Dù đã được tổ chức này nhiều lần nhắc tới, nhưng sự nhấn mạnh lần này của HoREA cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề "bế tắc" thủ tục hành chính đang tác động xấu tới thị trường bất động sản và doanh nghiệp địa ốc.
Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 3 dự án mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án so với nửa đầu năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại mới, giảm đến 46 dự án so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình hình cấp phép đối với thị trường Hà Nội cũng không khá khẩm hơn. Theo công bố của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Thành phố cũng chỉ có 5 dự án mới được
cấp phép.
Theo dự báo đến năm 2020, các khu đô thị cả nước sẽ có hơn 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở và để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Chiếm phần lớn trong nhu cầu trên là tại 2 thành phố lớn nhất nước: Hà Nội và TP.HCM.
Trong khi nhu cầu về nhà ở vẫn tiếp tục tăng cao, thì nguồn cung mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 20% lượng cầu. Con số đó cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu nhà ở. Tuy nhiên, nguồn cung hiện nay tại 2 thị trường lớn nhất cả nước đang bị tắc vì vấn đề thủ tục.
Dẫu vậy, lời giải bài toán thủ tục để cấp phép dự án mới không phải chuyện dễ.
Chia sẻ với người viết, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp cho biết, ách tắc của các dự án nhà ở thương mại hiện tập trung vào các nguyên nhân như do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật; Sở Quy hoạch - Kiến trúc không tiếp nhận hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; dự án có một phần diện tích đất nông nghiệp, đất kênh rạch, đất công nằm xen cài.
Ngay cả khi dự án đã được cấp phép và khởi công xây dựng, thì vẫn có thể bị ngừng thi công chỉ vì trước đó, cơ quan quản lý vô tình không kiểm tra kỹ, dẫn đến việc "dính" một phần đất công trong dự án.
Để hoàn thành xong thủ tục pháp lý một dự án, chủ đầu tư mất khoảng hơn 1 năm, thậm chí 3 năm hoặc lâu hơn, nhưng một khi dính "lỗi", dự án sẽ buộc phải quay về vạch xuất phát như lần đầu nộp hồ sơ.
Vướng mắc về thủ tục này không chỉ gây mệt mỏi cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới địa phương khi doanh nghiệp quay lưng, tìm tới các vùng đất mới.
Nhắc điều này lại nhớ lại câu chuyện của tỉnh Bình Định cách đây chừng 2 năm, khi lần đầu tiên có lãnh đạo một tỉnh đứng lên "bênh" doanh nghiệp khi thanh tra Bộ Xây dựng công bố kết luận về việc một dự án tại địa phương triển khai khi chưa đủ thủ tục pháp lý.
Theo đó, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, việc doanh nghiệp "cầm đèn chạy trước ô tô", xây dựng dự án khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nằm trong chủ trương của tỉnh. Bởi nếu không làm vậy, doanh nghiệp sẽ không làm được dự án, đồng thời tỉnh Bình Định cũng mất đi cơ hội bứt tốc như ngày hôm nay.
Làm sao để sớm tìm hướng tháo gỡ vướng mắc thủ tục một cách nhanh nhất có thể là thông điệp khẩn thiết mà các chủ dự án thông qua HoREA muốn chuyển tải đến chính quyền các cấp hiện nay. Bởi nếu không, với hàng trăm dự án phát triển nhà ở bị “ngâm” hồ sơ trong nhiều năm, thiệt hại của chủ đầu tư là con số không nhỏ, có thể khiến doanh nghiệp phá sản.
Khi đó, không chỉ doanh nghiệp, thị trường bất động sản, mà cả nền kinh tế cũng chịu tác động, bởi địa ốc là ngành liên quan tới nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com