Theo đó, những cổ phiếu từng lọt vào danh sách cổ phiếu cấm margin quý IV/2017 liên quan đến vi phạm thuế như BHN của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, NTL của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm, TRA của CTCP Dược phẩm Traphaco, TDH của CTCP Phát triển nhà Thủ Đức... sẽ được giao dịch margin trở lại.
Như đại diện lãnh đạo Sở GDCK TP.HCM (HOSE) từng chia sẻ trước đó, việc đưa những cổ phiếu như trên vào danh sách cấm margin cũng Sở rất băn khoăn, nhưng đã là quy định thì không thể làm trái.
Theo quy định mới, những chứng khoán không được giao dịch ký quỹ khi Sở GDCK nhận được báo cáo, công bố thông tin của công ty niêm yết, hoặc Sở GDCK có thông tin cụ thể: Thứ nhất là quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính công ty niêm yết đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế; thứ hai là quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính công ty niêm yết đối với hành vi không chấp hành kết luận cưỡng chế thi hành quyết định hành chính sách thuế; thứ ba là quyết định khởi tố bị can của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công ty niêm yết.
Đồng tình với quyết định của UBCK khi “cởi trói” margin do vi phạm thuế, song nhiều ý kiến cho rằng, cần cởi trói tiếp bước 2 bằng việc thay đổi quan niệm về nhóm cổ phiếu được margin, tỷ lệ margin, cũng như “room” margin.
Đơn cử, UBCK nên để công ty chứng khoán (CTCK) được tự chủ hơn trong việc đưa ra danh mục cổ phiếu được margin, bởi CTCK mới là bên cung cấp dịch vụ và chịu rủi ro. Đặc biệt là trong bối cảnh số lượng cổ phiếu lên sàn ngày càng nhiều như hiện nay, nếu bị ‘bó hẹp’ bởi nhiều quy định có thể khiến nhu cầu giao dịch đối với những cổ phiếu trên sàn bị hạn chế.
Trong bản góp ý gửi Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB), CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) đề xuất, đối với cổ phiếu đang giao dịch trên sàn UPCoM và cổ phiếu mới niêm yết, cơ quản quản lý nên mở cửa cho dòng tiền margin chảy vào các mã đủ chất lượng. Chẳng hạn, các doanh nghiệp đạt các tiêu chí cao hơn quy định về vốn điều lệ, EPS, không có lỗ lũy kế, không vi phạm quy định về công bố thông tin…
“Đối với room cho vay margin, cần nâng room cho vay đối với một khách hàng từ 3-5% vốn chủ sở hữu của CTCK để tránh việc khách hàng có tài sản lớn và có nhu cầu vay nhiều, nhưng phải ‘lách’ bằng cách mở nhiều tài khoản để giao dịch. Đồng thời, nâng room cho vay đối với một mã chứng khoán từ 10-15% vốn chủ sở hữu của CTCK, thậm chí có thể nâng tỷ lệ cho vay lên 60% đối với các cổ phiếu thuộc rổ VN30. Theo đó, CTCK sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc đánh giá và thẩm định khách hàng theo tiêu chí quản trị rủi ro của CTCK”, MBKE nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cũng cho rằng, việc giới hạn mức giao dịch kỹ quỹ cấp cho một khách hàng theo quy định hiện hành đang ảnh hưởng đến giao dịch của nhiều khách hàng có tài sản lớn, có nhu cầu giao dịch với quy mô lớn, đặc biệt là khách hàng tổ chức. Trong khi điều kiện được vay/dư nợ ký quỹ phát sinh của khách hàng nếu có phải đảm bảo nhiều điều kiện ràng buộc như tỷ lệ ký quỹ ban đầu, tỷ lệ ký quỹ duy trì trong hạn mức tổng dư nợ ký quỹ của CTCK, trong giới hạn room cho vay...
“Theo chúng tôi, cần tăng giới hạn tối đa hạn mức cấp cho một khách hàng có giá trị tài sản lớn, vì rủi ro đối với CTCK đã được kiểm soát bởi nhiều quy định. Do vậy mà hạn mức cho một khách hàng có thể nâng lên để đáp ứng nhu cầu giao dịch thực tế của khách hàng”, MBS góp ý.
Trong khi đó, theo ông Đinh Ngọc Phương, Tổng giám đốc CTCK Agriseco, nếu để quy định margin can thiệp sâu vào tỷ lệ cho vay tối đa đối với từng cổ phiếu trong hoạt động giao dịch ký quỹ của các CTCK, trong khi việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với việc ngăn chặn các CTCK thực hiện các nghĩa vụ tài chính hỗ trợ khách hàng còn chưa thực sự chặt chẽ, dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cho vay margin giữa các CTCK.