa ra ví dụ cụ thể về trường hợp hoàn thuế của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ và cơ sở kinh doanh sắn; từ đó chỉ ra các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và cơ quan thuế khi thực hiện hoàn thuế GTGT.
“Về vấn đề hoàn thuế, một số đã được xử lý nhưng còn nhiều khó khăn, xuất phát từ 2 câu chuyện là quản lý, thể chế và thực thi. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất gỗ mua từ một doanh nghiệp thương mại khác, mang đi xuất khẩu, thanh toán qua ngân hàng, thủ tục hải quan đầy đủ, cung cấp hoá đơn chứng từ đầy đủ. Về mặt thủ tục, cơ quan thuế hoàn thuế là đúng chế độ, nhưng khi kiểm tra, thanh tra lại phát sinh chuyện đơn vị cung cấp gỗ đầu vào đã mua gỗ từ đối tượng không được hoàn thuế. Cơ quan điều tra lại kết luận rằng đầu vào của đơn vị thương mại này không có cơ sở hoàn thuế, vì vậy loại trừ việc hoàn thuế cho doanh nghiệp sản xuất gỗ kể trên. Chưa kể còn kết luận cán bộ thuế đã không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan thuế thiếu tinh thần trách nhiệm”, bà Cúc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế |
Theo bà Cúc, để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước yên tâm thực hiện thủ tục hoàn thuế, cần “cắt khúc” từng khâu kinh doanh cụ thể, từ đó xác định trách nhiệm của mỗi cơ quan nhà nước với từng khâu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ thuế trong trường hợp kiểm tra phát hiện các sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai hoặc của cán bộ thuế.
Đồng tình với các ý kiến của bà Cúc, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhận định, hoàn thuế GTGT là vấn đề “nóng” vì liên quan đến việc hoàn trả tiền thuế doanh nghiệp đã nộp từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc tra soát nhiều vòng của ngành thuế tuy nhằm bảo vệ ngân sách nhà nước nhưng cũng gây khó khăn cho những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.
Ông Phụng kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương phải có chỉ đạo xuyên suốt trong việc giải quyết vi phạm thuế, vi phạm ở khâu nào sẽ giải quyết ở khâu đấy, không đổ dồn trách nhiệm cho một mình cơ quan thuế, công chức thuế. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế vào Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế, trong đó công chức thuế chỉ chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng, công chức thuế chỉ nên chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế, hồ sơ hoàn thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Như vậy sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hoàn thuế GTGT, góp phần tạo ra môi trường chính sách ổn định, linh hoạt cho cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế.
Từ phía cơ quan quản lý, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ: “Doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế, cứ có hồ sơ, chứng từ, hóa đơn đầu vào là được hoàn. Hồ sơ quy định thế. Nhưng theo Luật Quản lý thuế, nếu rơi vào đợt kiểm tra trước hoàn thuế sau thì cơ quan thuế phải kiểm tra. Mà kiểm tra thế nào, đến đâu, như thế nào, xử lý ra sao… thì đến nay luật lại chưa có quy định cụ thể".
Ông Thành nhấn mạnh, quá trình xác minh thuế thường rất dài, như ở TP.HCM có thể phải đi xác minh ở các tỉnh khác lân cận, dẫn tới kéo dài thời gian hoàn thuế; thậm chí có trường hợp không thể xác minh được. Quá trình xác minh, kiểm tra, cơ quan thuế buộc phải đặt ra các câu hỏi, yêu cầu xuất trình chứng từ nhưng trong thủ tục kiểm tra lại không có.
"Nếu đặt hành vi của cơ quan thuế vào thủ tục hoàn thuế thì rõ ràng không đúng. Nếu đặt vào thủ tục kiểm tra thuế theo pháp luật thì lại được phép. Điều đó gây khó khăn cho cơ quan thuế", ông Thành phân tích.
Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ trong phiên thảo luận |
Bên cạnh đó, một vấn đề nóng là tình trạng mua bán hoá đơn. "Chỉ một vụ án cơ quan công an điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đến nay đã có 524 doanh nghiệp với hàng triệu hóa đơn phát hành không có hàng hóa đi kèm. Hàng triệu hóa đơn đó có nằm trong hồ sơ hoàn thuế do cơ quan thuế chúng tôi đang nắm giữ hay không? Đó là một câu hỏi. Nếu hoàn thuế thì tại sao lại hoàn vì đây là hóa đơn đi mua?", ông Thành cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Thành cho biết: “Vụ án xảy ra tại Thuduc House (Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức) đã tác động rất mạnh tới tâm lý của công chức thuế. Nắm được việc đó, chúng tôi đã có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng lên".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
"Vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng là vấn đề 'nóng', Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.