Việc hình thành quỹ hưu trí vừa được 3 bên gồm: Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Nam (VFM), Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khởi động. Tuy nhiên, cả người trong cuộc và giới chuyên gia nhìn nhận, việc triển khai quỹ này không đơn giản, đối mặt với không ít cái khó.
Cụ thể, do đây là loại hình quỹ mới, trong khi chính sách ưu đãi cho các bên tham gia gồm doanh nghiệp sử dụng lao động, người lao động, công ty quản lý quỹ… chưa đáng kể, nên cách nào huy động được vốn để hình thành quỹ hưu trí hiện là bài toán khó với nhà lập quỹ. Ngoại trừ ưu đãi được miễn thuế ở mức 1 triệu đồng/người/tháng khi góp vào quỹ (cộng cả phần góp của doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động), hiện chưa có cơ chế ưu đãi nào để khuyến khích các bên tham gia quỹ.
Để khắc phục tình trạng này, qua đó hấp dẫn doanh nghiệp và người sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí, VFM từng đề xuất cơ quan quản lý nâng mức đóng góp vào quỹ được miễn thuế lên 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, nhưng chưa được chấp thuận.
Một cái khó khác của nhà lập quỹ hưu trí là đang phải chịu sự cạnh tranh với một sản phẩm có nhiều yếu tố tương đồng là sản phẩm bảo hiểm hưu trí, đã được các công ty bảo hiểm cung cấp ra thị trường từ năm 2013.
Chia sẻ khó khăn mà các bên tham gia lập quỹ hưu trí đang phải đối mặt, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính nhìn nhận, việc triển khai quỹ hưu trí không đơn giản. Nhưng nếu không triển khai từ bây giờ thì 10 - 15 năm nữa, hệ thống an sinh xã hội sẽ bộc lộ bất cập rõ nét, đồng thời thiếu các nhân tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường vốn.
Theo bà Hiền, cơ quan quản lý luôn lắng nghe, đồng hành với các bên tham gia lập quỹ, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm hỗ trợ cho sự ra đời của quỹ hưu trí đầu tiên.
Bộ Tài chính ghi nhận chính sách miễn thuế cho khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động còn khiêm tốn, nhưng quỹ hưu trí là loại hình quỹ mới, cần triển khai thận trọng. Hơn nữa, việc miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên để thuyết phục cơ quan lập pháp tăng miễn thuế đối với khoản đóng góp vào quỹ, cần có thời gian triển khai quỹ, từ đó mới có cơ sở thực tế để Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét cơ chế ưu đãi mới đối với quỹ hưu trí.
Với chính sách miễn thuế khi góp tiền vào quỹ hiện tại, một câu hỏi mà doanh nghiệp, cũng như người lao động đang quan tâm là khi định kỳ nhận được khoản thu nhập từ quỹ hoặc rút toàn bộ tiền ra khỏi quỹ hưu trí thì họ có phải nộp thuế?
Bà Hiền cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, khi người tham gia quỹ rút tiền theo hình thức lương hưu hàng tháng, thì được miễn thuế. Tuy nhiên, nếu họ rút toàn bộ tiền ra khỏi quỹ, sẽ phải chịu thuế vì hình thức rút tiền này không được khuyến khích.
Liên quan đến một số “khoảng trống” của quy định pháp lý đáp ứng yêu cầu cho quỹ hưu trí vận hành như văn bản hướng dẫn Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí tự nguyện, chế độ kế toán, quy chuẩn công bố thông tin…, đại diện Bộ Tài chính cho hay, dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 88/2016/NĐ-CP sắp được ban hành. Bộ cũng đang khẩn trương hoàn tất các quy định pháp lý liên quan, để đáp ứng mục tiêu năm 2018 sẽ có quỹ hưu trí đầu tiên. Vì đây là loại hình quỹ hoàn toàn mới tại Việt Nam, nên việc xây dựng các văn bản pháp lý cần kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.
“Dù việc lập quỹ hưu trí là khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và đồng hành của cơ quan quản lý với VFM, VSD và BIDV, chúng tôi tin tưởng, quỹ hưu trí sẽ ra đời thành công. Hy vọng, 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện với quy mô khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng. Qua đó, không chỉ góp phần cải thiện hệ thống an sinh xã hội mà còn tạo ra dòng vốn mới hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường vốn”, bà Hiền nói.