Gỡ khó cho doanh nghiệp để tăng tốc phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Nhìn nhận nền kinh tế “ngày càng tốt hơn”, nhưng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đặc biệt quan tâm đến khó khăn của doanh nghiệp và coi đây là trọng tâm trong các chính sách điều hành.
Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn

“Ngày càng tốt hơn” là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối tuần qua. Mức tăng trưởng quý III đạt 2,62% đã kéo tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 2,12%, được các chuyên gia đánh giá là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh “vấn đề cần quan tâm” liên quan đến số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Theo ông, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%.

Ở chiều ngược lại, tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng vốn đăng ký tăng 10,7%, lên hơn 1,4 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm.

Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm 2019. Điều này cho thấy người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng.

Đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình 9 tháng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, khó khăn vẫn còn, nhưng “đỡ hơn rất nhiều” so với đầu năm. Điều này được thể hiện rõ qua mức tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%, xuất siêu 9 tháng đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD.

Song ông Phương cũng khẳng định, qua các cuộc khảo sát, điều tra của Tổng cục Thống kê, khó khăn nhất hiện nay tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu, du lịch lữ hành, chủ yếu liên quan đến việc giữ chân người lao động và duy trì dòng tiền hoạt động.

Kích hoạt đồng bộ các biện pháp tháo gỡ

Theo chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh, trong đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, các chính sách hỗ trợ tập trung chủ yếu vào an sinh xã hội có thể xem là phù hợp. Đối với đợt bùng phát dịch lần thứ hai, việc giãn cách xã hội thực hiện trong trạng thái bình thường mới, nên các chính sách cần ưu tiên khu vực doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và tạo việc làm.

Nêu yêu cầu đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế tại phiên họp cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có biện pháp để kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng.

Làm rõ hơn vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện nay, cùng với các chỉ tiêu về xuất khẩu và hỗ trợ sản xuất phục vụ xuất khẩu như các số liệu 9 tháng đã công bố, tín dụng năm nay có thể tăng trên 9%.

“Có nhiều giải pháp như cơ cấu nợ đến hạn, nhưng quan trọng nhất là giảm lãi suất. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, để các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn”, ông Tú cho hay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã giảm chi phí để có điều kiện cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay và muốn vay. Các doanh nghiệp phải giải quyết bài toán đầu ra và đầu vào, vì không có nguyên liệu để sản xuất hoặc không có thị trường, thì doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về vốn, thị trường…, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cải cách thể chế cũng là vấn đề hết sức quan trọng.

Gần đây nhất, tháng 5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, với mục tiêu trong 5 năm tới, sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành.

“Tôi rất hy vọng, Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh, rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

"Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh"

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tin bài liên quan