Là một trong những người đồng hành cùng quá trình phát triển đó, tôi thấy mình thật may mắn khi có điều kiện được rèn luyện, nghiên cứu, học hỏi, làm việc cùng các thế hệ cha anh, các anh chị em và các bạn đồng nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hết sức mới mẻ, nhưng cũng đầy thách thức và đam mê.
Nhớ lại những ngày đầu, các doanh nghiệp hầu như không biết đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù trong cơ cấu Ban lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi đó gồm Chủ tịch và các ủy viên kiêm nhiệm là cấp Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập và đi vào hoạt động để chuẩn bị đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán đầu tiên đặt tại TP.HCM đi vào hoạt động, trong quá trình tham gia công tác “tạo hàng”, đã có lúc chúng tôi phải nhờ cả lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cùng tham gia đi “tiếp thị” để “lấy uy”.
Thời điểm đó, chúng tôi thường nhận được câu trả lời quen thuộc của các doanh nghiệp như: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cứ mở thị trường, nếu thấy hay thì mới tham gia”. Nhưng không thể “xây chợ” mà không có hàng hóa để mua bán và sau rất nhiều nỗ lực, sự kiên trì của tập thể lãnh đạo, nhân viên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường đã từng bước được gây dựng và có những thời điểm được báo chí mô tả “nhà nhà, người người đầu tư chứng khoán.
Một trong những điều tôi thấy rất tâm đắc do thị trường chứng khoán đem lại, đó là việc thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện công khai thông tin các hoạt động của mình.
Trong thời kỳ xem xét chấp thuận những hồ sơ đăng ký niêm yết đầu tiên, có công ty gửi báo cáo tài chính cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được đóng dấu “MẬT”.
Quả thật, nếu nhìn lại đầu những năm 2000, việc tiếp cận được báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước là hết sức khó khăn, chưa nói đến việc phải công khai cho bất cứ ai cũng có thể đọc được.
Mặc dù một trong những điều kiện tiên quyết khi tham gia thị trường chứng khoán là doanh nghiệp phải công khai minh bạch thông tin, nhưng phải có nhiều buổi làm việc, trao đổi, thuyết phục, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về quy trình và cả những quy định pháp lý…
Sau đó, các doanh nghiệp mới chấp nhận việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, thực hiện giải MẬT đối với báo cáo tài chính và các tài liệu liên quan khác, từ đó dần dần gỡ bỏ tâm lý ngại “đưa doanh nghiệp ra ánh sáng”.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán giờ đây chỉ bằng những cú click chuột cũng có thể xem được báo cáo tài chính của hàng ngàn doanh nghiệp, kể cả công ty chưa niêm yết để có thể đưa ra các quyết định đầu tư của mình ở bất cứ nơi nào có kết nối Internet, điều mà ở thời điểm hiện nay được xem là đương nhiên, nhưng sẽ rất khó đạt được nếu không có thị trường chứng khoán.
Cho dù thị trường chứng khoán đã trải qua biết bao thăng trầm sau hơn 16 năm hoạt động, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể chưa tận dụng được cơ hội do thị trường mang lại, nhưng theo thời gian, vai trò của thị trường chứng khoán như là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế nói chung, cho các doanh nghiệp nói riêng ngày càng được khẳng định.