Gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu sẽ khơi thông dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest nhấn mạnh, để khơi thông dòng tiền được thì chúng ta cần gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu.

Chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 4 với chủ đề Gỡ nghẽn dòng tiền do Báo Đầu tư tổ chức sáng 18/11, TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest cho biết, tình hình tại thị trường trái phiếu hiện nay bị tê liệt với hơn 900.000 tỷ của các tổ chức phi tài chính đã phát hành.

"Để gỡ nghẽn dòng tiền được thì chúng ta cần gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn lý giải, do trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên việc nó biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Tuy nhiên, với quy mô như hiện tại, việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường vốn khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm.

"Room tín dụng cũng là một vấn đề Ngân hàng Nhà nước nên có xem xét để điều chỉnh cho phù hợp", ông Tuấn khuyến nghị và cho rằng, câu chuyện về room tín dụng nên có tầm nhìn dài hạn hơn. Room tín dụng trong 2 năm qua là 14%, nhưng thực tế triển khai thì không giao cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, mà giao tỷ lệ tăng trưởng nhất định ở trong một giai đoạn nhất định rồi sau đó xem xét để giao tỷ lệ tăng trưởng tiếp. Điều này làm các ngân hàng thương mại bị động trong câu chuyện room tín dụng.

TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest

TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest

"Room tín dụng là một công cụ để kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường, vậy nên chăng chúng ta linh hoạt hơn về room tín dụng trong thời gian tới bằng cách Ngân hàng Nhà nước sẽ có những tính toán và xem xét xem những ngân hàng thương mại nào đảm bảo các điều kiện để giao một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng chủ động điều tiết trong room đã được cấp", ông Tuấn kiến nghị.

Theo ông Tuấn, có những giai đoạn cao điểm Ngân hàng Nhà nước chưa kịp nới room cho các ngân hàng thương mại để cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh của từng ngành, đó cũng là một điểm nghẽn.

"Tôi nghĩ rằng, nếu có một tỷ lệ room từ đầu năm thì các ngân hàng thương mại sẽ chủ động hơn", ông Tuấn nêu quan điểm.

Yếu tố thứ hai cần phải xem xét trong phần room tín dụng, theo ông Tuấn, là không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên bó cứng ở một số phân ngành có tính chất đầu cơ cao, đặc biệt là những phân ngành về đầu tư cổ phiếu.

"Bất động sản cũng là một phân ngành mà chúng ta phải lựa chọn xem nhóm ngành nào cần phải bó cứng room tín dụng", ông Tuấn nói và cho biết, những dự án bất động sản tốt không nên bó cứng, vì nếu như vậy sẽ dẫn đến việc giá bất động sản không giảm đi, mà còn tăng lên và việc tiếp cận với bất động sản chính yếu của những người có nhu cầu sẽ ngày càng khó, bởi lượng cung trên thị trường ngày càng ít.

Tin bài liên quan